Kinh tế thiệt hại nặng do thiên tai

Mưa bão đầu mùa đã gây ra cái chết của gần 30 người tại Trung Quốc và Philippines. Tại Mỹ, trận lụt tồi tệ vẫn còn tiếp diễn ở nhiều bang. Theo các nhà khoa học, thiên tai trong năm 2011 có nhiều diễn biến khó lường.
Kinh tế thiệt hại nặng do thiên tai

Mưa bão đầu mùa đã gây ra cái chết của gần 30 người tại Trung Quốc và Philippines. Tại Mỹ, trận lụt tồi tệ vẫn còn tiếp diễn ở nhiều bang. Theo các nhà khoa học, thiên tai trong năm 2011 có nhiều diễn biến khó lường.

  • Bão lũ thất thường

Trận lụt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mississippi chỉ còn vài cm nữa là bằng mức kỷ lục năm 1937. Toàn bộ 19 sòng bạc ở bang Missouri buộc phải đóng cửa vì lụt, làm thất thu cho bang này gần 13 triệu USD tiền thuế hàng tháng và làm hơn 13.000 nhân viên phải nghỉ việc tạm thời.

Theo LHQ, thiệt hại do thiên tai gây ra trên thế giới tăng từ mức 525,7 tỷ USD của GDP toàn cầu cách đây 40 năm lên mức 1.580 tỷ USD hiện nay (tăng gần gấp 3). Riêng các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thiệt hại do lũ tăng 160% trong vòng 30 năm qua, thiệt hại do bão nhiệt đới tăng 262%.

Tại thành phố Memphis, bang Tennessee, lũ lụt gây thiệt hại hơn 320 triệu USD và con số này chưa dừng lại khi nước chưa có dấu hiệu rút. Sông Mississippi tại đây có mực nước 14,4m, chỉ thua mức kỷ lục từ trước tới nay ở mức 14,61m. Hơn 500 người ở Memphis phải sơ tán. Tổng thống Obama đã tuyên bố tình trạng thảm họa tại Memphis và các khu lân cận.

Tại bang Arkansas, hơn 3.800km² đất trang trại, nơi trồng một nửa sản lượng lúa của Mỹ, bị ngập sâu dưới nước trong nhiều tuần qua, thiệt hại ước tính hơn 500 triệu USD.

Tại Canada, chính quyền tỉnh Quebec đã tăng trợ cấp cho những người dân sống ở thung lũng Richelieu lên mức tối đa là 150.000 USD/hộ dân và doanh nghiệp là 200.000 USD/đơn vị. Lũ lụt tại đây đã làm ngập 3.500 căn nhà tại 20 cộng đồng dân cư, hơn 1.000 người phải sơ tán.

Tại Philippines, tính đến ngày 11-5, cơn bão Aere đã làm 24 người chết. Đây là cơn bão đầu tiên trong số trung bình khoảng 20 cơn bão mỗi năm và dự báo năm nay sức tàn phá của bão sẽ dữ dội hơn năm 2010.

Tại Trung Quốc, tuy với đầu mùa mưa nhưng đã làm ít nhất 19 người chết và 3 người mất tích ở khu tự trị Zhuang tỉnh Quảng Tây.

Hai tháng sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng, tỉnh Iwate, Nhật Bản vẫn còn hoang tàn.

Hai tháng sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng, tỉnh Iwate, Nhật Bản vẫn còn hoang tàn.

  • Thiệt hại lớn về kinh tế

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn toàn cầu lần thứ 3 về giảm thiểu rủi ro do thảm họa gây ra (tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng cộng đồng quốc tế phải tính đến rủi ro do thiên tai gây ra trong quá trình phát triển vì thiên tai hiện nay vượt qua nhiều khả năng đối phó của cả nước nghèo lẫn giàu. Ông cho rằng, các nước đầu tư lớn hơn vào hệ thống cảnh báo sớm và phòng chống nên số người chết do bão lũ đang có xu hướng giảm. Nhưng cùng lúc đó, thiệt hại về kinh tế, nhà ở, trường học, cơ sở y tế và gia súc lại tăng lên.

Diễn đàn trên quy tụ 2.300 đại biểu từ 175 chính phủ và trên 176 tổ chức của quốc gia và khu vực. Ủy ban thư ký LHQ về Chiến lược Quốc tế giảm thiểu rủi ro do thảm họa (UNISDR) được thành lập năm 2000 là cơ quan điều hành diễn đàn này.

Lũ lụt tại Australia, động đất kinh hoàng tại New Zealand và Nhật Bản vào đầu năm 2011 cho thấy các nước phát triển cũng đang phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai.

Ở nhóm các nước đang phát triển, LHQ đưa ra ví dụ, mỗi kỳ chính phủ Mexico cầm quyền từ năm 1982, trung bình chứng kiến thiệt hại về thiên tai tại nước này tăng gấp đôi, lên mức 20 tỷ USD hiện nay.

TTK LHQ Ban Ki-moon cho rằng, để giảm nhẹ những tác hại về kinh tế, thế giới cần rút ra nhiều hơn nữa các bài học sau những trận thiên tai. Một hội nghị khác nằm trong diễn đàn lần này cũng bàn đến các kế hoạch hợp tác khắc phục hậu quả thiên tai do Ngân hàng Thế giới tổ chức, chủ đề chính là công tác khắc phục hậu quả động đất tại Nhật Bản. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục