Nguồn vốn không phải không có, vấn đề là biết cách khơi gợi nguồn vốn ấy. Đó là đúc kết từ việc giải bài toán đầu tiên và khó khăn nhất: tìm kiếm vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn TPHCM. Công trình cầu Sài Gòn 2 vừa được khởi công giữa tháng 4 có thể xem là một ví dụ tiêu biểu. Toàn bộ dự án được thi công trong vòng 21 tháng. Tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Phát biểu trong buổi lễ khởi công, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 được thành phố xác định là nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, đồng thời giải tỏa ùn tắc, nâng cao năng lực giao thông tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố. Cầu Sài Gòn được tính toán để khi hoàn thành đưa vào sử dụng phải đảm bảo đồng bộ với quy mô của tuyến Xa lộ Hà Nội sau khi mở rộng, cũng như phải phù hợp theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020.
Dù kinh phí đầu tư khổng lồ, nhưng toàn bộ đều được huy động từ nguồn vốn nội lực, không hề “vay mượn” hoặc có bóng dáng nước ngoài như rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn bé trước đây. Phát biểu trong buổi lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh và biểu dương đội ngũ trí thức trong nước đã đủ trình độ đảm đương được toàn bộ các khâu, các phần việc của dự án đồ sộ này.
Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang gặp khó khăn, việc huy động nguồn vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng thực hiện dự án trở thành thách thức lớn. Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình là Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng TPHCM (CII) đã triển khai các bước huy động vốn và đạt được thỏa thuận về tài trợ vốn từ nhiều đơn vị tài chính trong nước. Đó là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Điều đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên các đơn vị tài chính này tham gia vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Trước đó cả ba đều đã từng tham gia vào các dự án cầu đường khác trên địa bàn thành phố. HFIC từng tài trợ chính dự án mở rộng tuyến đường Xa lộ Hà Nội; VCB là chủ lực trong dự án cầu Rạch Chiếc mới, còn Maritime Bank tham gia dự án mở rộng tuyến đường Liên tỉnh lộ 25B.
Sức mạnh đóng góp từ các đơn vị tài chính trong nước ít nhiều thể hiện bằng số vốn huy động được. Đến nay, bằng nhiều hình thức khác nhau như phát hành trái phiếu đô thị, vay vốn từ các tổ chức tài chính khác, HFIC đã huy động để đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố số tiền hơn 20.000 tỷ đồng.
Tương tự, VCB nổi tiếng là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế và dân sinh, điển hình như dự án cầu Rạch Chiếc mới. VCB hiện có tổng tài sản đạt trên 350.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Maritime Bank được các đối tác đánh giá có mô hình giao dịch chuyên nghiệp, hiện đại, có tổng tài sản hơn 110.000 tỷ đồng.
Vì vậy Maritime Bank tích cực tham gia tài trợ vốn hàng loạt dự án cầu đường.
THIỆN NHÂN