Sáu tháng đầu năm 2012, cả nước có hơn 26.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượng DN mới đăng ký giảm 12,5%. Những khó khăn của doanh nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Và điều này đang khiến cho sức mua trong những tháng gần đây liên tục giảm đi dù nhiều siêu thị, trung tâm thương mại giăng biển khuyến mãi, giảm giá khắp nơi nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn thờ ơ. Chính vì thế, làm thế nào để kích cầu tiêu dùng là bài toán đang được đặt ra cho hệ thống phân phối lẫn nhà cung cấp.
Khi thói quen mua sắm thay đổi
Trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn, phần lớn người tiêu dùng đã và đang dần thay đổi cách thức sinh hoạt hàng ngày cũng như giảm dần những thói quen dùng hàng hiệu xa xỉ. Bán chạy nhất tại các siêu thị là những mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh, rau củ quả, nước ngọt; kế đến là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như dầu ăn, đường, gia vị, bột giặt, nước tẩy rửa… Các gian hàng gia dụng, quần áo, công nghệ tương đối vắng mặc dù nhà bán lẻ thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi khủng. Theo đại diện các siêu thị, giá trị giỏ hàng có xu hướng giảm so với trước đây bởi đa số khách chọn mua hàng thực phẩm, hàng thiết yếu và những mặt hàng đang giảm giá đậm nhất.
Chị Ngọc Lan (quận 3) cho biết: “Trước đây, mỗi khi đi siêu thị tôi thường chọn mua những mặt hàng nào mới nhất, đẹp nhất mà chẳng màng đến giá cả miễn chất lượng đảm bảo là được. Nhưng thời gian gần đây, thu nhập của tôi lẫn ông xã đều giảm sút nên tôi phải đắn đo rất nhiều, chỉ mua những đồ dùng thật sự cần thiết”.
Chung tay kìm giá, tại sao không?
Hiện nay, giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu đầu vào có giảm, nhưng việc giảm giá các mặt hàng lại không phải là xu thế tất yếu. Trên thực tế có rất ít nhà sản xuất chủ động giảm giá dài hạn mà chỉ chấp nhận giảm giá trong một thời gian ngắn dưới hình thức khuyến mãi. Sau khi kết thúc chương trình khuyến mãi, giá sản phẩm sẽ trở về mặt bằng cũ hoặc nhà cung cấp sẽ tìm cách tăng giá trở lại dựa trên những biến động sau đó của thị trường. Do đó, theo các nhà bán lẻ, việc làm đúng đắn nhất hiện nay để kéo khách trở lại thì các hãng bán lẻ và nhà cung cấp nên chung tay kéo mặt bằng giá xuống để chia sẻ gánh nặng về giá với NTD.
Với tư cách là trung gian, cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, các nhà bán lẻ, nhà phân phối cần phải lên tiếng với các nhà cung cấp để tìm cho họ hướng ra bằng các biện pháp kìm giá nhằm giữ chân người tiêu dùng. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, vì thế để có cơ hội tăng lợi nhuận trong tương lai thì trước mắt phải duy trì sự ổn định.
Do vậy, trong khả năng của mình, nhà bán lẻ phải nỗ lực làm việc với nhà cung cấp làm sao để giá không những không tăng mà còn phải giảm trong thời gian dài. Điều này thực sự không phải dễ dàng. Tuy nhiên, nếu hai bên đồng ý chung tay góp sức, thì cả nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Và nền kinh tế cũng sẽ phát huy được nhiều tín hiệu khả quan hơn.
Tiên phong trong ý tưởng đó, đầu tháng 7 vừa qua Big C đã làm việc với hơn 150 nhà cung cấp giảm giá bán cho 300 mặt hàng thiết yếu với mức giảm trung bình khoảng 2%, có một số mặt hàng giảm đến 12% so với giá bán hiện tại, kéo dài từ nay cho đến hết ngày 3-9. Không phải là một chương trình khuyến mãi đơn thuần của Big C mà là một nỗ lực kìm giá được phối hợp nhịp nhàng giữa Big C và nhà cung cấp. Vì trong thời gian thực hiện nếu giá các mặt hàng trong số 300 mặt hàng nằm trong danh sách trên thị trường giảm, siêu thị cũng sẽ giảm thêm theo tỉ lệ tương ứng, còn ngược lại nếu giá trên thị trường tăng, Big C sẽ nỗ lực làm việc lại với các nhà cung cấp để cố gắng kìm giá, không tăng giá. Bên cạnh đó, các khuyến mãi vẫn có thể áp dụng cho các sản phẩm trong danh sách 300 mặt hàng nói trên để giảm giá thêm cho khách hàng.
Có thể nói với nỗ lực này, Big C và các nhà cung cấp không chỉ đơn thuần đã góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu đối với người tiêu dùng mà trên hết là đã gián tiếp giúp các nhà cung cấp trụ vững hơn trong cuộc chạy đua giành khách hàng vốn ngày càng khốc liệt giữa hàng Việt và hàng nhái, hàng lậu kém chất lượng có giá rẻ tuồn về ngày càng nhiều.
LÊ NA