Về vụ 26 tấn hương liệu quá hạn: Đầu tuần sau, có kết luận chính thức

* Bộ Y tế: Chưa phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát vi phạm về chất lượng
Về vụ 26 tấn hương liệu quá hạn: Đầu tuần sau, có kết luận chính thức

* Bộ Y tế: Chưa phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát vi phạm về chất lượng

Chiều 12-6, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức họp báo để Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát (THP) giải trình một số vấn đề thông tin trên báo chí về nguyên liệu và sản phẩm của công ty trong mấy ngày qua. Cuộc họp kéo dài trong 2 giờ, song vẫn còn nhiều thắc mắc xoay quanh vụ việc này.

Về vụ 26 tấn hương liệu quá hạn: Đầu tuần sau, có kết luận chính thức ảnh 1

Chọn mua sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát vào tối 12-6 tại Siêu thị Co.op-Mart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG

Mở đầu cuộc họp, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty THP, cam kết mạnh mẽ trước các cơ quan chức năng và hơn 100 nhà báo rằng, trong tất cả sản phẩm của THP, không có bất kỳ sản phẩm nào sử dụng nguyên vật liệu quá hạn.

Có ít nhất 6 lần, ông Thanh khẳng định: “Không có một giám đốc hoặc chủ tịch HĐQT nào dám hy sinh thương hiệu nổi tiếng của mình vì những lợi ích rất nhỏ nhoi”. Đồng thời, ông tóm lược lại vụ việc mà báo chí đã thông tin “không chính xác” trong thời gian qua đã làm giảm uy tín, gây ảnh hưởng trực tiếp đến THP.
 
Liên quan đến các thông tin và số liệu xoay quanh vụ 26 tấn nguyên liệu quá hạn bị phát hiện, ông Thanh giải trình: Trong quá trình kiểm tra 21 container nguyên liệu tồn kho với 258,8 tấn nguyên liệu tại Công ty THP ở Bình Dương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương xác định có 9,9 tấn nguyên liệu quá hạn sử dụng lưu trong kho số 17, có ghi bảng chờ thanh lý. Đây là số nguyên liệu công ty đã nhập về để sản xuất một số chủng loại nước hoa quả nhưng việc tiêu thụ rất chậm nên đã quyết định dừng sản xuất.

Trong quá trình chờ thanh lý, số nguyên liệu này vẫn được bảo quản trong kho lạnh. Việc thanh lý cần theo quy trình về kỹ thuật và thủ tục nên công ty dồn đến thời điểm phù hợp sẽ làm thủ tục thanh lý.
 
Lý giải về việc QLTT phát hiện có những lô hàng bị dán nhãn phụ đè lên và lùi thời hạn sử dụng kéo dài, ông Thanh khẳng định: “Chúng tôi không làm chuyện này và không biết có chuyện này. Hiện công ty đang điều tra tìm nguyên nhân và không loại trừ trường hợp có ý đồ xấu. Chúng tôi đang điều tra và trả lời sớm với báo chí”.

Về 26 tấn nguyên liệu quá hạn phát hiện tại số 169 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM, ông Thanh cho rằng không thuộc sở hữu của công ty, đoàn kiểm tra cũng không kết luận số hàng này thuộc THP.
 
Ông Thanh vừa dứt lời, đại diện báo Pháp Luật TPHCM đã đặt thẳng vào vấn đề dư luận đang rất quan tâm: “Tháng 2-2009 Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã kiểm tra lô hàng 26 tấn hóa chất nguyên liệu quá hạn dùng và yêu cầu tiêu hủy. Vậy 26 tấn hóa chất đó đã được tiêu hủy chưa hay có sự trùng khớp gì với 26 tấn nguyên liệu được phát hiện ở 169 Nơ Trang Long? Tại sao trên lô hàng thuộc 3 container ở 169 Nơ Trang Long lại có ghi tên nơi nhận hàng là THP?”

Theo ông Thanh, lô hàng 26 tấn đã hết hạn do QLTT phát hiện hồi tháng 2, THP đã tiêu hủy 100%. Còn lô hàng ở 169 Nơ Trang Long là kho hàng của DN khác thuê. THP chỉ thuê một phần đất ở đó làm bãi đậu xe.
 
Chưa đồng tình về cách trả lời này, phóng viên báo Tuổi Trẻ yêu cầu lý giải rõ hơn về lô hàng tại 169 có phải của THP hay không? Ông Thanh nói, trong quá trình sản xuất, DN không thể nhập khẩu nguyên liệu theo nhu cầu mà chỉ có thể nhập theo từng lô hàng nên việc dùng nguyên liệu không hết, hàng thừa là chuyện bình thường. Với những hóa chất nguy hiểm hết hạn thì phải thanh lý ngay, còn những hương liệu và nước cốt vẫn có thể dùng vào những việc khác.

Theo ông Thanh, trong số 26 tấn hương liệu hết hạn tại 169 Nơ Trang Long, có hơn 1 tấn ghi nhãn mác do THP nhập khẩu là hàng của công ty đã thanh lý!
 
Tại cuộc họp, nhiều PV đã đặt vấn đề với các cơ quan chức năng, các DN có được thanh lý những nguyên liệu quá hạn như trường hợp của THP? Ông Nguyễn Thành Danh, Chi Cục phó Chi cục QLTT, cho rằng: việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)  đang gặp nhiều khó khăn vì các văn bản quy định chưa rõ ràng. Nghị định 06 chỉ ghi chung chung là cấm kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng trên thị trường. Theo đó, Nghị định 45 về ATVSTP cũng chỉ nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh thực phẩm quá hạn, chứ không đưa ra mức chế tài nguyên liệu đã quá hạn.

Để giải quyết vấn đề này, những công ty rơi vào trường hợp này nên có văn bản xin chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa quá hạn đó trước khi bán thanh lý để sử dụng hàng hóa vào mục đích khác. Về việc dán chồng nhãn do Công ty THP dán hay đã bị chơi xấu (như cách nói của ông Thanh), cơ quan chức năng cũng đang tiến hành làm rõ và sẽ đưa ra kết luận trong tuần tới….

Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết, đến thời điểm này cục chưa phát hiện các sản phẩm của THP vi phạm về chất lượng cũng như ATVSTP. “Trong quá trình sản xuất thì việc dư thừa các loại nguyên vật liệu là chuyện bình thường. Điều quan trọng là DN đó có sử dụng các nguyên liệu này vào sản xuất hay không. Về vấn đề này, chúng ta hãy chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cũng như kết quả các mẫu đã được lấy để kiểm nghiệm”.
 
Trả lời báo giới về kết luận của cơ quan chức năng đối với Công ty THP, ông Danh nhấn mạnh: “Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Dự kiến đầu tuần tới, các bên (gồm C15, PC25 và Chi cục QLTT Bình Dương) sẽ họp để đi đến kết luận.

THÚY HẢI

Thông tin liên quan

Vụ 26 tấn hương liệu giải khát quá hạn của Công ty Tân Hiệp Phát: Yêu cầu nhà cung cấp giải trình 
 

Tin cùng chuyên mục