Cục Hàng không giải trình về vấn đề mở “Đường bay vàng”

(SGGP).- Sau khi Báo SGGP đăng ý kiến của ông Mai Trọng Tuấn và một số cơ quan, đơn vị có liên quan về việc mở “Đường bay vàng” TPHCM-Hà Nội theo kinh tuyến 1060 Đông (các số báo ra ngày 25, 26 và 29-5-2009), Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 2056/VPCP-KTN chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ quan điểm.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Quý Tiêu vừa có Văn bản số 1588/CHK-QLĐHB gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình các vấn đề liên quan. Theo đó, Cục Hàng không cho rằng: Hiện nay các tuyến bay từ Nội Bài (Hà Nội) đi Tân Sơn Nhất (TPHCM) và ngược lại được xác định là các tuyến bay nội địa. Tuy nhiên, tại Điều 80 Luật Hàng không Việt Nam năm 2006, chuyến bay quốc tế được xác định “… là chuyến bay được thực hiện trên lãnh thổ của hơn một quốc gia”. Vì vậy chiếu theo điều này thì các chuyến bay thẳng (dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông) sẽ được xác định là tuyến bay quốc tế, các hãng hàng không sẽ chịu các khoản phí, lệ phí đối với các chuyến bay quốc tế và sẽ làm tăng chi phí đối với các hãng hàng không.

Mặt khác, sau khi phân tích các chi phí biến đổi theo 2 phương án đường bay hiện tại và đường bay theo kinh tuyến 106 độ  Đông, kết quả cho thấy, chi phí trung bình cho mỗi chuyến bay thẳng cao hơn so với đường bay hiện tại. Mặc dù rút ngắn được khoảng cách bay, có thể tiết kiệm được nhiên liệu (do đường bay thẳng ngắn hơn 142km so với đường bay hiện tại), nhưng nếu sử dụng đường bay thẳng thì tổng chi phí tăng thêm cho mỗi chuyến bay là 364 USD so với đường bay hiện tại. Đó là chưa kể đến các yếu tố về kỹ thuật, công nghệ hiện nay cũng chưa thể cho phép thực hiện được đường bay này.

Theo Cục Hàng không, Việt Nam đang tham gia Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và triển khai chương trình áp dụng dẫn đường không phụ thuộc vào các trạm dẫn đường ở mặt đất dựa trên công nghệ sử dụng vệ tinh. Chương trình này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (dự kiến áp dụng từ sau năm 2012) là áp dụng hình thức dẫn đường lựa chọn theo tính năng (kết hợp giữa sử dụng các thiết bị dẫn đường trên mặt đất và sử dụng vệ tinh); giai đoạn 2 (dự kiến áp dụng sau 2020) là áp dụng hình thức dẫn đường hoàn toàn sử dụng vệ tinh. Như vậy, việc bay thẳng TPHCM-Hà Nội mà không sử dụng các trạm dẫn đường ở mặt đất đối với giai đoạn hiện nay là chưa đảm bảo yếu tố an toàn.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố phức tạp khác như: các yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng (do phải bay qua các vùng cấm bay, hạn chế bay…), đến quản lý hoạt động bay (do phải bay qua 3 quốc gia) và cả các yếu tố liên quan đến dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, nghĩa là phải đầu tư cho các hệ thống trang thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát…

Vì các lý do trên nên “Việc áp dụng đường bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông như đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn là chưa phù hợp về kỹ thuật và không hiệu quả về kinh tế” - Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Quý Tiêu đã kết luận như thế trong văn bản giải trình.

Th.Tuyết

Thông tin liên quan

- “Đường bay vàng” TPHCM - Hà Nội: Vì sao chưa khai thác?

- Đề xuất mở “đường bay vàng” TPHCM - Hà Nội: Rút ngắn 200km

Tin cùng chuyên mục