Kiểm tra sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” - Bài 2: Đã kiểm tra, vẫn vi phạm: Nhà nước bó tay?

Vẫn tiếp tục vi phạm
Kiểm tra sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” - Bài 2: Đã kiểm tra, vẫn vi phạm: Nhà nước bó tay?

Sau gần 3 tháng Báo SGGP viết bài phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc, xử phạt, doanh nghiệp (DN) hứa sẽ củng cố hệ thống, xuất hóa đơn đầy đủ. Nhưng đến nay, phóng viên điều tra thực tế thì những lời hứa và việc làm chỉ là “chiêu hoãn binh” chờ sóng gió trôi qua rồi… đâu lại vào đấy. Chất vấn cơ quan thuế thì được nghe lại “bài” cũ: thiếu người, không kiểm tra xuể, cơ chế lỏng lẻo. DN thì sẵn sàng chịu phạt vì mức phạt quá nhẹ…

Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim vẫn bán hàng không xuất hóa đơn dù “hàng không áp dụng chế độ sử dụng thử”. Ảnh: T.HỒNG

Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim vẫn bán hàng không xuất hóa đơn dù “hàng không áp dụng chế độ sử dụng thử”. Ảnh: T.HỒNG

Vẫn tiếp tục vi phạm

Dù Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, sau đó cơ quan thuế đã vào cuộc xử phạt về hành vi vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn, đến đội kiểm tra liên ngành kiểm tra phát hiện đơn vị này kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Thế nhưng Trung tâm Nguyễn Kim vẫn coi thường pháp luật. Ngày 22-10-2009, PV Báo SGGP đến quan sát thì Trung tâm Nguyễn Kim vẫn vô tư bán hàng không xuất hóa đơn. Doanh số bán nơi đây mỗi ngày khoảng 6 - 7 tỷ đồng, có lẽ vì thế mà mức xử phạt chỉ 10 triệu đồng/lần vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn không đủ sức răn đe. Đó là chưa kể, cơ quan thuế luôn lấy lý do “thiếu người” nên từ khi Báo SGGP phản ánh đến nay chỉ đến xử một lần rồi bỏ đó.

Dư luận bức xúc trước cung đường: không xuất hóa đơn - hàng lậu tràn vào - người tiêu dùng gánh chịu - không xuất hóa đơn - DN báo cáo âm - thuế VAT khách hàng đóng không vào ngân sách - DN béo bở…

Trong khi một số đơn vị dù không bị báo chí phản ánh nhưng đã kịp thời chấn chỉnh, xuất hóa đơn đầy đủ cho khách hàng (như Siêu thị Điện máy Chợ Lớn) thì nhiều trung tâm lớn vẫn coi thường pháp luật. Công ty TNHH Đệ Nhất Phan Khang (431A Hoàng Văn Thụ, Tân Bình) vẫn giao “phiếu nhận tạm ứng” chứ không xuất hóa đơn cho khách hàng. Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cũng thế, không xuất hóa đơn mà dùng “phiếu giao hàng” giao cho khách. Đây là những đơn vị đã bị xử lý nhiều lần về hóa đơn chứng từ và kinh doanh hàng lậu. Công ty TNHH TMDV Phong Vũ thì tinh vi hơn, vẫn chiêu nhận tiền rồi, giao “phiếu tạm xuất” với câu thòng “sau khi nhận hàng, quý khách vui lòng đến quầy xuất hóa đơn” (theo quy định là khi nhận tiền phải xuất hóa đơn ngay - PV) và nơi này còn nhìn mặt để xuất hóa đơn, thấy khách nào giống công chức là sẽ được nhân viên dẫn tới tận quầy xuất hóa đơn.

Trước tình hình các công ty ngang nhiên coi thường pháp luật khiến bạn đọc bức xúc, gọi điện đến chúng tôi đặt vấn đề: Chẳng lẽ các cơ quan chức năng lại bất lực trước những hành vi vi phạm công khai như thế? Người dân thu nhập trên 4 triệu đồng phải đóng thuế, còn các “đại gia” doanh số hàng tỷ đồng một ngày lại vô tư sai phạm, bán hàng lậu, trốn thuế, thất thu ngân sách lại không bị xử lý triệt để?

Thiếu người, yếu cơ chế

Khi hàng lậu lọt vào được cửa hàng, “đầu ra” lại không có hóa đơn, tức là các DN tự tung tự tác, ai cũng biết DN sẽ phải thực hiện 2 sổ sách kế toán, nhưng việc kiểm tra gần như bất lực. DN đăng ký kinh doanh ở địa chỉ này nhưng hệ thống quản lý qua mạng mà “máy chủ” lại nằm ở địa chỉ khác, nếu thấy động, DN chỉ cần rút ổ đĩa là xong.

Ngạc nhiên hơn là đối với hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động chi nhánh như đối với Trung tâm Điện máy Thiên Hòa thì mức xử phạt chỉ… 4 triệu đồng! Hay như Phong Vũ kinh doanh “hoành tráng” lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ bị phạt… 400.000 đồng! Hành vi bán hàng không xuất hóa đơn thì thẩm quyền xử phạt của cơ quan thuế chỉ ở mức 4,5 triệu đồng, muốn phạt cao hơn phải chuyển sang UBND cấp quận, huyện, nhưng cũng chỉ hơn chục triệu đồng.

Bán hàng không xuất hóa đơn vi phạm tràn lan, nhưng cán bộ thuế lại than rằng, cơ chế khó, cứ phạt vài triệu đồng thì không ăn thua gì với DN, mà biện pháp khác lại không có. Bởi có đề xuất cơ quan chức năng rút phép thì theo Luật DN lại không có điều khoản nào rút phép vì không xuất hóa đơn. Trách nhiệm xử lý lại đẩy qua cơ quan công an. Nhưng theo các chi cục thuế, hồ sơ chuyển cơ quan công an hầu hết đều không có hồi âm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mà dư luận nêu ra là phải chăng cán bộ thuế, quản lý thị trường thân thiết, nể nang nên không xử lý triệt để vi phạm, thì câu trả lời là… vướng cơ chế chính sách. Cán bộ quản lý thị trường cho rằng, công tác phí mỗi ngày 20.000 đồng nên không đủ sức điều tra, theo dõi hàng lậu. Cán bộ thuế thì căn cứ vào luật quản lý thuế, muốn kiểm tra DN phải thông báo trước cho DN biết 3 ngày - thời gian đó đủ để DN hợp pháp hóa hồ sơ thủ tục và việc kiểm tra chủ yếu cũng… dựa trên giấy!

Một nguyên nhân khác mà theo lãnh đạo Cục Thuế TP là “thiếu người”, Cục Thuế cần hơn 7.000 cán bộ thì đến nay chỉ mới có khoảng 4.000 cán bộ. Ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1 cho biết, hiện địa bàn có 6.000 công ty, nhưng chỉ vài chục cán bộ quản lý. Tính trung bình mỗi cán bộ quản lý 180 DN, do vậy, thời gian đọc báo cáo thuế đã không hết, lấy đâu thời gian kiểm tra.

Ông Nguyễn Ngà, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Tân Bình thừa nhận, hiện đến 99% đơn vị kinh doanh vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn, DN tự khai thuế ít, nhưng cơ quan thuế không đủ người để kiểm tra. Địa bàn quận có 8.000 DN, 2.500 hộ kinh doanh cá thể, 13.000 hộ kinh doanh theo thuế khoán. Trong khi, chi cục đang thiếu đến 90 cán bộ…

Luật DN quá mở, chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân là có thể đăng ký thành lập DN (thậm chí không cần phải chứng minh địa chỉ trụ sở), còn Luật Quản lý thuế thì quá thoáng, cho phép DN tự tính, tự khai, tự nộp thuế và cán bộ thuế chỉ lo “hậu kiểm”. Nhưng cán bộ muốn “hậu kiểm” phải thông báo trước cho DN biết ít nhất 3 ngày. Trong khi lượng DN tăng ào ạt, cán bộ thuế ngày một thiếu, cơ chế lại thiếu chặt chẽ nên mới buông lỏng thời gian dài cho DN tự hoành hành, “tự khai và… tự trốn!”.

Hàn Ni - Thi Hồng

Thông tin liên quan

Kiểm tra sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”

- Bài 1: Các “đại gia” đều bán hàng lậu!

Các bài phản hồi

-  Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: Tổng cục Thuế nghiêm túc tiếp thu

- Bộ Tài chính xác định: Trốn thuế ở mức độ khá lớn

- Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: “Mổ xẻ” kỹ để tăng thu ngân sách

- Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn: Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm

Các bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”

- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 

- Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Tin cùng chuyên mục