Yêu cầu WWF xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam

Trước việc Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại 6 nước châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào danh sách các sản phẩm mang nhãn màu đỏ (không nên sử dụng) trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng của WWF, đặc biệt là sau khi nghiên cứu kỹ bộ 19 câu hỏi về cá tra mà WWF đưa ra, ngày 13-12, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT trước khi giữa Bộ NN-PTNT và WWF thế giới có cuộc làm việc tại Việt Nam nhằm bày tỏ quan điểm về cách đánh giá cũng như tiêu chí mà WWF dựa vào đó để đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ.
Yêu cầu WWF xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam

(SGGP).– Trước việc Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại 6 nước châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào danh sách các sản phẩm mang nhãn màu đỏ (không nên sử dụng) trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng của WWF, đặc biệt là sau khi nghiên cứu kỹ bộ 19 câu hỏi về cá tra mà WWF đưa ra, ngày 13-12, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT trước khi giữa Bộ NN-PTNT và WWF thế giới có cuộc làm việc tại Việt Nam nhằm bày tỏ quan điểm về cách đánh giá cũng như tiêu chí mà WWF dựa vào đó để đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ.

Yêu cầu WWF xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam ảnh 1

Cá tra nuôi tại Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, bộ 19 câu hỏi đánh giá về cá tra nuôi Việt Nam của WWF là không đầy đủ thông tin và sai về bản chất. Ông Thắng khẳng định, năm 1995 Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã công bố tài liệu phát triển thủy sản bền vững (CoC), trong đó điều 9 quy định về nuôi thủy sản bền vững. So với CoC của FAO thì bộ tiêu chí 19 câu hỏi của WWF chỉ tập trung vào một số khía cạnh như ảnh hưởng của việc nuôi cá tra đối với môi trường và dịch bệnh.

Nếu coi đây là chuẩn mực để đánh giá thân thiện với môi trường là không đầy đủ và không thuyết phục. Khi quy định về nuôi thủy sản bền vững, WWF không thể tự mình đặt ra những tiêu chí trái với CoC của FAO và không được phép đưa bộ tiêu chí của mình để áp đặt cho các quốc gia, sau đó tự mình công bố, bất chấp quy định quốc tế, quy định quốc gia và hậu quả. Do vậy, ông Thắng cho rằng, ngoài việc thu hồi các tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản, WWF cần có lời xin lỗi đối với chính phủ và người nuôi cá Việt Nam.

Theo ông Thắng, tuy chỉ là một bản công bố của một tổ chức phi chính phủ, không có tính pháp lý nhưng việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ cũng làm cho danh dự của nhà sản xuất kinh doanh, đặc biệt là người nuôi cá tra Việt Nam bị bôi nhọ, lòng tự trọng của người làm thủy sản Việt Nam bị tổn thương. Giá và sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể bị giảm sút.

Được biết, vào ngày 14-12, đại diện của WWF sẽ sang Việt Nam và ngày 15-12, giữa WWF và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) sẽ cùng thảo luận để tìm ra hướng khắc phục. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tại cuộc họp này, WWF sẽ trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp và quy trình đánh giá, những nghiên cứu của tổ chức này về cá tra Việt Nam. Còn phía Tổng cục Thủy sản sẽ cung cấp toàn bộ những chứng cứ khoa học về cá tra Việt Nam để WWF có cái nhìn toàn diện, từ đó thay đổi quyết định đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ.

Đề cập tới việc Việt Nam có thể kiện WWF ra WTO hay không, ông Tuấn nói hiện chưa có chủ trương kiện, hai bên sẽ cùng làm việc để tìm ra hướng giải quyết chung.

V.Phúc

Vụ đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ

- WWF Việt Nam: Tạm đưa cá tra khỏi “danh sách đỏ”

- Không nên hoang mang

- Nhìn lại nghề nuôi cá tra

- WWF đã tự hạ uy tín mình

- WWF Việt Nam: Sẽ sớm phản hồi việc cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ”

- WWF phải chịu trách nhiệm về sự nhầm lẫn

- Đưa cá tra vào Sách đỏ: Bất công 

Tin cùng chuyên mục