Nhiều chủ cơ sở kinh doanh khách sạn ở ĐBSCL hạ giá quá thấp, giảm chất lượng dịch vụ dẫn đến tác động xấu đối với tâm lý khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích chung của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhà nghỉ ven sông Tiền
Ma trận giá phòng
Thời buổi Intenet lên ngôi, du khách muốn đến Cần Thơ cứ ung dung ngồi nhà lướt mạng chọn phòng theo từng mức giá. Khu nghỉ dưỡng Victoria 4 sao 2.796.000 đồng/phòng/đêm. Để khách thấy rõ đây là giá tốt, “giá từ 4.590.000 đồng” phía trên được gạch chéo. Cùng cách thức chào giá như vậy, khách sạn Golf 4 sao 1.377.000 đồng (trước là 3.834.000 đồng), khách sạn Fortuneland 4 sao 788.000 đồng (trước 1.022.000 đồng), khách sạn Hậu Giang 3 sao 599.000 đồng (918.000 đồng). Có 12 khách sạn giá chỉ từ 251.000 đồng...
Nhưng tại “hiện trường” có khi lại không phải vậy. “Một số cơ sở lưu trú đã cạnh tranh không lành mạnh, đã có giá bán phòng thay đổi thường xuyên và thường hạ giá quá thấp, không hợp lý so với tiêu chuẩn chất lượng để lôi kéo khách. Thực tế có những cơ sở tiêu chuẩn 4 sao nhưng bán giá phòng chỉ bằng cơ sở tiêu chuẩn 2 - 3 sao hoặc thấp hơn”- lãnh đạo một khách sạn 4 sao ngay tại trung tâm quận Ninh Kiều bức xúc.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) cũng nóng về giá khiến chính quyền gần đây phải mở cuộc họp. Nhà nghỉ từ trên 300.000 - 400.000 đồng/phòng/đêm; khách sạn, resort dao động từ 700.000 - 800.000 đồng hoặc trên dưới 2 triệu đồng/phòng/đêm. Vào mùa cao điểm giá tăng thêm 20% - 30% là “chuyện nhỏ”. Vinpearl 5 sao Phú Quốc có dịch vụ “đặt phòng trước - thanh toán sau - miễn phí hủy phòng”. Vào thời điểm “ưu đãi đặc biệt nhân dịp khai trương” loại thường cũng xấp xỉ 5 triệu đồng, ưu đãi đặt sớm (từ 3- 5 đến 31-10-2015) là 5.580.000 đồng. Nhưng nếu khách theo tour khuyến mãi (3 ngày - 2 đêm nghỉ tại Vinpearl Resort) trọn gói chỉ trên 6 triệu đồng, tính ra giá phòng lại giảm sâu. Vinpearl có hạ tầng “siêu đẳng” (riêng phòng Deluxe có tới 5 loại); có lượng khách lưu trú khá lớn hợp đồng lâu dài, số phòng tung ra cho các hãng lữ hành chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. “Mới có vậy thôi mà nhiều anh đã khóc nấc. Khách sạn, nhà nghỉ mọc thêm, từng ngày. Bạc tỷ đã đổ vào họ phải tìm mọi cách để hút khách chứ chờ chết sao. Cạnh tranh khốc liệt lắm rồi” - một chủ doanh nghiệp khách sạn âu lo trước “trận đồ giá” của đảo ngọc.
Trong mấy năm gần đây, tại ĐBSCL khá nhiều cơ sở lưu trú xuất hiện. Ở Bến Tre, trên cùng con đường Hùng Vương thơ mộng ven sông, khách sạn Hàm Luông có thêm bạn mới, khách sạn Việt Úc tương đương 3 sao với 74 phòng theo phong cách châu Âu, tạo ra sự canh tranh về giá. Năm 2014, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hàng loạt công trình phục vụ du lịch như khách sạn Mekong Mỹ Tho đạt tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn Cửu Long, khách sạn Lạc Hồng đạt tiêu chuẩn 3 sao… Theo ông Diệp Hoàng Tùng, Giám đốc khách sạn Golf Cần Thơ, chỗ lưu trú thường chiếm từ một phần ba đến một phần hai chi phí cho cả chuyến du lịch. Tình hình kinh tế khó khăn khiến hầu hết du khách thường chọn tour giá rẻ, dẫn đến các hãng lữ hành đua nhau hạ giá dịch vụ phòng, vừa đáp ứng yêu cầu của khách vừa đảm bảo nguồn khách và chỉ tiêu doanh số lợi nhuận của doanh nghiệp”. Và cuộc đua giá vẫn hầm hập nóng.
Đâu là lối ra?
|
Cạnh tranh lành mạnh mở rộng quyền lựa chọn cho người tiêu dùng, tạo kích thích tích cực cho sự phát triển. Nhưng ngược lại, dễ dẫn đến hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”, mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. “Việc giá cả thay đổi thường xuyên, hoặc đưa ra mức quá cao hoặc quá thấp so với chất lượng dịch vụ làm tổn hại đến uy tín và lợi ích chung của toàn hệ thống. Đây đang là vấn đề rất quan trọng. Đã đến lúc chúng ta cần hợp tác để tạo mặt bằng giá phòng hợp lý. Điều này có lợi cho tất cả chúng ta” - ông La Minh Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cần Thơ kêu gọi.
Trong cơ chế thị trường, chính các doanh nghiệp ấn định giá phòng. Nhà nước và các cơ quan quản lý chỉ giữ vai trò vận động. Nhưng bài học tự phát (cả việc định giá phòng) chạy theo lợi nhuận trước mắt, kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp; nặng về khai thác, thiếu sự đầu tư chất lượng dịch vụ, đặc biệt, thiếu định hướng, thiếu tính hợp tác cũng đã để lại nhiều hậu quả cho chính các doanh nghiệp.
Đến nay, tỷ lệ lưu trú của khách ở ĐBSCL chỉ đạt bình quân 1,95 ngày với du khách quốc tế và 1,7 ngày với du khách nội địa. Hiện Cần Thơ có trên 200 cơ sở lưu trú với 4.980 phòng; trong đó có 64 khách sạn từ 1 - 4 sao với 2.350 phòng; chưa kể số nhà khách, nhà nghỉ. Ngoài ra còn có 13 điểm vườn du lịch (6 điểm có lưu trú với 64 phòng), 4 điểm Homestay; đang xây 1 khách sạn 5 sao tại cồn Cái Khế cùng một số khách sạn khác. Tuy nhiên, bình quân khách ở lại chỉ đạt 1,2 - 1,4 đêm/khách; các cơ sở lưu trú 2 sao chỉ đạt khoảng 50% công suất. “Nên có khuyến khích hoặc cảnh báo đối với nhà đầu tư vào từng lãnh vực lưu trú du lịch, loại hình nào nên đầu tư, loại hình nào không nên đầu tư nữa vì cung đã vượt cầu”- ông La Minh Hồng nhấn mạnh. Có doanh nghiệp còn đưa ra hẳn một khung “giá sàn” (giá tối thiểu) áp dụng cho từng loại khách sạn, theo từng mùa du lịch cao điểm hay thấp điểm.
Việc thành lập Câu lạc bộ khách sạn thành phố Cần Thơ mới đây cũng nhằm tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung cho các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú. “Quản lý phục vụ chưa được tốt có lẽ vì đây là khách sạn còn quá mới nên thiếu nhân sự và nhân viên chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Làm thủ tục nhận phòng đã lâu, thẻ từ thì không có liền phải dùng thẻ tạm, qua ngày hôm sau mới có thẻ chính thức. Đã thế, treo bảng dọn phòng từ 8 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa quay về phòng vẫn y nguyên; hỏi quản lý thì bảo rằng từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều nhân viên muốn dọn giờ nào thì dọn, nếu muốn dọn sớm thì phải gọi điện xuống lễ tân báo. Nếu như thế thì tôi cần phải treo bảng “vui lòng dọn phòng” để làm gì?” - một khách lưu trú góp ý.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong cho rằng: “Để phát triển dịch vụ lưu trú nên đầu tư xây dựng ngành du lịch địa phương đa dạng, hấp dẫn; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát triển tài nguyên đặc thù của địa phương. Có vậy mới thu hút khách đến tham quan và lưu trú nhiều hơn”. Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và dự thảo đề án “Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL” sắp tới sẽ cải thiện được tình hình này…
VŨ THỐNG NHẤT