Tại hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức tại TPHCM ngày 9-3, các chuyên gia cho biết những thay đổi trên bình diện quốc tế về chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ… đang tác động mạnh mẽ đến đường hướng và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, tham dự hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng bên cạnh những khó khăn do khách quan, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng.
Ba cơ sở để kinh tế Việt Nam phát triển
Nói về kịch bản kinh tế năm 2017, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay đang phức tạp (bởi những vấn đề về địa chính trị, chính sách của nhiều nước lớn chưa rõ ràng) thì dù theo kịch bản nào, kinh tế thế giới vẫn hồi phục khá yếu và không đồng đều. Với bối cảnh như vậy, Việt Nam phải chuẩn bị một kịch bản mà ở đó, mối quan hệ thương mại đầu tư với thế giới có thể khó khăn hơn. Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng vừa phải, khoảng 6% trở lên, thì chính sách kinh tế vĩ mô phải ổn định, đủ linh hoạt, đủ cẩn trọng và có vai trò hỗ lực quan trọng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý những yếu kém của hệ thống tài chính - ngân hàng và cải cách khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước.
Du lịch TPHCM là một mũi nhọn phát triển kinh tế (Ảnh: Khách du lịch tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh). Ảnh: CAO THĂNG
Tiến sĩ Trần Du Lịch thì nhận định thế giới có thể thay đổi, nhưng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hay những cam kết AEC, WTO… đủ để Việt Nam tiếp tục duy trì sự tăng trưởng. Tính công khai, minh bạch trong chính sách cũng như các loại hình dịch vụ hành chính công sẽ được thúc đẩy, nên sẽ tạo sự thuận lợi hơn trong làm ăn của DN. “Năm 2017 tuy còn nhiều khó khăn, chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá, nhưng không có nhiều tác động tiêu cực để làm suy giảm nền kinh tế”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đưa ra 3 căn cứ để nhận định kinh tế Việt Nam có thể bứt phá. Thứ nhất, trong năm 2016, Đảng và Nhà nước đã thông qua chương trình mới về Tái cơ cấu kinh tế, Đổi mới mô hình tăng trưởng. Thứ hai, sau Đại hội XII của Đảng, Chính phủ đã nhanh chóng xác định và triển khai hai tuyến hành động lớn, có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt, tạo thay đổi là xây dựng Nhà nước kiến tạo với một Chính phủ liêm chính, hành động; đồng thời, coi khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng của cả nền kinh tế. Đây là bước tiến lớn về tư duy theo chiều hướng hiện đại, thực tiễn trong hoạt động kinh tế. “Từ 2 hành động lớn này của Chính phủ, các nguồn lực tiếp tục được khai thông để tạo dòng chảy mạnh mẽ và phân luồng hợp lý, đạt hiệu quả tối đa. Trên thực tế, Chính phủ đang hiện thực cam kết của Nhà nước: Hỗ trợ tối đa sự phát triển của DN, chú trọng quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, tiếp thêm động lực cho chương trình khởi nghiệp. Cuối cùng, với việc tái định hướng phát triển nền nông nghiệp dựa trên hai động lực chính là công nghệ cao và DN, chúng ta có thêm nhiều dư địa để tăng tốc nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Sự phát triển nền nông nghiệp đặc sản - đặc sắc, đặt trong thế liên kết với thị trường thế giới, gắn với chiến lược phát triển du lịch, chắc chắn sẽ góp thêm một mũi nhọn nữa cho nền kinh tế. 3 căn cứ trên là yếu tố cốt lõi, là trục xuyên suốt định hình kịch bản kinh tế năm 2017”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Giảm lãi suất là mục tiêu thách thức
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc về cơ hội giảm lãi suất cho DN trong năm 2017, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhìn nhận trong bối cảnh rủi ro đến từ bên ngoài rất cao, chính sách tiền tệ của NHNN là tuyến đầu trong việc chống đỡ các bất ổn đến từ bên ngoài và trong khi áp lực lạm phát rất cao thì mục tiêu giảm lãi suất thật sự là một thách thức trong năm nay. Ông Tú Anh phân tích: Áp lực lạm phát trong năm 2017 rất cao vì chúng ta điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và lương. Trong 2 tháng đầu năm, lạm phát đều trên 5%. Vì vậy, muốn duy trì lạm phát dưới 4% thì phải có ít nhất 2 tháng dưới 3%, nhưng hiện xu hướng giá đang gia tăng nên mục tiêu lạm phát dưới 4% là một thách thức lớn. “NHNN sẽ thực hiện mọi cách để ổn định lãi suất. Nếu may mắn có những thuận lợi đến từ bên ngoài thì NHNN sẽ có cơ hội giảm lãi suất”, ông Nguyễn Tú Anh cho hay.
Về định hướng chính sách tiền tệ 2017, ông Nguyễn Tú Anh cho biết, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm hài hòa giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tú Anh, để tiết giảm chi phí cho DN, Chính phủ phải ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2017, Chính phủ phải là Chính phủ hành động, Chính phủ bám sát với DN, đối thoại với DN, đáp ứng yêu cầu chính đáng của DN. Bên cạnh đó, DN phải liên kết lại với nhau để cùng phát triển.
|
NHUNG NGUYỄN