Trong một báo cáo tài chính công bố ngày 23-5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã “vẽ” bức tranh không mấy khả quan về tình hình kinh tế Trung Quốc. WB dự đoán với việc áp dụng chính sách ngắn hạn như hiện nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tụt dốc từ 9,2% năm 2011 xuống 8,2% năm 2012 (năm 2010, con số này là 10,4%).
Theo WB, sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, làm tổn thương xuất khẩu dầu mỏ, nhiều sản phẩm hàng hóa khác cũng như ngành công nghiệp, hàng tiêu dùng.
Báo cáo này trên thực tế không thể hiện rằng đó là sự sụt giảm có chủ ý. Thật ra, vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2012 là 7,5%, giữ lạm phát ở mức 4%. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng dưới 8% được Trung Quốc duy trì suốt từ năm 2005-2011 cho thấy, chính phủ nước này dần tập trung vào tiêu dùng trong nước như một mục tiêu chiến lược, thúc đẩy kinh tế nội địa thay cho xuất khẩu và đầu tư như nhiều năm trước.
Chính sách này được cho là thức thời trước thực tế xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp những trở ngại nhất định. Tờ China Daily ngày 22-5 dẫn số liệu từ Bộ Ngoại thương Trung Quốc chỉ ra, việc gia tăng chi phí lao động, tiền thuê đất cùng việc thắt chặt các biện pháp bảo vệ môi trường đã làm giảm khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Trung Quốc trên thị trường thế giới. Nếu năm 2010, Trung Quốc tăng xuất khẩu hàng dệt may và nhiều mặt hàng khác trên thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản thì từ đầu năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc đã chậm lại.
Cụ thể, chỉ số này trong tháng 4 vừa qua là 6,9%, giảm mạnh so với mức 20,5% cùng kỳ năm ngoái. Tính trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu ở Trung Quốc chỉ tăng 6,9%, đạt mức 593,2 tỷ USD dù Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10%.
Ở hai thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc là Mỹ và châu Âu, tình hình khá ảm đạm. Ở Mỹ, con số này giảm từ 14% trong tháng 3 xuống 10% trong tháng 4, ở châu Âu giảm từ 3,1% xuống 2,4% một phần do khủng hoảng nợ châu Âu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.
Có vẻ người Trung Quốc nhìn thấy được việc lệ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu một mặt đã đẩy nước này vào thế phải chịu sức ép khi sức khỏe nền kinh tế gặp vấn đề. Để đạt được tham vọng mở rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thì Trung Quốc phải chấp nhận rủi ro từ sự “tấn công” xuất phát từ quyền lợi của đối phương.
Đối tác và cũng là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc hiện nay là Mỹ. Với quốc gia này, Trung Quốc chịu không ít thiệt hại. Gần đây nhất là việc áp thuế chống bán phá giá đối với tấm pin mặt trời từ Trung Quốc, mức thuế nhập khẩu sản phẩm này lên khoảng từ 31% - 250% bắt đầu từ ngày 18-5 vừa qua.
Đây được xem là cú sốc không nhỏ đối với Trung Quốc dù trước đó, Trung Quốc đã phần nào tỏ thái độ nhượng bộ trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ (từ giữa tháng 4, mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái hàng ngày giữa đồng nhân dân tệ và USD từ 0,5% lên 1%), tăng hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm (thêm 10.680 tấn cho 12 công ty Trung Quốc).
Hầu hết các chuyên gia kinh tế Trung Quốc tin rằng chính sách này giúp giảm rủi ro ở tầm vĩ mô và giúp tăng trưởng bền vững hơn. Và trên hết là tránh được khả năng tung ra những gói kích thích kinh tế.
NHƯ QUỲNH