TPHCM - Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên

Kinh nghiệm từ những mô hình thí điểm

Là đô thị đông dân nhất cả nước, TPHCM phải đối mặt với không ít khó khăn do một số cơ chế cũ đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. 
Một thời gian dài, bài toán giảm sự quá tải trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, tìm thêm mô hình phục vụ tốt cho người dân trong lĩnh vực tư pháp, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngang tầm với sự phát triển của TP... chưa có đáp án.
Vì vậy, khi Trung ương cho phép TPHCM thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) và thành lập Sở Cảnh sát PCCC đã đáp ứng được thực tế, góp phần giúp TP giải quyết nhanh khó khăn. Từ thành công qua những thí điểm, TPHCM lại trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khác.
Kinh nghiệm từ những mô hình thí điểm ảnh 1 Cán bộ - chiến sĩ Cảnh sát PCCC TPHCM cứu hộ người dân gặp nạn. Ảnh: Cảnh sát PCCC TPHCM cung cấp
Mô hình cần thiết
Năm 2009, chế định TPL bắt đầu được thực hiện thí điểm tại TPHCM. Sau 8 năm, đến nay trên địa bàn TP có 11 văn phòng TPL, thực hiện 4 công việc: Tống đạt văn bản, giấy tờ; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành án. Trong đó, lập vi bằng là hoạt động rất hiệu quả của TPL. Từ năm 2010 đến ngày 30-9-2017, các văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức tổng cộng 117.907 vi bằng; hành vi được ghi nhận nhiều trong vi bằng là giao nhận tiền, tài sản; cuộc họp, buổi làm việc của các bên; nội dung trên trang thông tin điện tử, nội dung ghi âm…
Vi bằng ghi nhận những chứng cứ xác thực, có độ tin cậy về tính khách quan đối với sự kiện, hành vi xảy ra nên được sử dụng tại tòa án khi các bên xảy ra tranh chấp, hoặc thực hiện các giao dịch hợp pháp khác; do vậy với những vi bằng này, đã có hàng chục ngàn trường hợp được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Một trong những vụ việc nổi bật là vụ khiếu kiện đòi lại thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”. Đây là thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam đã có từ lâu, nhưng năm 2011 thương hiệu này bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (trụ sở tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) đăng ký độc quyền. Để có căn cứ cho vụ khiếu kiện, các luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm và liên doanh (đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk ủy quyền đại diện thực hiện vụ kiện) nhờ Văn phòng TPL quận 1 lập 2 vi bằng. Vi bằng thứ nhất ghi nhận việc website của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd sử dụng địa danh Buôn Ma Thuột làm tên gọi nhãn hiệu cà phê của họ. Vi bằng thứ hai được lập để xác định rõ Buôn Ma Thuột là địa danh có trên bản đồ địa lý Việt Nam. Hai vi bằng trên được đưa đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM để hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó đưa vào hồ sơ khiếu kiện. 
Trước những chứng cứ chứng minh Buôn Ma Thuột là nơi sản xuất cà phê nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tháng 2-2014, Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd đăng ký.
Ngoài lập vi bằng, những hoạt động khác của các văn phòng TPL cũng đạt kết quả tốt. Từ năm 2010 đến hết ngày 30-9-2017, các văn phòng TPL ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với tất cả 25 tòa án (TAND TPHCM và 24 TAND quận, huyện), 25 cơ quan thi hành án dân sự (Cục Thi hành án dân sự TPHCM và 24 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện); đã thực hiện tống đạt 863.406 văn bản; thụ lý 398 vụ việc thi hành án theo yêu cầu của đương sự...Các hoạt động của TPL đã tạo điều kiện cho tòa án và cơ quan thi hành án tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực; đồng thời việc tổ chức thi hành án dân sự của TPL bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước tạo ra môi trường thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, tạo động lực thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, góp phần hạn chế sự “độc quyền” và tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự. 
Từ những kết quả ấn tượng của việc thực hiện thí điểm chế định TPL tại TPHCM, Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012 ngày 23-11-2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL (giai đoạn 2) tại TPHCM và 12 tỉnh, thành phố khác trong cả nước là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long.
Khắc chế “bà hỏa” hữu hiệu
Hơn 2 giờ sáng 12-5-2017, ngọn lửa bùng phát tại nhà số 38 đường 16 Cư xá Lữ Gia (quận 11). Mọi người hoảng loạn, tháo thân trong đêm tối, cố chạy ra xa ngọn lửa nhằm tới khu vực an toàn. Trong lúc đó, ở chiều ngược lại, từng tốp cán bộ - chiến sĩ Cảnh sát PCCC lao về phía ngọn lửa. Lưỡi lửa dần bao trùm tầng trệt rồi lên tầng 1 ngôi nhà. Khi biết trong nhà vẫn còn người mắc kẹt, các chiến sĩ tìm cách vô bên trong nhưng… cửa khóa trái. Cách nào để lọt vô nhà cứu người khi đây là nhà ống, chỉ có một lối ra vào, không có lối thoát bên cạnh? 
Trong lúc nguy cấp, trung úy Nguyễn Hoàng Đông Thảo, chiến sĩ trinh sát, lao mình trong con hẻm nhỏ tối tăm và dầy đặc khói, vòng về phía sau ngôi nhà, tìm cách tiếp cận khác. Trước ánh đèn pin lấp lóa, một chiếc cửa lộ ra. Không ngờ, cánh cửa hậu gỉ sét hàng ngày không ai để ý, giờ đây trở thành cửa sinh cứu cả gia đình 3 người đang ngất xỉu mắc kẹt trong đám cháy. Chị Nguyễn Kim Phụng, một trong 3 người được cứu, xúc động nói: “Thoát chết trong gang tấc, tôi như được cha mẹ sinh ra lần thứ hai”.
Đó chỉ là một trong hàng ngàn vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiệu quả mà Cảnh sát PCCC TPHCM - đơn vị cảnh sát PCCC cấp tỉnh thí điểm đầu tiên trong cả nước -  thực hiện trong 11 năm qua. 
Vì sao TPHCM lại là nơi đầu tiên trong cả nước ra đời Sở Cảnh sát PCCC (nay là Cảnh sát PCCC TPHCM)? Thiếu tướng Trần Triều Dương, người đặt nền móng và là vị thuyền trưởng đầu tiên của đơn vị chia sẻ, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM được thành lập vào năm 2006. Tuy nhiên, ý tưởng đã thai nghén từ lâu, ngay từ đầu những năm 2000. Khi đó, TPHCM có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ra đời, kéo theo nhiều nhà trọ xuất hiện, các công trình nhà cao tầng ở TP cũng ngày một nhiều thêm. Các tòa nhà trên 10 tầng, nhưng lực lượng PCCC chỉ có thể tiếp cận, xử lý tốt đến tầng thứ 4. Trước tình hình PCCC chưa thể đáp ứng được yêu cầu, chưa ngang tầm với sự phát triển của TP, Thành ủy - UBND TPHCM đã chú trọng nghiên cứu mô hình, chức năng, nhiệm vụ của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM. Đang lúc nghiên cứu mô hình thì thảm họa cháy Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) xảy ra. Yêu cầu thực tiễn đặt ra và các cơ quan lãnh đạo thống nhất là cần thiết phải thành lập Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, vào ngày 4-10-2006.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, đây là một dấu mốc hết sức quan trọng, là bước chuyển đổi về chất của một đơn vị vũ trang thực hiện chuyên ngành PCCC và cứu nạn cứu hộ. Từ một đơn vị trực thuộc Công an TPHCM, được Chính phủ cho thí điểm thành lập một đơn vị cấp sở, Cảnh sát PCCC TPHCM có quy mô lớn hơn, điều kiện hoạt động nhiều hơn. 
Từ khi thành lập đến nay, Cảnh sát PCCC TPHCM có sự hoàn thiện về tổ chức bộ máy, có bước tiến đáng kể về khoa học công nghệ, về trình độ kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu hộ cứu nạn… Khi mới thành lập, “gia tài” của Cảnh sát PCCC TPHCM rất ít ỏi, hầu hết là xe cũ, đã qua nhiều năm sử dụng. Nhiều khi đi chữa cháy mà rơi vào cảnh dở khóc dở cười là… “lính đi, chỉ huy ở lại” - xe chữa cháy đi nhanh, còn xe của cán bộ chỉ huy chữa cháy chủ yếu là các xe jeep quá cũ, có khi chết máy, không theo kịp đội hình đến hiện trường. Với sự quan tâm đầu tư kinh phí của UBND TPHCM và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đã trang bị thêm được trên nhiều xe chữa cháy, xe cứu hộ, cứu nạn, trong đó có loại xe hiện đại tiên tiến như xe chữa cháy công nghệ 1-7, công nghệ CAF, 5 tàu chữa cháy hiện đại… 
Trung tâm chỉ huy chữa cháy đặt tại Cảnh sát PCCC TPHCM cũng là trung tâm chỉ huy chữa cháy đầu tiên trong cả nước. Việc chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được điều hành bằng bản đồ công nghệ số. Các hoạt động của đơn vị dựa trên phần mềm lõi, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện… Phong trào toàn dân PCCC được củng cố và phát huy hiệu quả khi hàng năm có 80% số vụ cháy được lực lượng tại chỗ xử lý. Trình độ tác chiến, kỹ năng của cán bộ - chiến sĩ nâng lên một cách rõ rệt. Cán bộ - chiến sĩ trước đây chỉ có thể lặn hồ, lặn sông thì bây giờ có thể lặn biển, tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ ngoài biển hay trên các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng.
“Với đô thị 13 triệu dân như TPHCM, mỗi năm có khoảng 1.500 - 2.000 tai nạn sự cố, trong đó có khoảng 500 - 800 vụ cháy, còn lại là các sự cố cần cứu nạn cứu hộ. Nếu trước đây, cảnh sát PCCC phải mất từ 15 - 20 phút mới đến được hiện trường từ khi nhận tin báo, thì giờ đây, chỉ trong vòng 10 phút, chúng tôi có mặt”, đại tá Lê Tấn Bửu phấn khởi cho biết. 

Tin cùng chuyên mục