Phản hồi loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” - Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?

Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không
Phản hồi loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” - Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?

Sau khi đăng loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không”, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, từ các chuyên gia, cơ quan quản lý ngành và cả những người trong cuộc… Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến để bạn đọc tham khảo.

Máy bay của JPA chỉ mang thương hiệu, biểu tượng chữ Jet và hình ngôi sao của hãng hàng không nước ngoài là Jetstar Airways.

Máy bay của JPA chỉ mang thương hiệu, biểu tượng chữ Jet và hình ngôi sao của hãng hàng không nước ngoài là Jetstar Airways.

  • Nguyên Phó Tổng giám đốc Pacific Airlines Vũ Duy Du: Cần phải cải tổ triệt để hoạt động ở JPA

Theo tôi, các hoạt động kinh doanh ở JPA hiện nay là phạm pháp. Việc “phù phép” biến một doanh nghiệp hàng không Việt Nam thành một thương hiệu ngoại thông qua những hợp đồng nhập nhằng đã gây ra rất nhiều bất lợi cho quốc gia. Con số lỗ lũy kế ở JPA hiện nay có thể đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng với rất nhiều khoản nợ. Và với tình hình này, JPA sẽ “chết” trong thời gian tới khi mà nhà nước không còn khả năng chi tiền, chịu lỗ mãi để “nuôi” sống JPA. Trong khi phía đối tác nước ngoài chẳng bận tâm vì họ chẳng mất gì mà còn được trở thành chủ nợ của JPA.

Để thoát khỏi tình trạng này, JPA cần phải có một cuộc cải tổ triệt để, phải xây dựng lại thương hiệu Việt (để có được thương quyền bay quốc tế như các doanh nghiệp hàng không Việt Nam khác), đồng thời phải tiến hành thanh tra, rà soát lại toàn bộ các khoản nợ để sớm có biện pháp khắc phục, ngăn chặn và tìm giải pháp để phát triển hãng hàng không giá rẻ này mạnh lên bằng chính nội lực nước nhà.

Chúng ta ủng hộ việc hợp tác góp vốn để kinh doanh phát triển, nhưng phản đối việc thao túng quyền hành, biến một hãng hàng không Việt Nam thành một công ty con cho một hãng hàng không nước ngoài và chịu mọi sự chi phối của họ, để họ thu lợi, trong khi tiền bạc, quyền lợi của đất nước, của nhân dân thì lại bị thiệt thòi, triền miên trong thua lỗ.

  • Chuyên gia hàng không Lưu Thế Phước: Vì sao Qantas không quan tâm chuyện thua lỗ ở JPA?

Jetstar Airways là một hãng hàng không rất mạnh trên thế giới, còn Tập đoàn Qantar (chủ sở hữu hãng Jetstar Airways) là một tập đoàn giàu có. Vì vậy, vấn đề họ quan tâm không phải là vấn đề kinh doanh thua lỗ ở một công ty con mà họ chỉ đóng góp có 30% vốn với vài chục triệu USD (mà số tiền này cũng chỉ được quy ra từ một số máy bay cũ của họ chuyển sang VN). Cái họ cần ở đây là việc quảng bá thương hiệu (nhưng lại được thu phí bán thương hiệu!) và “thu gom” khách nội địa ở thị trường Việt Nam (một thị trường rất tiềm năng với hơn 80 triệu dân) để đưa bay đi quốc tế. Đấy mới là lợi nhuận, là cái mà họ cần. Còn chuyện JPA thua lỗ ở thị trường nội địa, họ không quan tâm, bởi điều đó không đáng so với lợi nhuận mà họ thu được từ những điều đã nói ở trên. Hơn nữa chỉ với 30% vốn góp, thì nếu JPA lỗ 10 đồng, thì Jetstar chỉ mất 3 đồng, trong khi nhà nước Việt Nam mất tới 7 đồng. Điều đơn giản, dễ hiểu như thế mà không hiểu sao các ngành chức năng của VN không nhìn thấy…

  • Luật gia Nguyễn Ngọc Vinh (TPHCM): Trường hợp mua bán thương hiệu ở JPA chỉ hợp pháp khi… loại bỏ Luật Hàng không

Tôi theo dõi vụ việc mua bán thương hiệu Jetstar từ hơn 1 năm qua. Nay đọc loạt bài viết của Báo SGGP, tôi thấy báo đã mạnh dạn nêu được một tồn tại rất lớn trong ngành hàng không. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh, việc Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công thương cho rằng vấn đề mua bán thương hiệu và nhượng quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ ở JPA là hợp pháp cũng có lý do của họ. Nhiều người còn lấy ví dụ, sự việc này cũng giống như Coca-Cola, Toyota, Honda… có gì đâu mà sai luật. Thế nhưng, họ quên mất rằng, Coca-Cola, Toyota hay Honda… là thương hiệu được phép bán sản phẩm tại thị trường nội địa của VN, còn Jetstar thì không được phép, bởi Jetstar hoạt động trong lĩnh vực hàng không, mà Luật Hàng không thì lại cấm các hãng nước ngoài khai thác đường bay nội địa của Việt Nam. Vì vậy, tôi nói, việc mua bán thương hiệu ở JPA chỉ hợp pháp khi… loại bỏ Luật Hàng không.

  • Phó Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh: Chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến và quan điểm của mình

Ngay từ đầu chúng tôi đã khuyến cáo JPA phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật, phải xây dựng một thương hiệu hàng không Việt Nam để không gây nhầm lẫn, để người dân không hiểu nhầm đó là một hãng hàng không nước ngoài được quyền vào VN khai thác thị trường nội địa (điều mà Luật Hàng không nghiêm cấm). Thế nhưng trong suốt hơn 1 năm qua, JPA đã không thực hiện được điều đó, mà tình hình có vẻ càng nghiêm trọng khi hầu như mọi hoạt động kinh doanh, quảng bá của JPA đều chỉ mang thương hiệu Jetstar. Bây giờ, thực hiện quy trình cấp giấy phép chính thức cho JPA, chúng tôi một lần nữa đề nghị JPA phải sửa đổi biểu tượng, sửa đổi lại thương hiệu để tránh gây nhầm lẫn. Chúng tôi vẫn bảo lưu các ý kiến và quan điểm của mình như trước.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chúng tôi đang tìm hiểu thông lệ quốc tế trong vấn đề này và bước đầu chúng tôi có thể khẳng định là hầu hết các quốc gia đều có các chính sách bảo vệ thương quyền bay nội địa, ngay cả tại nước Australia (nước sở tại của Jetstar) cũng không hề có chuyện cho một thương hiệu hàng không nước ngoài vào khai thác thị trường nội địa. Chúng tôi sẽ sớm có báo cáo sự việc này lên Bộ GTVT và Thủ tướng trong thời gian tới.

Thu Tuyết - Xuân Phan (thực hiện)

Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không

- Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific

- Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

Tin cùng chuyên mục