Phản hồi loạt bài: “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” - Tiếng nói của những người lao động

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” và các ý kiến phản hồi của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của một số chuyên gia trong ngành hàng không (số ra các ngày 22, 23 và 24-9-2009), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh và đóng góp của những người lao động. Họ là những người đang và đã từng có thời gian dài gắn bó, làm việc tại JPA. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục trích đăng các ý kiến dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.
Phản hồi loạt bài: “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” - Tiếng nói của những người lao động

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” và các ý kiến phản hồi của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của một số chuyên gia trong ngành hàng không (số ra các ngày 22, 23 và 24-9-2009), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh và đóng góp của những người lao động. Họ là những người đang và đã từng có thời gian dài gắn bó, làm việc tại JPA. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục trích đăng các ý kiến dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.

Ông NGUYỄN HỮU THUẬN, nguyên Giám đốc phụ trách điều hành bay JPA: PA mất giá trị thương hiệu 150 triệu USD

Thương hiệu Pacific Airlines (PA) từ khi được thành lập (năm 1991) đến năm 2005 (thời điểm bán cổ phần cho Qantas), trải qua nhiều thăng trầm, từ ban đầu vốn đăng ký chỉ 200.000 USD, PA đã tạo được một thương hiệu có giá trị 150 triệu USD (theo đánh giá của Tập đoàn Temasek – Singapore). Chính vì nhìn nhận thấy tiềm năng phát triển của PA nên Tập đoàn Qantas, thông qua tổ chức môi giới, là người trúng thầu và được phép mua 30% (tương đương 50 triệu USD) cổ phần của PA.

Lẽ ra khi trúng thầu, phía Qantas (mà đại diện là Jetstar) phải có nghĩa vụ đóng góp đầy đủ theo đúng Luật Hàng không (HK) Việt Nam (về cổ phần) mới chính thức được tham gia vào thành phần HĐQT và ban điều hành công ty. Song Jetstar mới đầu chỉ đóng góp 18% giá trị cổ phần, nhưng không hiểu sao lại được tham gia điều hành công ty theo chính sách của họ và từng bước thao túng (các vị trí lãnh đạo chủ chốt nhất và quan trọng nhất) mọi hoạt động của JPA. Phía Việt Nam chỉ ở những vị trí không quan trọng (không quản lý tài chính).

Điều đáng nói là, mặc dù chỉ là một cổ đông của PA (chiếm 30% cổ phần - CP), vậy mà bỗng dưng Jetstar lại thay thế JPA chỉ đơn giản bằng việc thông qua thỏa thuận mua bản quyền thương hiệu Jetstar với giá 2 triệu USD và giải thích rằng thương hiệu này rất nổi tiếng có uy tín, nếu sử dụng sẽ làm tăng giá trị của JPA (!).

Câu hỏi được đặt ra là: Vậy thương hiệu PA có giá trị 150 triệu USD (mà Qantas đã mua và chỉ được phép tối đa 30% như Luật HKVN quy định với số tiền tương đương 50 triệu USD) có còn hiện diện trên thực tế nữa hay không?

Tại sao khi chưa thực hiện cam kết về việc đóng góp theo quy định, ngay lập tức, chỉ bằng ảo thuật nhỏ JPA đã chuyển hóa thành thương hiệu Jetstar với giá 2 triệu USD không phải bằng tiền mặt mà bằng 0,2% doanh thu hàng năm của hãng trên đường bay nội địa Việt Nam. Có cái gì không rõ ràng minh bạch, cần làm rõ nguyên nhân của việc mua bán này? PA có thương hiệu trị giá 150 triệu USD bỗng dưng bị xóa tên (trở về con số 0) và biến thành của Jetstar?

Hành khách của Jetstar Pacific làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hành khách của Jetstar Pacific làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG

PHẠM LINH CHI, nguyên Trưởng đoàn Tiếp viên JPA: Jetstar thao túng quyền hành ở JPA

Theo quy định của Cục HKVN, về mặt tổ chức, người nước ngoài chỉ được nắm 1/3 số ghế trong bộ khung. Thế nhưng thực chất hiện nay con số này là bao nhiêu? Để qua mặt các nhà chức trách, JPA vẽ ra một sơ đồ ảo bao gồm những chức danh không thuộc sơ đồ này như Trưởng phòng tổ chức, thương mại…

Ngoài ra còn có một vị chẳng có chức danh gì cũng được đưa vào sơ đồ, chỉ để tạo ra thế cân bằng là tỷ lệ của người Việt Nam chiếm 2/3. Thực chất với sơ đồ hiện nay thì người nước ngoài là Jetstar đã nắm toàn bộ quyền hành tại JPA như: các vị trí giám đốc tài chính, phó tổng giám đốc về khai thác, giám đốc ANAT-ĐBCL, giám đốc khối khai thác…

Như vậy hầu như Jetstar nắm các vị trí chủ chốt. Thậm chí khi người Việt Nam trình ý kiến cho TGĐ còn nhận được câu trả lời là: “Bây giờ Jetstar đã nắm quyền thì mọi thứ phải trình cho họ trước”, như vậy cương vị của TGĐ có phải là hữu danh vô thực?

Ngay cả vé đi công tác của cán bộ công nhân viên, mặc dù TGĐ đã ký, nhưng Giám đốc tài chính không đồng ý thì cũng không được đi. Thực chất ai cũng biết việc điều hành tại JPA bây giờ chủ yếu là phía đối tác Jetstar nắm quyền hành và chi phối, mặc dù nhà nước Việt Nam đang phải gánh lỗ và bù lỗ cho hoạt động của JPA.

Theo hợp đồng thì các chuyên gia nước ngoài sẽ dần chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, và JPA sẽ tiếp nhận để tự điều hành. Nhưng cho đến thời điểm này, việc chuyển giao này đến đâu, có được cơ quan nào thẩm định hay không? Hay là chuyên gia này về thì chuyên gia khác lại sang, và người Việt Nam vẫn là công cụ hỗ trợ cho họ. 

T.TUYẾT - P.NGUYỄN 

Trăm dâu đổ đầu... tiếp viên

Công ty luôn luôn bảo tình hình kinh doanh đang thua lỗ, triệt để thực hiện tiết kiệm, thậm chí giảm lương của tiếp viên, giảm biên chế. Nhưng tiếp viên chúng tôi đi bay, hầu hết các chuyến bay đều đầy khách. Chúng tôi đã phục vụ khách hàng hết mình, làm tròn trách nhiệm của mình. Như vậy, câu hỏi đặt ra: Do đâu mà lỗ? Và tại sao hậu quả việc thua lỗ của công ty lại đổ lên đầu tiếp viên chúng tôi? Có bao giờ công ty làm một phép tính là về tổng quỹ lương, việc phân bổ lương hay không? Hay là “trăm dâu đổ lên đầu... tiếp viên”?

Theo chúng tôi, hiện tại ngoài việc công ty đang trả lương cao ngất ngưởng cho các chuyên gia nước ngoài thì công ty còn đang trả lương cao cho tất cả những nhân sự người nước ngoài mà khả năng làm việc rất yếu, như: trọn gói nhà cửa, chi phí đi lại, bảo hiểm, tiền con cái học hành… Theo tính toán sơ bộ, tiền lương của 2 nhân sự nước ngoài như vậy đủ trả lương cho cả trung tâm phục vụ mặt đất.

Chúng tôi lại vừa nhận thêm một thông báo gây ra sự bức xúc trong toàn thể đoàn tiếp viên, đó là việc cắt nốt 2,2 triệu đồng tiền ăn. Thay vào đó là những suất ăn được công ty chỉ định (không thông báo trực tiếp với chúng tôi, chỉ là tờ giấy in ra từ mail của cấp trên gửi cho đoàn trưởng và được dán lên bảng thông báo chung).

Ngoài ra, tính lại, nếu bay từ 70-100 giờ (tương đương 36-50 chặng bay Hà Nội), chúng tôi sẽ chỉ nhận được 5 - 8 triệu đồng một tháng. Chúng tôi xin mời một lãnh đạo nào có can đảm thử bay, thử làm việc thay chúng tôi với 100 giờ bay/tháng và nhận số lương này xem cảm giác ra sao…

(Trích thư của Đoàn tiếp viên JPA gửi Ban lãnh đạo JPA)


* Thông tin liên quan:

Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không
>> Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific
>> Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

>> Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?

Tin cùng chuyên mục