Tự làm khó mình

Để bảo vệ uy tín của thương hiệu nước mắm Phú Quốc, ngày 17-10-2008, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 2482/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Tiếp đó, ngày 16-8-2010, UBND huyện Phú Quốc cũng có Quyết định số 2855/QĐ-UBND về việc công nhận Quy chế tạm thời về hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm.

Theo đó, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc quy định lô hàng phải đồng nhất về chất lượng, được đóng chai tại Phú Quốc; quy định cụ thể về vùng khai thác, loại nguyên liệu (cá cơm), tỷ lệ cá tạp không quá 15%, phương pháp chế biến; các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
 
Từ những quy định trên, Ban Kiểm soát nước mắm Phú Quốc đã đưa ra những quy định về sử dụng nhãn mác chung và tem chỉ dẫn địa lý. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm Phú Quốc đủ điều kiện phải dùng mẫu nhãn với rất nhiều nét chung và cứng nhắc. Điều này đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có thể gây tác dụng ngược với mục đích tốt đẹp khi đề ra quy định trên.

Theo các DN, kiểu nhãn mác này gần như sẽ tạo ra những chai nước mắm “nhân bản vô tính” đơn điệu trên thị trường, hầu như triệt tiêu cá tính và sự khác biệt giữa các DN sản xuất nước mắm Phú Quốc… Bên cạnh đó, mỗi DN có phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng khác nhau nên một dòng sản phẩm hảo hạng không thể mặc cùng một bộ áo với dòng sản phẩm bình dân.

Do vậy, việc áp dụng một mẫu nhãn mác cho tất cả dòng sản phẩm nước mắm là tối kỵ với nguyên tắc kinh doanh và tiếp thị. Hơn nữa, nếu có một nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc gặp sự cố trong sản xuất và kinh doanh thì gần như tất cả các nhà sản xuất khác cũng đều bị vạ lây do người tiêu dùng đã hình thành một suy nghĩ đồng nhất về hình ảnh nước mắm Phú Quốc.

Mặt khác, với các DN có sản phẩm xuất khẩu thì mẫu nhãn này như cái vòng kim cô bí bách khi DN phải đáp ứng các yêu cầu riêng về nhãn mác của đối tác và thị trường nhập khẩu bằng ngoại ngữ, chưa kể trường hợp phải thiết kế nhãn mác hoàn toàn theo ý của khách hàng...

Ngoài ra, việc bắt buộc sản phẩm nước mắm phải đạt chỉ tiêu hàm lượng chất Histamine trong nước mắm không vượt mức 200 ppm (200 phần triệu) cũng chưa phù hợp với thực tế sản xuất và tiêu thụ nước mắm hiện nay, chẳng khác nào việc tự trói mình, làm giảm khả năng cạnh tranh và cung ứng nước mắm ra thị trường (chỉ tiêu này, theo Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam- UB Codex VN thuộc Bộ Y tế, không vượt mức 400 ppm).
 
Thiết nghĩ, mỗi nhà sản xuất cần phải có một diện mạo riêng, thể hiện qua bao bì, nhãn mác, để tạo ra được sự khác biệt với các đối thủ khác kinh doanh sản phẩm cùng loại trên thị trường… Vì vậy, sau khi đạt đủ tiêu chuẩn và chỉ cần dán tem chứng nhận xuất xứ nguồn gốc “Made in Phu Quoc”, mỗi DN sản xuất nước mắm Phú Quốc cũng cần có nét độc đáo của riêng mình.

Phân định rõ giữa việc chứng nhận xuất xứ với việc làm thương hiệu cho sản phẩm sẽ góp phần giúp nước mắm Phú Quốc ngày càng phát triển mạnh và bền vững hơn ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.

TRƯƠNG MẠNH

Tin cùng chuyên mục