WWF Việt Nam: Sẽ sớm phản hồi việc cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ”

* WWF Việt Nam không tham gia xây dựng đánh giá cả lý thuyết lẫn trên thực địa
WWF Việt Nam: Sẽ sớm phản hồi việc cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ”

* WWF Việt Nam không tham gia xây dựng đánh giá cả lý thuyết lẫn trên thực địa

(SGGPO).- Đầu giờ chiều nay, 7-12, WWF Việt Nam đã công bố quan điểm chính thức của WWF Việt Nam về việc WWF cập nhật Cẩm nang Hướng dẫn Thủy sản 2010-2011 cho Người tiêu dùng tại một số quốc gia bao gồm Đức, Bỉ, Áo, Đan Mạch, Na uy và Thụy Sĩ. (Tại cẩm nang này, con cá Tra, cá Basa nuôi tại Việt Nam chuyển màu từ  “Màu Vàng - Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng” sang “Màu Đỏ - Đừng mua”) ngày 19-11 vừa qua.

Nuôi cá tra ở Việt Nam

Nuôi cá tra ở Việt Nam

WWF Việt Nam cho biết, ba tổ chức phi chính phủ bao gồm WWF, Hội Bảo tồn Sinh vật Biển (MSC) và Quỹ Biển Bắc (NSF) cùng tham gia phát triển phương pháp đánh giá mới là cơ sở của khuyến cáo trên. Phần đánh giá thực địa do một tư vấn độc lập thực hiện. WWF Việt Nam không tham gia tiến trình này, cả phát triển phương pháp đánh giá lẫn đánh giá thực địa. 

Cẩm nang hướng dẫn này được xuất bản hàng năm tại một số quốc gia nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây không phải là rào cản pháp lý đối với thương mại quốc tế. 

WWF Việt Nam đang tích cực làm việc với VASEP và các đồng nghiệp tại một số quốc gia châu Âu để làm rõ các tiêu chí và phương pháp đánh giá đã sử dụng và đảm bảo rằng các phản hồi cần thiết sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.

“WWF Việt Nam cam kết hợp tác với các bên liên quan, giúp cải thiện tính bền vững cho ngành thủy sản như hỗ trợ đạt được chứng chỉ MSC cho loài nghêu Bến Tre; đồng thời cũng đang tiếp tục những nỗ lực tương tự đối với ngành nuôi trồng cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam”, bản thông cáo của Tổ chức này nêu rõ.

WWF ủng hộ tất cả các bộ tiêu chuẩn để cải thiện an toàn thực phẩm và tính bền vững về mặt xã hội và môi trường của ngành nuôi trồng thủy sản bao gồm Global Gap, SQF và ASC.

Cẩm nang  “Hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản” là một tờ thông tin được WWF cập nhật và xuất bản hàng năm dành cho người tiêu dùng, chủ yếu là các nước châu Âu. Cẩm nang hướng dẫn bao gồm ba danh mục: Màu Xanh – Thực phẩm nên sử dụng; Màu Vàng – Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng; Màu Đỏ - Đừng mua. Bất kỳ một sản phẩm nào nằm trong danh sách đỏ đều có thể được đưa lên danh sách vàng hoặc xanh nếu ngành công nghiệp đó đáp ứng được những nhu cầu đánh giá đề ra.

* Tại cuộc họp báo cũng trong chiều nay về việc cá tra Việt Nam bị Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) liệt vào “danh sách đỏ”, tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: “VASEP hoàn toàn không đồng tình với cách làm của WWF. Cách làm của WWF không những đang gây ảnh hưởng quyền lợi của những người nuôi cá tra ở Việt Nam mà còn gây phản ứng trong những doanh nghiệp nhập khẩu cá tra Việt Nam của các nước trên thế giới, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng cá tra trên thế giới”.

Theo ông Dũng, thực tế nghề nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược với những thông tin lạc hậu, sai lạc, không khách quan mà một số đối thủ cạnh tranh cố tình rêu rao, nhằm bôi xấu cá tra.

Cũng theo ông Dũng, việc cá tra Việt Nam bị chuyển sang “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng năm 2010-2011 chỉ là cách làm của 6 nước ở châu Âu bao gồm Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch với nhau. Đây là kết quả khảo sát do một công ty tư vấn độc lập do WWF các nước này thuê, tiến hành đánh giá hơn 100 loài thủy sản thực phẩm trên thế giới theo bộ tiêu chí phát triển bền vững mới sửa đổi của WWF. Các thông tin cũng được nêu ra không phải trên một tạp chí chính thức của WWF mà chỉ là trên các cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng, có tính chất như kiểu “tờ rơi”, chỉ để tham khảo.

Trưa mai, 8-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có cuộc làm việc chính thức với WWF để tìm giải pháp tháo gỡ cho con cá tra Việt Nam.

ANH PHƯƠNG - PHÚC HẬU

>> Vụ đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ - WWF phải chịu trách nhiệm về sự nhầm lẫn

>> Đưa cá tra vào Sách đỏ: Bất công

Tin cùng chuyên mục