Kinh tế 2016 - Bước khởi đầu cho giai đoạn mới

Trước tình hình giá dầu giảm sâu, kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong khi Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng khiến nhiều người dân băn khoăn về sự phát triển kinh tế trong nước trong năm 2016 ra sao, có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp không… Dưới đây là nhận định của các chuyên gia.
Kinh tế 2016 - Bước khởi đầu cho giai đoạn mới

Trước tình hình giá dầu giảm sâu, kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong khi Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng khiến nhiều người dân băn khoăn về sự phát triển kinh tế trong nước trong năm 2016 ra sao, có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp không… Dưới đây là nhận định của các chuyên gia.

TS TRẦN DU LỊCH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chưa có sự tăng tưởng đột phá

Năm 2016 còn nhiều khó khăn, nên chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá nào đó, nhưng hy vọng sẽ khởi đầu tốt cho kế hoạch 5 năm 2016-2020 và nhất là chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Cụ thể: Môi trường kinh tế vĩ mô trong nước được cải thiện để thích nghi sâu với khu vực và toàn cầu. Hệ thống pháp luật đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện phù hợp với các cam kết hội nhập, tác động cải thiện rất mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp. Những tồn tại trong cơ chế bao cấp, đặc quyền doanh nghiệp sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ. Hoạt động kinh doanh sẽ được lành mạnh hơn, do đó sẽ tạo cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình và phát triển mạnh mẽ; đồng thời cũng làm mất cơ hội đối với những doanh nghiệp làm ăn không dựa trên năng lực của chính mình, mà dựa vào các phương tiện không chính đáng.

Đổi mới công nghệ là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp Việt Nam

Về quản lý hành chính Nhà nước, cải cách hành chính sẽ tiến hành mạnh mẽ; nội dung và phương thức quản lý hành chính Nhà nước cũng sẽ được đổi mới phù hợp với khuôn khổ cam kết WTO, AEC, FTA, TPP…; tính công khai, minh bạch trong chính sách và trong các loại dịch vụ hành chính công sẽ được thúc đẩy, nên sẽ thuận lợi hơn trong làm ăn của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chính là nội dung khuyến khích hỗ trợ của TPP, nên chắc chắn Chính phủ sẽ chuyển ngân sách hỗ trợ không phù hợp đang tồn tại sang hỗ trợ dưới hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn sẽ tạo bước chuyển biến nhanh về chất lượng của hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong những năm tới.

Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh 2 nguy cơ: “bẫy thu nhập trung bình thấp” và “dân số chưa giàu đã già”. Để tránh 2 nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới. Đây là sứ mệnh của cả dân tộc. Để thực hiện sứ mệnh này, trước hết tùy thuộc vào khát vọng và niềm tin của chúng ta. Dòng chảy hội nhập thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật và công nghệ chính là cơ hội đang mở ra cho đất nước, cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự “thắng thua” trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Điều mà doanh nghiệp đang cần và tôi muốn chia sẻ là doanh nghiệp Việt Nam cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo; một thể chế kinh tế mà ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường; bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Bước vào năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một xu hướng như vậy.

Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital LÊ ANH TUẤN: Doanh nghiệp phải đối diện rủi ro trong thời đại mới

Nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi trong 2 năm qua. Những tín hiệu kinh tế trung hạn vẫn còn tốt. Tuy nhiên khác với năm 2015, ngoài những tín hiệu sáng, chúng ta bắt đầu có những tín hiệu bớt sáng đi. Đó là: thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu giảm tốc; dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều; tỷ giá không còn ổn định được như năm 2013 - 2014.

Trong môi trường kinh tế thế giới đang diễn biến theo hướng tiêu cực hơn, Việt Nam thực sự đã là ngôi sao trong khu vực. Chúng ta có lẽ vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng của năm 2015, tuy nhiên khó có những đột phá về kinh tế trong năm 2016. Độ tăng trưởng bền vững có thể sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với do biến động của kinh tế tăng lên bởi 3 vấn đề nêu trên.

Trước khi nói đến tiềm năng đầu tư, có lẽ chúng ta nên nói đến những rủi ro. Tôi cảm thấy phát triển của công nghệ trong những năm gần đây và có lẽ trong vòng 5-10 năm tới sẽ mang lại những thay đổi và ảnh hưởng kinh khủng đến các nước mới nổi. Các mô hình công nghệ sẽ thay đổi bộ mặt của rất nhiều ngành nghề. Ở Việt Nam, chúng ta đã thấy tác động của Uber đối với ngành taxi, airbnb mở ra một cách thức hoạt động mới cho khách sạn, hoạt động thanh toán, và công nghệ cũng tác động rất lớn lên ngành viễn thông. Trước kia, chúng ta nhắn tin cho nhau, điện thoại qua điện thoại thường, giờ chúng ta dùng facebook, skype. Những công nghệ đổi mới trong ngành xây dựng cũng đang làm thay đổi ngành này. Đây là tiềm năng phát triển nếu doanh nghiệp chúng ta theo kịp nhu cầu và sự thay đổi về công nghệ của thế giới.

Thêm một điểm nữa là chu kỳ kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ của hàng hóa, vật liệu Việt Nam. Đây tiếp tục sẽ là một điểm nhấn cho đầu tư trong một thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài trả giá rất cao để có thể tiếp cận 93 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Ngành tiêu dùng và các ngành liên quan sẽ tiếp tục là điểm nhấn của Việt Nam.

Chế Hân

Tin cùng chuyên mục