Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM: Sẽ theo dõi và kiểm tra tận kho hàng

Phạt không đủ sức răn đe
Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM: Sẽ theo dõi và kiểm tra tận kho hàng

Sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” phản ánh tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuồn hàng lậu vào cửa hàng, làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng…, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Thế Thông (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM về trách nhiệm QLTT trong việc này.

Phạt không đủ sức răn đe

- PV: Là người đứng đầu cơ quan QLTT của TP, ông nghĩ sao khi tình trạng doanh nghiệp (DN) bán hàng lậu, hàng không nhãn mác, hàng “xách tay”… ngày càng tràn lan, thưa ông?

Ông NGUYỄN THẾ THÔNG: DN kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ là vi phạm pháp luật, trách nhiệm kiểm tra là của cơ quan QLTT. Những hàng hóa nhập khẩu buộc phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Nếu DN không chứng minh được thì có thể bị đưa vào dạng hàng lậu, cơ quan QLTT có thẩm quyền tạm giữ, xử lý hoặc tịch thu. Tuy nhiên, quyền xử lý hàng lậu còn thuộc về các cơ quan khác nữa (ví dụ ngành công an). Còn về hóa đơn, nếu QLTT phát hiện DN vi phạm thì xử phạt, nhưng việc truy thu, truy phạt thuế như thế nào và các biện pháp xử phạt ra sao thì thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế.

- Lượng hàng “xách tay” hiện được bày bán rất nhiều. Nhiều trung tâm, siêu thị còn tự dán tem riêng lên hàng không nhãn mác và tự bảo hành cho sản phẩm…

Hàng lậu có 2 loại: một là hàng chính hãng trốn thuế nhập khẩu, không có tem nhập khẩu; hai là hàng giả (sản xuất tại Việt Nam hoặc mua linh kiện của nước ngoài về lắp ráp hoặc có thể giả từ nước ngoài). Thông thường các loại hàng lậu có giá rẻ hơn hàng chính hãng nên một số DN làm ăn bất chính đã khai thác. Thời gian qua, chúng tôi phát hiện, xử lý tịch thu, phạt cũng nhiều. Nhưng nhìn chung các mức xử phạt hiện nay, đặc biệt đối với các hành vi về gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả (cả hành vi bán hàng không xuất hóa đơn cũng thuộc hành vi gian lận thương mại) không lớn, không đủ sức răn đe.

- Người dân đặt niềm tin vào các cửa hàng lớn, nhưng họ cũng vi phạm. Tình trạng này tồn tại một thời gian dài. Người dân bức xúc vì cho rằng QLTT chưa làm hết trách nhiệm?

Tại các điểm bán lớn, chỉ có một số ít hàng mà hầu hết là hàng mẫu (có chứng từ hợp pháp, hàng chính hãng). Nơi chứa hàng có số lượng lớn thường là kho, nên việc kiểm tra tại các điểm bán thường ít hiệu quả, vì DN bị “động” nên tẩu tán hàng ở kho. Vì vậy, chúng tôi thường “đánh” vào kho chứa hoặc theo dõi nơi vận chuyển hàng về hay nơi phát nguồn hàng để bắt tận ổ. Tuy nhiên, kiểm nhiều cũng không thể kiểm hết được. Việc xử lý cũng không đơn giản, có khi một vụ việc kéo dài nhiều tháng. Hiện nay chúng tôi đã xác định được các điểm cần kiểm tra nhưng cũng cần có các biện pháp cụ thể.

Nắm tình hình 1 vụ: mất 2 - 3 tháng?!

- Nhiều cửa hàng dùng một hóa đơn chứng từ quay vòng từ tháng này qua tháng nọ, QLTT không thể không thấy sự bất hợp lý, vậy đã đối phó việc này ra sao?

Đúng là việc sử dụng hóa đơn quay vòng đang tồn tại nhiều nơi. Nhưng đối với các mặt hàng không có số seri thì rất khó xử lý, còn mã vạch trên mặt hàng thì không chứng minh được. QLTT cũng đi mua hàng để kiểm tra nhưng nhiều vụ phải nắm tin tức thời gian dài, đến 2 - 3 tháng.

- Thưa ông, tại sao QLTT phải mất nhiều thời gian như vậy, trong khi nhiều vi phạm gần như công khai?

Vì điều tra trong kho rất phức tạp. Nhiều DN thuê kho của nhiều cơ quan, một kho có nhiều chủ hàng với đủ thứ mặt hàng. Để theo dõi, xác định vị trí để hàng, chủ là ai… thường khá lâu như vậy. Làm đúng thủ tục thì thời gian kéo dài, nhanh thì 1 tuần còn không thì 2 - 3 tháng. Ở ngành này, nếu thực hiện thủ tục không đúng, coi như thua.

- Rõ ràng là “có vấn đề” khi DN kinh doanh rầm rộ nhưng lại báo cáo “âm”. Tại sao các cơ quan không phối hợp với nhau để xử lý triệt để?

Việc phối hợp giữa các cơ quan là chuyện bình thường nhưng nếu liên quan ngành nào thì ngành đó phải đặt vấn đề hỗ trợ. QLTT không thể đặt yêu cầu với cơ quan thuế để xem DN có trốn thuế hay không thuế.

Có kiểm tra là có vi phạm!

- Dư luận cho rằng, liệu có sự “bảo kê” của cán bộ?

“Bảo kê” là không thể chấp nhận được, dù cũng có thể không tránh được. Tuy nhiên, đối với kỷ luật của QLTT, nếu phát hiện sẽ xử lý tới nơi tới chốn, xử rất nghiêm. Tất nhiên, qua các thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các đội quản lý trên địa bàn quận, để có biện pháp cụ thể.

- Việc kiểm tra chéo trong ngành trong thời gian qua có được thực hiện hay không? Nếu phát hiện DN vi phạm thời gian dài mà cán bộ địa bàn không biết thì cán bộ địa bàn có bị kỷ luật không?

Chúng tôi có thực hiện việc kiểm tra chéo. Khi kiểm tra thì ít nhiều đều phát hiện vi phạm của DN, nhưng từ đó để xác định là cán bộ địa bàn có bảo kê thì rất khó. Trước hết chỉ có thể đánh giá việc quản lý kinh doanh của đội ở địa bàn đó chưa tốt. Mặt khác, hiện nay quản lý một địa bàn quận, huyện, một đội cao nhất chỉ 19 người, có nơi chỉ 13 - 14 người thì không thể nào theo dõi hết các hoạt động kinh doanh được. Các đội chỉ đưa một số cửa hàng vào danh sách để theo dõi chứ không thể nào nắm hết được.

- Nếu chỗ nào kiểm tra cũng phát hiện vi phạm, mà như ông nói, có vi phạm thì đánh giá việc quản lý kinh doanh của đội đó chưa tốt. Vậy hoạt động thi đua khen thưởng của các đội trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Đánh giá kết quả thi đua dựa trên công tác kiểm tra, cụ thể là số liệu kiểm tra, tiêu hủy hàng hóa ở mức nào. Trong năm nay, khối lượng công việc của QLTT TP tăng rất cao so với những năm trước. Ví dụ, 2008 đạt con số 41 tỷ đồng, dẫn đầu toàn ngành QLTT của cả nước, còn hơn 6 tháng đầu năm 2009 đạt gần 40 tỷ đồng. Thị trường TP ngày càng phát triển về số lượng và quy mô hoạt độngï. Với nhân sự như hiện nay, ngành QLTT không đáp ứng được yêu cầu nhưng cũng không vì vậy mà đánh giá cán bộ “có vấn đề”. Cho nên chỉ đánh giá vào việc quản lý chưa tương xứng, chưa tốt, chưa đảm bảo, phải tăng cường thêm.

- Xin cảm ơn ông.

Việc xử lý vi phạm liên tục tăng qua các năm. Năm 2006 xử phạt 14 tỷ đồng, năm 2007 là 21 tỷ đồng, năm 2008 kiểm tra xử lý 3.085 vụ, thu nộp 41 tỷ đồng và từ đầu năm 2009 đến nay xử lý trên 1.700 vụ, thu nộp gần 40 tỷ đồng. Trong đó, 2 hành vi xử phạt nhiều nhất là hàng lậu (chiếm khoảng 60% - 70%), kế đến là việc ghi nhãn hàng hóa (liên quan tới trốn thuế) và hàng nháy.

Người dân phát hiện đơn vị vi phạm, hãy cung cấp thông tin cho Chi cục Quản lý thị trường TPHCM số: 393.22557.

Hàn Ni

Thông tin liên quan

- Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn: Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm

- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 

- Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Tin cùng chuyên mục