Thời xe đạp kính coong trên phố thấm thoắt đã lùi xa gần một phần tư thế kỷ. Người Hà Nội tầm 60 tuổi đổ lên bây giờ vẫn còn nhớ như in những gì xảy ra quanh chiếc xe đạp của mình. Đáng nhớ nhất và không thể không nhắc đến là chuyện sửa xe đạp.
Chiếc xe đạp hồi thập kỷ 60, 70, 80 thế kỷ trước không chỉ là phương tiện đi lại. Nó còn là tài sản quan trọng nhất trong mỗi gia đình. Thậm chí đôi khi còn là niềm tự hào chói sáng. Nhà ai có người thân bên Pháp gửi về chiếc xe đạp Peugeot được coi là sang trọng nhất. Kế đến là cán bộ trung cao cấp được mua phân phối chiếc xe đạp Phượng Hoàng; rồi cán bộ, công nhân lâu năm được mua phân phối chiếc xe đạp Thống Nhất. Còn dân thường phải tự dành dụm mua chiếc xe đạp cũ hợp với túi tiền của mình. Tuy nhiên, độ “kính trọng” với chiếc xe đạp hình như giống nhau. Chẳng có ai lơ là một phút.
Là phương tiện dùng đến hàng ngày nên những chuyện hỏng hóc là điều tất nhiên. Chẳng có gì lo lắng cả. Xe hư, gần như không bao giờ phải dắt bộ quá trăm mét. Các con phố Hà Nội luôn có sẵn các cửa hàng sửa xe. Có những cửa hàng sửa xe lớn để sửa các việc phức tạp, cũng có những cửa hàng nhỏ, đôi khi chỉ là một cái tủ gỗ có bánh xe đẩy đặt ở đầu đường cũng có thể cân vành, lau dầu, lộn xích, vá săm lốp. Nhỏ nữa có chiếc hòm gỗ xách tay chỉ có thể bơm vá, căng xích chùng, thay má phanh, dây phanh, tra dầu…
Những cửa hàng lớn mạn Phố Huế, Chợ Giời nườm nượp khách suốt ngày. Họ làm những công việc chuyên biệt không mấy nơi làm được. Bình hàn gió đá phì phèo, lò than đá quạt máy vù vù. Họ nướng những chiếc ghi đông xe đạp cuốc Liên Xô, duỗi thẳng, cắt bớt, uốn lại cho thành chiếc ghi đông xe đạp thường. Họ cắt chiếc vành cỡ 680 thành vành cỡ 650. Ai có nhu cầu biến chiếc xe đạp đua thành xe đạp nữ khung võng cũng không khó khăn gì. Vài phút rọi mỏ hàn tháo các rắc-co, thêm hai đoạn ống thép võng nhỏ và bỏ gióng thép ngang là thành. Tất nhiên phải sơn lại. Đã có những cơ sở sản xuất ra đủ các loại đề-can nhãn hiệu xe đạp dán vào sau khi sơn. Thường thì đề-can xe Peugeot là đắt hàng nhất. Ai cũng muốn chiếc xe đạp Sputnic Liên Xô của mình sau khi xuống khung thành xe đạp nữ phải có quyền dán chiếc đề-can Peugeot. Tự hào là thế.
Xe đạp thiếu nhi Liên Xô “con vịt” viện trợ những năm ấy dùng cỡ vành 600 là một bài toán khó cho thợ sửa chữa. Thay vành lớn hơn không lắp vừa. Người ta nghĩ ra cách rút lốp 650 xuống còn 600 để lắp vừa vành. Phải trích thủng tanh lốp ra cắt bớt, hàn lại. Rút dàn đều chỗ cao su thừa ra. Vá chín lại là thành. Nhưng hình như xe “con vịt” lại càng “vịt” hơn bởi chiếc lốp rút màu đỏ thay cho chiếc lốp đen nguyên bản.
Công việc sửa xe đạp thời chiến tranh bao cấp suýt nữa thì trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu chỉ tính thu nhập thôi thì có lẽ nó là ngành cao nhất. Tuy nhiên đã chẳng bao giờ có ngành công nghiệp nào mang tên “sửa chữa xe đạp”. Thậm chí thợ sửa chữa xe đạp trong thành phố còn không nằm trong giai cấp công nhân. Bởi vì khái niệm công nhân lúc ấy chỉ dành cho những người làm việc trong nhà máy quốc doanh. Thợ sửa xe đạp dù có thành lập hợp tác xã để hành nghề thì vẫn chỉ được gọi là xã viên mà thôi. Giống như thợ may, thợ chữa khóa, thợ điện, thợ mộc tư nhân. Rất không tiện cho việc khai lý lịch của con em trong nhà.
Ngoài những hợp tác xã sửa xe đạp lớn, ở Hà Nội có nhiều gia đình sửa xe chuyên nghiệp nằm rải rác trên các con phố Trần Nhật Duật, Khâm Thiên, Phố Huế, Lò Đúc… Cửa hàng sửa xe đạp nổi tiếng ở đầu phố Bà Triệu của ông Đào luôn đắt hàng bởi nó nằm lọt thỏm trong khu phố Tây ít nhiều đài các sang trọng. Ông chủ hiệu này có kỹ thuật vào hạng bậc thầy. Đồ nghề cũng tinh vi hiện đại hơn những chỗ khác. Đại khái có bàn ép vá chín cắm điện thay cho chiếc bàn ép đốt dầu thải khói mù mịt. Thực ra thì chiếc bàn ép ấy do tự tay ông sáng chế ra từ chiếc bàn là điện cũ. Nhưng ở cái thời tất cả các cửa hiệu giặt là trong phố còn nung bàn là bằng bếp than quả bàng thì chiếc bàn ép vá chín của ông được coi như một cuộc cách mạng công nghệ. Chẳng thế mà ông nuôi nổi cả gia đình có dễ đến chục miệng ăn lúc nào cũng xông xênh xống áo. Và ông cũng là người đầu tiên mua được chiếc xe máy Nhật từ hồi trước giải phóng.
Không phải ai cũng có đủ tiền để sửa chữa chiếc xe đạp của mình. Thế nên ngày ấy có nhiều xe đạp hỏng cái gì tháo vứt đi cái ấy. Cuối cùng thì thành chiếc xe đạp không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu. Gọi là xe đạp “cởi truồng”.
Đỗ Phấn