Đổi thay ở các bản làng dưới chân dãy Trường Sơn - nơi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, dễ dàng nhận ra những căn nhà cao tầng, những quả đồi mênh mông cà phê, những phố chợ sầm uất... Nhưng có một sự đổi thay khác, âm thầm, bền bỉ mà đầy kiêu hãnh, đó là những người Vân Kiều, Pa Cô, Pa Hy bước ra từ đêm dài tăm tối để trở thành những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo... Đặc biệt, nhiều gia đình nơi đây đã xóa bỏ lời nguyền để tích cực tham gia phong trào hiến máu cứu người.
Ngọn lửa hiếu học
Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Trăng, khi nói về sự đổi thay của quê mình đã rất tâm đắc với cuộc cách mạng giáo dục - sự học ở vùng rẻo cao này là thành tựu lớn nhất, lớn hơn nhiều những chuyện tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại đang diễn ra từng ngày ở đây. Như chứng minh, anh mở tủ ở phòng làm việc lấy ra tập danh sách những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, nhà báo là con em đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống, công tác khắp mọi miền đất nước và ngay tại địa phương. Trong đó, Hồ Mạnh Giang mà đồng bào các dân tộc sinh sống dưới chân dãy núi Trường Sơn quen gọi “Giang Ha-vớt”. Thắc mắc thì Chủ tịch Trăng thật thà giải thích rằng: “Chẳng biết cậu Giang mang biệt danh ấy từ khi nào. Mình cũng quen gọi như vậy. Nhưng gọi “Giang Ha-oai” thì đúng hơn. Vì cậu ấy từng du học ở Đại học Tổng hợp Hawaii tại Hoa Kỳ. Giang cũng là người thanh niên Pa Cô đầu tiên bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ở Mỹ, trở thành ngọn lửa thắp sáng tinh thần hiếu học và là sự kiêu hãnh của đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn”.
“Giang Ha-vớt” là biệt danh mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới đặt cho thạc sĩ Hồ Mạnh Giang.
Là con cả trong một gia đình nghèo ở biên giới Việt - Lào thuộc xã Hồng Thượng, huyện A Lưới nên ngay từ tấm bé, Giang thấu hiểu sự nhọc nhằn, gian khổ của bố mẹ và cả những bác nông dân chân lấm tay bùn xung quanh, ngày ngày vất vả mưu sinh trên mảnh đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, núi rừng trơ trọi do chất độc da cam để lại sau chiến tranh. Hoàn cảnh khó khăn nên Giang siêng năng cần mẫn băng rừng lội suối đến trường mỗi ngày với quyết tâm học thật giỏi để vượt lên chính mình, làm gương cho đàn em. Nhưng ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn ấy đứng trước nguy cơ đứt gánh khi vào năm 1998, bố Giang đột ngột qua đời để lại cho mẹ Giang “gia tài” là căn nhà xiêu vẹo cùng 5 đứa con đang độ tuổi đến trường. “Ngày ấy, chuẩn bị thi tốt nghiệp 12 thì bố mình đột ngột qua đời. Lúc đó, đang tuổi mới lớn, bỗng mất đi chỗ dựa lớn nhất trong đời, mình đã nghĩ đến việc bỏ học để về xuôi làm thuê, giúp gia đình bớt khổ, song mẹ nhất quyết không cho. Cố gắng tốt nghiệp xong phổ thông trung học thì một cơ may đã đến với mình khi được huyện chọn đi học cử tuyển tại Trường Đại học Kinh tế Huế”, Giang chia sẻ. Sau 4 năm nỗ lực học tập, Hồ Mạnh Giang hoàn tất khóa học lấy bằng cử nhân chuyên ngành kinh tế nông nghiệp với kết quả loại giỏi. Rồi anh được nhận vào làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến năm 2008, Giang tiếp cận chương trình học bổng quốc tế (IFP) do Trung tâm Trao đổi giáo dục Việt Nam giới thiệu và anh trực tiếp được phỏng vấn. Giang không giấu giếm: “Lần phỏng vấn đầu tiên ấy mình bị trượt do vốn ngoại ngữ còn hạn chế quá. Nhưng được cấp một suất học bổng tiếng Anh thời hạn 6 tháng tại Đại học An Giang. Học và chờ đến đợt phỏng vấn năm sau thì nhận được suất học bổng IFP và đi du học ở Mỹ theo Chương trình International Fellowship Programme do học bổng Quỹ Ford tài trợ”.
Cuối năm 2012, Giang về nước và lập tức bị các anh chị trong cơ quan cũ trách khéo. Chuyện là sau khi học xong thạc sĩ ở Mỹ, Giang không giữ đúng “cam kết” làm việc lâu dài ở… tỉnh, mà quyết xin về quê. Nhưng khi biết được ước nguyện sâu thẳm trong tâm trí Giang thì mọi người rất ủng hộ. Giang bảo: “Mình học xong về nhận công tác tại một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, với chức danh chuyên viên tổng hợp kinh tế - xã hội và phụ trách thêm bộ phận một cửa của Văn phòng UBND huyện. Hồi đầu, nhiều bạn bè, người quen cho rằng mình là đứa dở hơi, hâm, gàn. Nhưng thú thật được về công tác tại quê hương A Lưới là tâm nguyện lớn nhất đời mình”. Giang chia sẻ thêm: “Trước lúc đi du học, mình đã tính khi học xong sẽ xin chuyển công tác về quê để phục vụ đồng bào mình nên đã chọn chuyên ngành hành chính công. Qua đó, có cơ hội áp dụng kiến thức đã học, góp phần phục vụ tốt hơn công tác chính sách, cải cách hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào thời hội nhập”.
Bước qua lời nguyền
Giữa đại ngàn Trường Sơn trong một buổi chiều cuối tuần êm ả, chúng tôi được nghe kể về chàng thanh niên tiên phong mở đường, xóa bỏ lời nguyền hiến máu âm ỉ tồn tại trong tâm khảm biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Đó là Lê Văn Khởi, dân tộc Pa Cô, đang làm nhân viên bảo vệ Trường THCS Dân tộc nội trú A Lưới. Anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, chia sẻ: “Với người dân đồng bằng, đi hiến máu là chuyện bình thường bởi trong Nam ngoài Bắc, ở đâu cũng tìm thấy gương điển hình. Nhưng ở huyện miền núi như A Lưới, chuyện Lê Văn Khởi đi hiến máu từ nhiều năm qua là rất lạ... Bởi xưa nay, đồng bào các dân tộc thiểu số quan niệm, máu là một phần của con người, do Giàng ban tặng để giữ cơ thể khỏe mạnh. Nếu cho đi thì mang tội, ai làm như vậy sẽ bị Giàng phạt nặng. Cũng vì quan niệm ấy mà hơn chục năm về trước đã có rất nhiều đoàn tuyên truyền, vận động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện đi khắp các bản làng ở A Lưới vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện nhưng không ai ngó ngàng. Trước tình thế khó khăn ấy, các thành viên trong đoàn công tác đã nhóm họp và thống nhất vận động một thanh niên ưu tú là con em đồng bào tự nguyện hiến máu nêu gương và trực tiếp tham gia cùng đoàn đi tuyên truyền vận động mọi người trong các bản hưởng ứng”.
Lê Văn Khởi (bìa trái) nhận phần thưởng từ Ban tổ chức “Lễ hội xuân hồng” đầu năm 2015 tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến gặp Lê Văn Khởi thì được anh cho hay, được các bác sĩ trong đoàn vận động cặn kẽ giải thích, hiến máu nhân đạo là hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Chỉ cần hiến một phần máu của mình sẽ cứu được tính mạng những người bệnh đang cần máu. Đặc biệt, sức khỏe người hiến máu cũng không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, việc hiến máu còn có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, sắt hoặc vì một số điều kiện đặc biệt làm máu quá đặc. “Nghe các bác sĩ tư vấn xuôi tai nên mình quyết định tham gia. Nhưng nói thật là mọi chuyện không hề đơn giản. Biết tin mình đồng ý hiến máu, mọi người trong vùng đều sửng sốt. Bố mẹ mình cũng bàn vào, bàn ra do sợ “lời nguyền” linh ứng. Thế nhưng mình vẫn giữ vững quyết tâm và trấn an mọi người: Mình sức dài, vai rộng, lại là đoàn viên ưu tú nếu không tình nguyện hiến máu trước thì ai sẽ làm gương cho bà con? Vả lại, ở đồng bằng, người ta hiến máu đầy ra đấy mà có ai bệnh tật, chết chóc gì đâu?”.
Đi hiến máu về, dân bản đến thăm Khởi rất đông. Họ vừa lo lắng vừa tò mò xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng rồi ai cũng thở phào khi thấy Khởi vẫn khỏe mạnh, nói chuyện, lao động bình thường. Từ đó, “lời nguyền hiến máu” trong suy nghĩ đồng bào bắt đầu thay đổi. Để giờ đây, cứ mỗi đợt hiến máu tình nguyện diễn ra, dân các bản làng ở A Lưới lại rộn rã như ngày hội. Từ các xã vùng sâu, vùng xa như A Roàng, A Đớt… đến các trường học, người dân và học sinh lặn lội ra trung tâm huyện để góp sức vì cộng đồng. Chỉ tính riêng trong đợt 1 năm 2015, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện A Lưới phối hợp cùng Trung tâm Huyết học truyền máu miền Trung tổ chức với chỉ tiêu 118 người nhưng có đến 196 người tham gia, thu được hơn 300 đơn vị máu.
Văn Thắng
>> Bài 1: Thanh niên Pa Cô dám nghĩ, dám làm