Hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”: Giảm bao cấp để tăng sức cạnh tranh

Chính sách tiền tệ ngăn chặn suy giảm
Hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”: Giảm bao cấp để tăng sức cạnh tranh

Ngày 28-8, gần 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp (DN), ngân hàng thương mại... đã có mặt tại TP Đà Lạt tham dự Hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng và Báo SGGP phối hợp tổ chức. Trong không khí trao đổi cởi mở mang tính xây dựng, các ý kiến tại hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng trong việc đánh giá thực trạng nền kinh tế vĩ mô, kết quả thực hiện các chính sách tiền tệ thời gian qua, cũng như định hướng điều hành trong thời gian tới.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chính sách tiền tệ ngăn chặn suy giảm

Một vấn đề cụ thể khác được các chuyên gia, DN tại hội thảo quan tâm là điều hành tỷ giá và ổn định thị trường ngoại hối.

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt, tỷ giá cần được điều hành linh hoạt theo thị trường, nhưng cũng cần hết sức thận trọng để đảm bảo đưa ra được tín hiệu đúng với thị trường bởi tỷ giá có quan hệ mật thiết với các yếu tố quan trọng của nền kinh tế gồm xuất nhập khẩu, đầu tư… NHNN đưa ra được những tín hiệu chính sách rõ ràng, tránh tình trạng “tâm lý đẩy” dẫn tới đầu cơ, thiệt hại cho cả các nền kinh tế.

Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, cho rằng, việc duy trì tỷ giá hối đoái như hiện nay “vô tình” cũng đã là phá giá đồng nội tệ. Do vậy, Chính phủ cần có cam kết mạnh mẽ hơn nữa không phá giá VND, giữ ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho DN vào VND. Như vậy, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Đồng thời, có biện pháp cứng rắn với tình trạng găm giữ USD và có chế tài với DN găm giữ USD.

Dù còn quan điểm không giống nhau về một số vấn đề, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và cả giới doanh nhân – đối tượng thụ hưởng chính sách, có mặt tại hội thảo đều đồng tình rằng vai trò của chính sách tiền tệ trong thời gian qua là cực kỳ quan trọng, đã góp phần cùng các giải pháp vĩ mô khác đưa nền kinh tế vượt qua được giai đoạn suy giảm.
Trong đó, chính sách hỗ trợ lãi suất đã thực sự có tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Cơ chế này được triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng và có tính giám sát cao của các cơ quan hữu quan và đối tượng thụ hưởng. Vì thế, đã sớm tạo lòng tin, sự đồng thuận và động lực cho DN và người dân thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ.
Đồng thời với việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, chính sách tiền tệ được thực thi nới lỏng một cách thận trọng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì lãi suất kinh doanh ở mức hợp lý, tăng vốn huy động từ nền kinh tế để cho vay với lãi suất thấp (4% - 6%/năm sau khi được hỗ trợ lãi suất) làm cho tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm ở mức cao (22,61%), góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Theo báo cáo khảo sát của các địa phương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu là tạo điều kiện cho DN, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn khoảng 30% – 40%, giảm giá thành 2,5% - 6%, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo được việc làm cho người lao động, có 91% DN nhỏ và vừa duy trì, phát triển sản xuất – kinh doanh.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá cao việc NHNN đã chuyển từ chính sách tiền tệ “thắt chặt” một cách linh hoạt, sang “nới lỏng” một cách thận trọng.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch tỏ ra lo ngại về mâu thuẫn giữa nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn trung - dài hạn. Hiện nay, huy động vốn trực tiếp từ xã hội chưa nhiều, nên vẫn phải dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, huy động vốn ngắn hạn chưa được 20%, nên ngân hàng khó xoay xở được vốn cho vay trung và dài hạn. Vì thế, cơ chế lãi suất trong thời gian tới cần được điều chỉnh theo hướng làm sao để huy động được vốn trực tiếp, giảm áp lực cho ngân hàng.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, gợi ý: nên chăng tăng lãi suất trái phiếu chính phủ. Và để tránh xáo trộn mặt bằng lãi suất, ngân sách nên bù phần lãi suất tăng đó. Đây sẽ là một hỗ trợ rất tốt cho chính sách tiền tệ trong dài hạn.

Cần gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thứ 2?

Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, cơ chế hỗ trợ lãi suất tác động làm cho tín dụng VND tăng trưởng ở mức cao, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi, làm “méo mó” khối lượng vốn huy động và lãi suất thị trường, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu đề cập tới tại hội thảo. Chính vì vậy, khi xác định nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn suy giảm, cần có những biện pháp điều hành mới, mang tính thị trường hơn.

Một số ý kiến cho rằng, cần sớm thiết kế một gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mới để DN không bị “sốc” khi gói kích cầu đầu tiên kết thúc vào tháng 12 tới đây.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, hiện có một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa rất lo lắng khi chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc, bởi khi đó họ sẽ không được ưu đãi vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.

“Liệu nền kinh tế đã vượt qua suy giảm chưa, nếu chưa hết suy giảm mà đã dừng hỗ trợ lãi suất thì DN có trụ được không?” – ông Thịnh băn khoăn và cho rằng vẫn cần một gói kích cầu nữa, với liều lượng có thể nhỏ hơn. Ngay từ lúc này, cần sớm rà soát để xem đối tượng nào cần tiếp tục được ưu đãi vốn. Mức bù lãi suất có thể chỉ cần khoảng 1% - 2%, và cần sự phối hợp với các chính sách khác để hướng DN tập trung vào tái cơ cấu hoạt động, tăng sức cạnh tranh.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội thảo cũng có ý kiến của một DN hoàn toàn ngược lại. TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Việt, kiến nghị cần sớm bỏ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, vì sự chênh lệch lãi suất sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN khi vay vốn ngân hàng, tạo thói quen ỷ lại vào chính sách – điều rất không nên khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường.

Ở góc độ là một chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đưa ra những phân tích khá sâu sắc. Mặc dù nhận định rằng DN “hết bệnh nhưng chưa chắc đã khỏe”, và cần kéo dài thời gian bù lãi suất, nhưng ông cho rằng không cần có thêm một gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mới. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn là giúp DN có vốn mua nguyên liệu, bảo đảm việc làm cho công nhân.

Vấn đề này nay đã được giải quyết. Còn chương trình hỗ trợ lãi suất trung - dài hạn (24 tháng) là nhằm giúp DN đổi mới công nghệ, tái cơ cấu hoạt động trong giai đoạn dài hơn. Tuy nhiên, do DN vừa mới thoát khỏi khó khăn, nên ít có DN nào chuẩn bị được phương án để vay vốn của chương trình này. Trong khi đó, thời hạn giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất trung dài hạn được ấn định là chỉ đến hết 31-12-2009.

Vì thế, theo ông Trần Du Lịch, vấn đề đặt ra là cần kéo dài thời hạn giải ngân của chương trình hỗ trợ lãi suất trung - dài hạn để DN có thời gian tập trung chuyển đổi cơ cấu, đổi mới công nghệ. Không nên đặt vấn đề có thêm một gói kích cầu ngắn hạn. “Tôi cho rằng khi gói kích cầu ngắn hạn kết thúc, DN sẽ không bị sốc. Có sốc thì chỉ là sốc tâm lý. Chính phủ nên tuyên bố rõ ràng để DN khỏi phải trông chờ” – ông đề nghị.

Phát biểu về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cơ chế hỗ trợ lãi suất được Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2009 và công bố công khai từ khi thực hiện cơ chế, và như thế DN không bị sốc về mặt thời điểm. Nhưng với mức hỗ trợ lãi suất 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay hơn 30%, xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm thì cần có thêm bước đi giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chia sẻ: Chính phủ đang tiếp tục theo dõi để có phản ứng phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Cũng phải lưu ý rằng, khi nền kinh tế phục hồi tốt thì Việt Nam vừa có giải pháp phục hồi và cạnh tranh trong môi trường bình thường, chúng ta không thể mãi hỗ trợ được. DN phải tự tìm cách nâng cao sức cạnh tranh của mình và không nên kỳ vọng vào một điều chưa có gì rõ ràng.

Thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời

Trả lời về lo lắng của ông Nguyễn Văn Khởi, Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh doanh nhà Intresco, về sự đối xử không bình đẳng trong hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết thị trường bất động sản là một thị trường trong nền kinh tế thị trường, nên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Thống đốc khẳng định không hề có sự phân biệt đối xử nào trong chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực bất động sản. Bằng chứng là dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng hiện là 157.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Tuy nhiên, Thống đốc lưu ý, trong từng giai đoạn, khi có biến động bất thường (chẳng hạn như tình trạng “bong bóng” bất động sản) thì cần có sự can thiệp của “bàn tay Nhà nước”.

Đối với chính sách tiền tệ, việc minh bạch thông tin là vô cùng quan trọng. Ý kiến của ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, về vấn đề này nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo ông Tuyển, trong suốt quá trình từ năm 2008 đến nay, hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền về chính sách tiền tệ được thể hiện rõ qua việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội về hoạt động nhạy cảm, có liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Có thể thấy rằng, cho đến nay NHNN Việt Nam đã trở thành một trong những cơ quan trung ương “cởi mở” nhất về thông tin quản lý nhà nước. Hầu hết các thông tin về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, nếu không thuộc diện là thông tin mật (theo quy định của Nhà nước) đều được công khai, minh bạch qua kênh thông tin báo chí. Chính điều này đã góp phần định hướng, tạo sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ trong dư luận với các chính sách, giải pháp của Chính phủ và NHNN Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Đây là một nhân tố quan trọng để ổn định thị trường tiền tệ từ đầu năm 2009 đến nay.
Ông Trần Thế Tuyển cho rằng, yêu cầu đặt ra về thông tin, tuyên truyền chính sách tiền tệ phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, khách quan. Mỗi sự thay đổi của chính sách tiền tệ đều có tác động rất lớn tới đời sống xã hội, tới sự phát triển chung của nền kinh tế. Việc đưa các ý kiến phản biện, thảo luận về chính sách của các chuyên gia kinh tế lên mặt báo là rất cần thiết trong bối cảnh bùng nổ thông tin và thời đại truyền thông đa phương tiện.
Nhưng cơ quan báo chí cũng phải đủ bản lĩnh, kiến thức để thẩm định tính chính xác, đúng đắn, khách quan của các thông tin đó. Và cao hơn là phải tạo diễn đàn để các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước đối thoại để đi đến kết quả tốt nhất cho việc xây dựng chính sách, cũng như thực thi chính sách.

Bảo Minh

Được tin đoàn phóng viên các báo từ TPHCM lên Đà Lạt tham dự hội thảo gặp tai nạn giao thông vào chiều 27-8 (khiến 3 người bị thương, trong đó có 2 nhà báo và 1 lái xe), tại buổi hội thảo hôm qua, các đại biểu tham dự đã bày tỏ sự cảm thông với các nhà báo gặp nạn. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã gửi thư thăm hỏi tới các nhà báo bị nạn. TS Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt, đơn vị tài trợ cho hội thảo, cho biết LienVietBank sẽ chi trả toàn bộ viện phí và hỗ trợ những người bị thương.

 

Thông tin liên quan

- Tiếp BTC hội thảo về chính sách tiền tệ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đây là sáng kiến tích cực trong tình hình hiện nay

- Phát biểu tại hội thảo về chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNNVN Nguyễn Văn Giàu: Kinh tế nước ta đã tạo được đà tăng trưởng 
 

Tin cùng chuyên mục