Kinh tế Nga trước cơn lốc cấm vận

Những biện pháp cấm vận mới nhất của Mỹ và EU đưa ra ngày 29-7 xem như dấu chấm hết cho giai đoạn 25 năm phương Tây xem Nga là đối tác. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, những biện pháp cấm vận của phương Tây với Nga, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, xuất khẩu công nghệ quốc phòng và dầu khí sẽ không thể làm cho Nga chùn bước trước các chính sách của mình tại Ukraine nhưng thực sự có thể gây phương hại tới nền kinh tế vốn đang suy yếu của Nga.

Theo Bloomberg, lệnh cấm vận trong lĩnh vực ngân hàng được xem là mối đe dọa lớn nhất và tức thì nhất với nền kinh tế Nga. Các quan chức Mỹ cho biết khoảng 30% tài sản ngành ngân hàng của Nga hiện nay có thể bị trói buộc do lệnh cấm vận.

Năm 2013, theo CBS, khoảng 1/3 số trái phiếu các ngân hàng quốc doanh lớn của Nga, tương đương 7,5 tỷ EUR (10 tỷ USD) được phát hành tại các thị trường tài chính EU. Các ngân hàng VTB, Sberbank, Gazprombank và Vnesheconombank có khoảng 15 tỷ USD trái phiếu (kể cả bằng EUR và franc Thụy Sĩ) đến hạn thanh toán trong vòng 3 năm tới. Lệnh cấm vận khiến những ngân hàng phát hành trái phiếu này khó có thể huy động tiền tệ từ các thị trường vốn phương Tây.

Như vậy, khoản nợ của họ có thể càng nặng nề hơn. Ngoài ra, theo Financial Times, trong vòng 12 tháng tới, các ngân hàng nhà nước Nga có các khoản nợ đến hạn thanh toán là 33 tỷ USD, các công ty phi tài chính 41 tỷ USD và các ngân hàng tư nhân 87 tỷ USD.

Theo The Economist, dòng vốn quốc tế vào Nga cũng đang sụt giảm. Các khoản vay bằng USD trong nửa đầu năm 2014 giảm xuống còn 7,9 tỷ USD so với mức 25 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương của Nga đã buộc phải tăng lãi suất nhiều lần để ổn định đồng tiền các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm tới nay các nhà đầu tư đã rút khỏi Nga 75 tỷ USD và dự báo sẽ lên đến 100 tỷ USD trong năm nay.

Kết quả là, các ngân hàng địa phương ngày càng phụ thuộc nhiều vào ngân hàng nhà nước. Mặc dù các ngân hàng nhà nước có thể tung nguồn dự trữ hay huy động tiền từ nhiều nơi khác như Trung Quốc nhưng nhìn chung, nguồn vốn để đầu tư sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ muốn cho vay với điều kiện họ được dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài nguyên của Nga.

Ngoài ra, do bị cấm vận, Nga không thể có các công nghệ mới của phương Tây giúp họ khai thác dầu khí tại Bắc Cực và nhiều địa điểm mới khác. Điều đó có thể làm giảm sản lượng dầu khí của Nga.

Các biện pháp cấm vận hệ thống ngân hàng Nga nhắm vào các khoản cho vay ngắn hạn, tuy không đủ mạnh để làm hệ thống ngân hàng Nga sụp đổ nhưng sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Các chuyên gia nhận định các biện pháp trừng phạt sẽ không tác động lớn trong trước mắt nhưng nếu kéo dài sẽ kiềm chế sự phát triển của nền kinh tế Nga. Hiện tại, các nhà kinh tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Nga trong năm nay, thậm chí cho rằng nước này sẽ đi vào suy thoái.

Vậy EU và Mỹ sẽ bị thiệt hại như thế nào với chính lệnh trừng phạt của họ? EU dự báo sẽ thiệt hại tổng cộng 40 tỷ EUR trong năm 2014 và 50 tỷ EUR trong năm 2015 khi bị Nga trả đũa lệnh cấm thương mại, trong đó có dầu khí.

Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Riêng với Mỹ, thị trường Nga chiếm chưa đầy 1% hàng xuất khẩu của Mỹ và Mỹ không nhập khẩu năng lượng của Nga nên thiệt hại sẽ nhỏ hơn nhiều so với EU.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục