Phát triển thương hiệu thép Việt Nam: “Cuộc chiến” không cân sức

Phát triển thương hiệu thép Việt Nam: “Cuộc chiến” không cân sức

Những siêu dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đổ vào ngành thép trong thời gian qua đã và đang báo trước cơn sóng ngầm có nguy cơ xóa sổ các thương hiệu thép Việt Nam; trong đó chủ yếu là các thương hiệu thép của các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước.

Nguy cơ “khủng hoảng thừa”

Buổi sáng giữa tháng 8-2008, những dây chuyền cán thép nóng của hai nhà máy thép Pomina – một thành viên của Tập đoàn thép Việt - tại Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương vẫn đang hoạt động hết công suất.

Nhà máy thứ nhất được thành lập từ năm 1999, nhà máy thứ hai xây dựng năm 2002, hiện hàng năm Pomina cung cấp cho thị trường trên 600.000 tấn thép các chủng loại từ thép cuộn, thép cây, thép hình U-V-I…. Nhưng tại trụ sở của Tập đoàn thép Việt, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc và cũng là người sáng lập Tập đoàn thép Việt lại đang đau đầu trước những “biến cố” của ngành thép Việt Nam thời gian vừa qua.

Đặc biệt, sau thông tin “siêu” dự án FDI đầu tư vào ngành thép là Khu liên hợp thép Formosa – Sunco tại Hà Tĩnh (với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, công suất 15 triệu tấn/năm) vừa khởi công và thỏa thuận hợp tác xây dựng “siêu” dự án liên hợp thép do Tập đoàn Tata Steel Ấn Độ với Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đầu tư (khoảng 5 tỷ USD, trong đó Tata năm giữ 65% cổ phần, Việt Nam 35%, công suất 4,5 triệu tấn/năm) vừa được ký kết…

Phát triển thương hiệu thép Việt Nam: “Cuộc chiến” không cân sức ảnh 1

Thép thành phẩm tại Nhà máy thép Pomina đang được xuất kho. Ảnh: Chiến Dũng

Theo ông Thái, khi các dự án này cộng với những dự án FDI trong lĩnh vực thép có quy mô không thua kém đã và đang triển khai trước đó lần lượt đi vào sản xuất (từ 2010 đến 2015), đến năm 2015 lượng thép sản xuất tại Việt Nam sẽ vượt rất cao so với dự báo nhu cầu. Khủng hoảng thừa sẽ diễn ra, đấy chính là điều mà các doanh nghiệp thép trong nước quan ngại.

Ông Thái nói: “Ở các nước, quy hoạch và cấp phép sản xuất trong lĩnh vực thép luôn chừa khoảng trống so với dự báo để kích thích đầu tư. Ở Việt Nam thì ngược lại. Nhìn vào các “siêu” dự án với sản lượng thép sẽ được sản xuất vượt cầu quá xa trong những năm tới, các doanh nghiệp thép trong nước đành xếp lại những dự án, những kỳ vọng…”.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng với quy mô những dự án vừa được cấp phép, trong 5 - 7 năm nữa, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ có những “bước tiến vượt bậc” nhưng do có quá nhiều nhà máy liên hợp nên sẽ dẫn đến cung vượt cầu quá lớn. Sự cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra và sự thua thiệt sẽ rơi vào các công ty trong nước. Đã có chuyên gia kinh tế đặt vấn đề “đã đến lúc chúng ta nên xem xét đến khả năng biến mất hoặc bị thôn tính của các thương hiệu thép trong nước…”.

Và những trăn trở...

Phát triển thương hiệu thép Việt Nam: “Cuộc chiến” không cân sức ảnh 2

Nhà máy thép Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cung ứng thép cho các công trình xây dựng. Ảnh: THÀNH TÂM

Khi nói về những dự án 100% vốn nước ngoài được cấp phép trong thời gian qua, ông Phạm Chí Cường cảnh báo: Thép là một ngành quan trọng mà sản phẩm của nó liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước. Nếu toàn bộ liên hợp là vốn FDI của nước ngoài thì có thể vai trò làm chủ của Việt Nam trong ngành công nghiệp quan trọng này sẽ không còn.

Ông đưa ra ví dụ: “Ở Trung Quốc, đầu tư nước ngoài vào ngành thép không quá 30%, không cho đầu tư vào ngành thép nếu không có công nghệ mới, không cho đầu tư liên hợp…”. Chỉ sau vài năm nữa, khi các “siêu” dự án đi vào hoạt động, lượng thép ra lò từ đây sẽ chiếm tỷ trọng và thị phần cao hơn nhiều so với thép do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Khi đó, kết quả “cuộc chiến” không cân sức sẽ càng rõ hơn, nếu không bị “tiêu diệt”, bị thôn tính thì các thương hiệu thép Việt cũng chỉ chiếm thị phần bé nhỏ và toàn bộ thị trường thép của Việt Nam sẽ bị chi phối bởi những “đại gia” nước ngoài.

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là có hay không những dự án FDI vào ngành thép đăng ký để xí đất và mục tiêu “thật sự” của họ… Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án không triển khai đúng tiến độ… Có thể xem dự án nhà máy liên hợp thép Tycoon - E.United ở Dung Quất là một ví dụ điển hình. Được cấp phép đầu tư vào năm 2006, ban đầu là liên doanh giữa Công ty Tycoon (Đài Loan, Trung Quốc) và Công ty Jinnan (Trung Quốc) với công suất 5 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư công bố hơn 1 tỷ USD.

Sau một thời gian, Công ty Jinnan rút khỏi dự án và thay vào đó là Công ty E.United (Đài Loan, Trung Quốc) với 90% vốn, chỉ còn 10% của Tycoon. Tổng vốn lúc này của liên hợp đã lên đến 3 tỷ USD. Như vậy, từ là chủ thể chính ban đầu, đến nay Tycoon chỉ còn là một đối tác nhỏ của dự án.

Hay như việc Tập đoàn Posco của Hàn Quốc cứ “chằm chằm” vào Vân Phong, vì mục tiêu xây dựng khu liên hợp thép hay vì muốn có vị trí cảng đẹp…? Nói về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khó có thể khẳng định sẽ không xảy ra đối với những dự án lớn trong tương lai, với thời gian triển khai từ 5 - 7 năm, nếu không có những ràng buộc chặt chẽ, sẽ có đối tác thực hiện 1 giai đoạn đầu, chiếm một diện tích rất lớn trong nhiều năm mà không thực hiện, cản trở việc thực hiện các dự án khác…

Khi nói khuyến khích thu hút vốn FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để đạt được hiệu quả tối đa, chính sách ưu đãi, khuyến khích FDI phải có liều lượng và tỷ lệ thích hợp theo từng giai đoạn, từng ngành nghề để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ, sản xuất trong nước bị bóp chết… đặc biệt làm sao phát huy tối đa các nguồn nội lực. Cân đối đầu tư, cơ chế, chính sách sòng phẳng, xem xét kỹ khi cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. 

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục