Hãng AFP dẫn số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy kinh tế nước này trong quý 3 đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Những quan ngại về nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ rơi vào suy thoái không còn mơ hồ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn và căng thẳng Nhật - Trung vẫn chưa được tháo gỡ.
Suy thoái về mặt kỹ thuật
Kinh tế Nhật Bản trong quý 3 đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với quý trước. Đây là quý sụt giảm đầu tiên của kinh tế Nhật Bản sau 2 quý tăng nhờ tiêu dùng cá nhân và chi tiêu tái thiết sau thảm họa động đất năm ngoái. Thống kê trên càng làm bức tranh kinh tế Nhật Bản, với sản lượng sản xuất thấp, chi tiêu gia đình và chỉ số về thương mại trong tháng 9 sụt giảm, thêm ảm đạm.
Nhà kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Mizuho trụ sở tại Tokyo, ông Yasuo Yamamoto, cho rằng xuất khẩu giảm mạnh, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất đều yếu, chứng tỏ nhu cầu cả trong nước và nước ngoài đối với hàng hóa Nhật Bản cùng đi xuống. Hai quý sụt giảm liên tiếp đồng nghĩa với việc nền kinh tế thứ 3 thế giới chính thức rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật. Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm tiếp trong quý 4.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Seiji Maehara thừa nhận rằng: “Chúng tôi không bác bỏ khả năng kinh tế Nhật Bản đang bước vào thời kỳ suy thoái”. Trong khi đó, Masamichi Adachi, nhà kinh tế cấp cao của tập đoàn JPMorgan tại Tokyo, cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng suy thoái sẽ sâu và kéo dài như thế nào và những nhà hoạch định chính sách sẽ phản ứng ra sao.
Nỗi lo xuất khẩu
Để tìm lại tăng trưởng kể từ sau thảm họa kép, Chính phủ Nhật đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như khuyến khích người dân mua xe hơi tiết kiệm nhiên liệu để thúc đẩy ngành sản xuất xe hơi; đầu tư tái thiết lại các vùng duyên hải bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 138 tỷ USD để tạo sức bật cho nền kinh tế xứ Mặt trời mọc.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước, nhất là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản sụt giảm đã dẫn đến sự đi xuống của nền kinh tế Nhật. Theo CNN, năm 2011, gần 20% hàng hóa của Nhật Bản được xuất sang thị trường Trung Quốc, hơn hẳn so với Mỹ (15,3%). Căng thẳng Nhật - Trung về vấn đề tranh chấp chủ quyền tạo nên làn sóng bài hàng hóa Nhật ở Trung Quốc khiến không ít doanh nghiệp Nhật lao đao. Theo thống kê mới nhất, lượng hàng xuất sang Trung Quốc của Nhật Bản đã giảm 14,1% trong tháng 9. Cùng đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng giảm 21,1%. Trong khi đó, hàng hóa sang thị trường Mỹ chỉ tăng nhẹ 0,9%.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda vốn đang đối mặt với các lời kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn của phe đối lập phải chịu sức ép rất lớn. Ngày 12-11, ông Noda đã phải cam kết trước quốc hội giải quyết tình trạng kinh tế ì ạch của Nhật Bản hiện nay. Thủ tướng Nhật đã chỉ đạo các bộ trưởng khẩn trương đưa ra gói kích thích kinh tế mới và có thể sẽ được thực hiện trong tháng này. Tuyên bố của ông Noda cũng phù hợp với nhận định của giới phân tích đưa ra trước đó rằng tình trạng sụt giảm khiến BoJ tiếp tục chịu áp lực phải đẩy mạnh kích thích tiền tệ sau khi đã nới lỏng chính sách liên tiếp trong hai tháng 9 và 10.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)