Kinh tế thế giới: Phục hồi cần nỗ lực toàn cầu

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa công bố ngày 8-6, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1-2021 và đây là tốc độ phục hồi hậu suy thoái mạnh nhất trong 80 năm qua. 
Kinh tế thế giới: Phục hồi cần nỗ lực toàn cầu

Châu Á tăng trưởng khả quan

Theo báo cáo, Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy trong nhiều thập niên là 6,8%, cao hơn 3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, phản ánh sự hỗ trợ tài chính quy mô lớn và việc nới lỏng các hạn chế sau khi kiểm soát dịch bệnh. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển khác cũng đang vững chắc, nhưng ở mức độ thấp hơn. Trong số các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%, phản ánh việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong đại dịch. 

Khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2%, cao hơn mức dự báo 3,2% được đưa ra hồi đầu năm, cho dù điều này còn phải phụ thuộc vào những tiến bộ trong chương trình tiêm vaccine Covid-19. 

Kinh tế thế giới: Phục hồi cần nỗ lực toàn cầu ảnh 1 Công nhân trong một nhà máy ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Tăng trưởng kinh tế tại khu vực Nam Á sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến ở mức 6,8% vào năm 2021 và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 8,3%. Báo cáo cũng lưu ý các triển vọng tăng trưởng tốt hơn đã khỏa lấp đi những thiệt hại đáng kể do Covid-19 gây ra đối với hoạt động kinh tế của Ấn Độ. 

Trong khi đó, quý 1-2021, nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất. GDP quý 1-2021 của nước này cũng tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 0,1% so với dự báo trước đó. GDP Nhật Bản trong quý 1-2021 giảm 1% so với quý trước đó và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những con số khả quan hơn nhiều so với ước tính ban đầu. 

Các nước nghèo không dễ hồi phục 

WB cũng cảnh báo nhiều nước, nhất là các nước nghèo, đang bị bỏ lại đằng sau và sẽ mất nhiều năm để trở lại mức tăng trưởng trước khi bùng phát dịch. Tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở Nam Á, nhất là Ấn Độ, và tốc độ tiêm vaccine chậm chạp ở một số quốc gia thuộc khu vực này khiến nguồn thu của số đông người dân bị suy giảm, cũng như tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực ở nhiều nước trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, tình hình việc làm ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa thể trở lại mức độ như trước khi bùng phát đại dịch. WB cảnh báo, trước cuối năm nay, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo. 

Theo nhà kinh tế của WB Ayhan Kose, phải đến năm 2023 và sau đó, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng trước Covid-19. Chủ tịch WB David Malpass cho biết: “Tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn có thể không bù đắp được thực tế là đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các nước nghèo nhất và tác động nhiều hơn đến các nhóm dễ bị tổn thương”. Ông Ayhan Kose nhấn mạnh: “Cần phối hợp các nỗ lực toàn cầu để đẩy nhanh việc phân phối vaccine và giảm nợ, đặc biệt cho các nước có thu nhập thấp”.

Và trong khi lạm phát không phải là một tác nhân chính, việc giá cả tăng cao đang đặt ra một thách thức khác đối với các nhà hoạch định chính sách, nhất là tại các thị trường đang nổi, khi tìm cách lập lại trật tự của các nền kinh tế quốc gia và quản lý mức nợ công vốn cũng đang tăng.

Ngày 9-6, phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra cuối tuần này tại Anh, Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi G7 cần cải cách các quy tắc thương mại toàn cầu để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nước giàu. Ông Morrison nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia trong khuôn khổ trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu. 

Tin cùng chuyên mục