Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2014. Trong nhiều cuộc họp tổng kết của các bộ ngành mới đây đều phấn khởi thông báo rằng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, các đơn vị bắt đầu làm ăn có lãi, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt ở mức khá cao.
Thế nhưng có một nghịch lý được nêu ra tại cuộc họp thường kỳ thông báo kết quả thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế năm 2014 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chiều 26-12 tại Hà Nội. Đó là số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật lại cũng tỷ lệ thuận với đà phục hồi của nền kinh tế. Đây thực sự là một điều phi lý đến khó tin, không thể chấp nhận.
Từ năm 2008 đến nay, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, thậm chí trốn đóng hoặc cố tình chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội và y tế của người lao động bắt đầu gia tăng nhanh theo từng năm, luôn là vấn đề nóng được nêu ra và lý do mà các doanh nghiệp đáp lại thường được đổ lỗi cho nền kinh tế suy giảm, không tăng trưởng, làm ăn sa sút, thua lỗ, thậm chí giải thể… nên không có tiền đóng bảo hiểm cho lao động của chính mình. Xem ra những nỗi niềm này cũng thật nên thông cảm.
Thế nhưng, trong năm 2014, rõ ràng kinh tế đã có khởi sắc, hoạt động của doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn. Nhưng theo số liệu công bố của cơ quan bảo hiểm vào chiều 26-12 thì số nợ tính đến 30-11 là 11.114 tỷ đồng, tăng 455 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó nhiều nhất là nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thừa nhận, thực trạng nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp đối với cơ quan bảo hiểm đang ngày càng gia tăng, mặc dù trong năm 2014, việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện phổ biến là tình trạng trốn đóng, đăng ký số người tham gia và mức tiền lương, tiền công tham gia bảo hiểm thấp hơn so với lương thực tế. Hầu như địa phương nào cũng xảy ra tình trạng chậm đóng, nợ đọng. Điều này đã ảnh hưởng rõ tới quyền lợi của người lao động.
Một niềm tin đang đặt ra là vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó giao quyền nhiều hơn cho cơ quan thu và quản lý bảo hiểm, đặc biệt là quyền được thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đồng thời có những chế tài nặng hơn để “quản” các doanh nghiệp cố tình vi phạm, như đã bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm được phép phạt các doanh nghiệp vi phạm đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bình quân của năm liền kề tính trên số tiền - thời gian chậm đóng. Hy vọng rằng, khi luật đi vào cuộc sống, tình trạng nhức nhối này sẽ dần lắng dịu, quyền lợi đúng - đủ của người lao động sẽ được đền bù thỏa đáng khi họ xứng đáng được hưởng những gì mình đã đóng góp và cống hiến.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định đã đề nghị Bộ LĐTB-XH và Chính phủ triển khai các biện pháp theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế, đặc biệt là xử lý dứt điểm các trường hợp nợ khó đòi để chấm dứt tình trạng này, bảo vệ quyền lợi cho người lao động
VĂN PHÚC