Hoạt động sàn vàng: Tồn tại hay xóa bỏ?

Từ vài năm nay, giao dịch mua bán vàng thông qua các sàn vàng đã không còn xa lạ với giới đầu tư ở nước ta. Dù vậy, bên cạnh sự hào hứng thì cũng có không ít nhà đầu tư (NĐT) bức xúc với những bát nháo của sàn vàng...Bùng phát sàn vàng
Hoạt động sàn vàng: Tồn tại hay xóa bỏ?

Từ vài năm nay, giao dịch mua bán vàng thông qua các sàn vàng đã không còn xa lạ với giới đầu tư ở nước ta. Dù vậy, bên cạnh sự hào hứng thì cũng có không ít nhà đầu tư (NĐT) bức xúc với những bát nháo của sàn vàng...

Bùng phát sàn vàng

Từ khi sàn vàng đầu tiên “chạy” thử nghiệm vào giữa năm 2007 đến nay, cả nước đã có hơn 20 trung tâm giao dịch vàng qua tài khoản (sàn vàng) chính thức hoạt động, thu hút hàng chục ngàn NĐT tham gia giao dịch mỗi ngày. Trong những sàn vàng đó đã có nhiều sàn ngày càng “phát tài” và “phát tướng”.

Cùng với số tài khoản khổng lồ, doanh thu của các sàn vàng cũng cao ngất. Chưa tính những khoản thu khác như lãi suất cho vay, hạn mức rút vàng, chỉ mới tính phí giao dịch mỗi lượng là 2.000 đồng thì trung bình mỗi sàn vàng thu vô hàng tỷ đồng mỗi ngày.

“Ăn theo” các sàn vàng, hàng loạt các đại lý nhận lệnh cũng “no nê” nhờ được hưởng 50% phí giao dịch từ chủ sàn. Cùng với đó, để “săn” được nhiều NĐT, các sàn vàng thi nhau nới lỏng điều kiện “lên sàn”.

Trước đây NĐT phải ký quỹ đến 7% tổng giá trị giao dịch và phải giao dịch tối thiểu 50 lượng trở lên thì bây giờ tỷ lệ ký quỹ và khối lượng giao dịch tối thiểu được hạ xuống rất thấp. Có sàn NĐT chỉ cần có chứng minh nhân dân và ký quỹ 5%; có sàn khối lượng giao dịch tối thiểu chỉ còn có 5 lượng và mức ký quỹ chỉ còn 3%, thậm chí là 1% (!). Các sàn còn hạ mức cảnh báo và xử lý tài khoản thâm hụt xuống chỉ còn 2-3%.

Tuy nhiên, bên cạnh những lần “trúng đậm” thì cũng có không ít NĐT “cháy túi” trên sàn vàng. Là doanh nghiệp kinh doanh vàng có thương hiệu trên thương trường hơn 15 năm, thực lực và uy tín của Công ty TNHH SX –TM –DV Tuấn Tài từ trước đến nay được rất nhiều NĐT tin tưởng và “chọn mặt gửi vàng”. Chính vì thế việc Tuấn Tài “ngã ngựa” sau cơn bão giá vàng vừa qua đã và đang gây choáng váng cho nhiều NĐT vàng tại TPHCM. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về vàng thì đây không phải là điều bất ngờ, thậm chí sự kiện này đã từng được các chuyên gia tiên liệu.

Và có một sự thật mà ít người tin là đến nay mô hình sàn vàng vẫn còn là thử nghiệm và hầu hết đều chưa có giấy phép cũng như không cơ quan nào đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm khi xảy ra “sự cố”. Do vậy, chuyện các chủ sàn vàng tự doanh và cuộc chơi chứa quá nhiều rủi ro cho các NĐT cũng là điều bình thường!

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng từng thừa nhận rằng đây là một kẽ hở của pháp luật vì khi rà soát lại thì không có cơ quan lẫn văn bản nào điều chỉnh hoạt động của sàn vàng (!?). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê bình lãnh đạo NHNN về chuyện yếu kém trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần tăng cường quản lý hình thức kinh doanh này nhưng mọi việc vẫn cứ ì ạch và không hẹn thời hạn có “câu trả lời”.

Nhà đầu tư theo dõi giá vàng tại một sàn vàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhà đầu tư theo dõi giá vàng tại một sàn vàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tồn tại như thế nào?

Sau chỉ đạo của Chính phủ, tháng 1-2009, NHNN đã có quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra liên ngành để nghiên cứu và xây dựng mô hình và quy chế quản lý sự vận hành của sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, đến nay, qua 11 lần đưa ra dự thảo, thì quy định hoạt động và tiêu chuẩn cho sàn vàng vẫn “mờ mịt”.

Theo dự thảo lần thứ 11, các chuyên gia kiến nghị chỉ nên để cho ngân hàng thương mại (NHTM) đứng ra lập sàn sàn vàng; tỷ lệ ký quỹ mà NĐT phải đóng cho chủ sàn vàng được nâng lên 10% (trước đây là 7%). Các điều khoản này đã nhận được đồng tình của nhiều chuyên gia uy tín và chủ các sàn vàng lớn.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng giao cho NHTM quản lý sàn vàng là hợp lý, vì so với doanh nghiệp thì tính thanh khoản của ngân hàng cao hơn (vốn cao hơn) và cũng ít rủi ro hơn do hàng ngày các NHTM đều phải báo cáo lượng dư mua, dư bán về cho NHNN. Cùng với đó, nếu như ngay trong đêm giá vàng biến động thất thường mà NĐT có trạng thái ở mức cảnh báo và cần nộp tiền vào tài khoản để giao dịch bình thường thì NĐT “chơi” ở các sàn vàng của NHTM sẽ không gặp trở ngại gì trong việc chuyển tiền.

Một điều thuận lợi nữa là tại các NHTM, NĐT mở tài khoản với chủ tài khoản là chính họ. Ngược lại, nếu chơi tại các sàn vàng do các công ty mở ra thì tài khoản của NĐT lại do doanh nghiệp đứng tên.

Tuy nhiên, bản dự thảo trên cũng không đủ sức thuyết phục để được chính thức hóa. Chính vì thế, trước sự lộn xộn ngày càng khó lường của các sàn vàng và áp lực của công luận, cùng với quan điểm cho rằng hoạt động sàn vàng là lĩnh vực nhạy cảm, NHNN vừa kiến nghị Chính phủ 2 phương án “xử lý” sàn vàng. Phương án đầu tiên là cho dừng hoạt động sàn vàng vì mô hình này không phục vụ cho nhu cầu của đời sống. Phương án hai là vẫn để sàn vàng hoạt động nhưng có thể nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%.

Đề xuất của NHNN đã gây rất nhiều nghi ngại đối với giới kinh doanh sàn vàng lẫn các chuyên gia tài chính tiền tệ. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng hai phương án đều rất cực đoan. Có chuyên gia còn nói rằng không hiểu sao NHNN lại đưa ra quyết định như vậy, chẳng lẽ cái gì không quản được thì dẹp bỏ hay sao trong khi sàn vàng đã tồn tại hơn hai năm rồi và đang trở thành một kênh đầu tư được nhiều NĐT lựa chọn?

Và không thể chối bỏ khả năng là nhiều NĐT vàng chân chính sẽ mất đi cơ hội làm ăn tại các sàn trong nước và họ sẽ chuyển sang chơi ở các sàn vàng quốc tế. Dòng ngoại tệ sẽ “hướng ngoại”, nhà nước sẽ mất đi một khoản thuế đáng kể.

Sàn vàng phải được tồn tại với những tiêu chí rõ ràng và nghiêm ngặt hơn, đồng thời liên thông với quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu trong thời hội nhập hiện nay. 

HOÀNG LONG – MAI THI

Tin cùng chuyên mục