Từ Sài Gòn đến Paris
Người Pháp sắp sửa thu về khoản tiền hơn 3 tỷ EUR từ sự kiện EURO 2016, bao gồm các món hời từ bán bản quyền truyền hình, bán vé xem các trận đấu, quảng cáo trong sân, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, ăn uống… Chỉ riêng câu chuyện bán vé cho mỗi trận đấu, ước tính người Pháp đã có được 150 triệu EUR. Một con số mà mọi quốc gia từng đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất châu Âu trước đây phải thèm muốn. Chính phủ Pháp thừa nhận điều này sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy nền kinh tế của họ sau một thời gian ngắn lâm vào trì trệ vì tình trạng khủng bố leo thang.
Trước thềm EURO 2016, người Pháp từng rất lo ngại rằng ngoài đe dọa khủng bố, mưa lớn và vấn đề thời tiết sẽ khiến họ thất thu, thậm chí là mất trắng nhiều khoản tiền đã nằm trong dự kiến. Tuy nhiên, chỉ sau khi sự kiện này diễn ra vài ngày, kinh tế Pháp, đặc biệt là các ngành dịch vụ ăn uống, du lịch… đã thực sự khởi sắc.
Theo chính quyền các thành phố đăng cai EURO như Marseille, Bordeaux, Nice, Saint-Etienne, nhờ số lượng khách du lịch và CĐV khắp châu Âu đến địa phương rất đông, nên doanh thu của hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống… đều tăng gấp 5-10 lần bình thường, còn nhiều hơn cả khi Pháp đăng cai World Cup vào năm 1998.
Kinh doanh bóng đá kiểu này thì dĩ nhiên là có lời. Chưa cần tính đến các lĩnh vực ăn theo, nội chuyện bán vé vào sân cũng đã đủ giúp nước Pháp cười ra mặt rồi. Nhìn và nghe như vậy lại thấy thương cho bóng đá Việt Nam. Ở xứ ta, chưa từng xuất hiện khái niệm kinh doanh bóng đá, mà chủ yếu vẫn là dạng các ông bầu giàu có bỏ tiền ra đánh bóng tên tuổi, làm thương hiệu cho bản thân hoặc doanh nghiệp của mình.
Như thế mới có chuyện nhiều SVĐ ở Việt Nam phải mở cửa tự do, không bán nổi tấm vé để kéo khán giả vào sân cổ vũ đội bóng địa phương. Như thế mới có chuyện đội tuyển quốc gia thi đấu ở SVĐ quốc gia nhưng số lượng CĐV thường xuyên chỉ chiếm khoảng 1/3 các khán đài. Bóng đá ở Việt Nam nghèo thành tích, nghèo chiến lược phát triển, cho nên cũng nghèo luôn về tiền bạc. Mà một khi chỉ biết sống dựa vào đồng tiền của doanh nghiệp, của địa phương thì mãi mãi chẳng khá lên nổi.
Bóng đá Việt có hẳn một Công ty tổ chức chuyên nghiệp là VPF, có LĐBĐ (VFF) chống lưng nhưng về cơ bản vẫn chưa thể làm ra tiền, hoặc nếu có cũng khá nhỏ giọt và phập phù nhờ vào mối quan hệ thân thiết giữa các ông chủ đội bóng với những Tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Toyota, Suzuki…
Ở Việt Nam, kinh doanh bóng đá vì thế vẫn được cho là thuật ngữ xa lạ, chưa phù hợp cho lắm, dù xu hướng phát triển hiện nay của các nền bóng đá trên thế giới là phải tự kiếm được tiền để trang trải chi phí, tự nuôi được mình và nuôi dưỡng cả cuộc chơi.
LÊ QUANG