Tọa đàm trực tuyến: Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền bán hàng phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng, chống lại việc các doanh nghiệp giấu doanh số, kê khai thuế thấp, gây thất thu thuế của nhà nước, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Cục Thuế TPHCM tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế” từ 14 giờ đến 17 giờ trên SGGP Online, với sự tham gia của lãnh đạo ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, lãnh đạo một số quận huyện, các chuyên gia kinh tế, luật sư...
Tọa đàm trực tuyến: Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền bán hàng phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng, chống lại việc các doanh nghiệp giấu doanh số, kê khai thuế thấp, gây thất thu thuế của nhà nước, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Cục Thuế TPHCM tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế” từ 14 giờ đến 17 giờ trên SGGP Online, với sự tham gia của lãnh đạo ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, lãnh đạo một số quận huyện, các chuyên gia kinh tế, luật sư... 

Cuộc tọa đàm "Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế" tại báo SGGP. Ảnh: Cao Thăng
Cuộc tọa đàm "Bán hàng xuất hóa đơn VAT và các giải pháp chống thất thu thuế" tại báo SGGP. Ảnh: Cao Thăng

- Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM:  

Hiện nay, chưa có văn bản nào thay thế NĐ 89/CP của Chính phủ về việc sử dụng và quản lý hóa đơn. Có nhiều DN bán hàng không xuất hóa đơn mặc dù đã bị những cơ quan chức năng xử lý và đã nêu trên báo, nhưng tình trạng này vẫn còn rất phổ biến. Chính vì thế, Cơ quan thuế mong được lắng nghe ý kiến của mọi người để có thể quản lý việc này tốt hơn, đảm bảo công bằng xã hội từ đó lập lại kỷ cương  kinh doanh một cách tốt nhất.
Tại buổi tọa đàm này, Cơ quan thuế và báo SGGP muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu để có thể tiếp thu, triển khai  làm ngay trên địa bàn TP hoặc có thể bổ sung, kiến nghị những vấn đề vượt quá tầm của Cục thuế TPHCM để cơ quan cấp trên xem xét, sửa đổi, bổ sung văn bản, để công tác quản lý quản lý thuế trên địa bàn TP chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Ông Bùi Xuân Luyện, đại diện người dân P4 Q5

Ông Bùi Xuân Luyện, đại diện người dân P4 Q5

- Ông Bùi Xuân Luyện, đại diện người dân P4 Q5:
Là một người tiêu dùng, tôi nhận thấy các công ty điện máy, cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng có tình trạng đúng như các bài đăng trên báo SGGP đã nêu. Thực tế hiện nay, có nhiều cửa hàng nhỏ trên địa bàn đóng thuế tốt, đủ, đóng thuế khoán, trong khi các cửa hàng lớn thì trốn thuế, điều đó là không công bằng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
- Cơ quan quản lý Nhà nước yếu kém.
- Chưa tuyên truyền giáo dục sâu rộng đến người mua và người bán. Tại các cuộc họp tổ dân phố ở địa phương, các cơ quan chức năng nên phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu.
-  Nhiều cơ quan thuế sợ đụng chạm, nhẹ nhàng cho qua để có những quyền lợi riêng.

Các giải pháp: phải sửa chính sách thuế. Không nên cho DN tự in hóa đơn. Nên phạt thật nặng nếu vi phạm không xuất hóa đơn, thậm chí rút giấy phép. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên nối mạng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, để các cơ quan quản lý NN nắm vững tình hình kinh  doanh của các DN, qua đó có biện pháp quản lý, thu thuế một cách hợp lý.
 
LS Trương Thị Hoà đang phát biểu. Ảnh: Cao Thăng

LS Trương Thị Hoà đang phát biểu. Ảnh: Cao Thăng

- LS Trương Thị Hoà:
Theo tôi, cần sớm sửa đổi NĐ 89/2002, TT 120/2002/TT-BTC bởi vì các văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến VAT đã rất cũ, có những văn bản được ban hành từ năm 2001, 2002, 2003 không còn phù hợp, đặc biệt là khi có sự ra đời của Luật Quản Lý thuế năm 2007.
Ngoài ra, theo tôi, vẫn tạo điều kiện cho DN thành lập nhưng kiểm soát và có quy định cụ thể hơn theo từng ngành nghề để quan lý hóa đơn. Nên hiện đại hóa ngành thuế, đặt vấn đề giáo dục-tuyên truyền về thuế để những người trốn thuế cảm thấy xấu hổ và làm cho người dân thấy được cái lợi khi đóng thuế.

Về phát hành hóa đơn. Theo tôi chỉ nên thống nhất chọn 1 cách phát hành hóa đơn, 1 mẫu hóa đơn thống nhất.

Ngoài việc nâng mức xử phạt còn phải công khai thông tin về những đối tượng vi phạm về sử dụng hóa đơn.Cần có sự kết hợp giữa các ban, ngành có liên quan như Bộ Tài chính - Bộ Thương mại - Bộ Công an.
 
- LS Đinh Thị Quỳnh Như:
Đồng ý với quan điểm LS Trương Thị Hòa, cần sớm rà soát văn bản cũ, đưa ra những văn bản phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả là yếu tố con người. Nhận thức con người luôn quan trọng bên cạnh hành lang pháp lý. Yếu tố này thể hiện ở 3 bộ phận: người tiêu dùng, các DN, cán bộ quản lý thuế. Về phía người tiêu dùng, phải làm sao để họ hiểu rằng nộp thuế vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Từ đó họ sẽ yêu cầu DN xuất hóa đơn khi mua hàng, Đây chính là yếu tố đảm bảo cho người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc  hàng hóa. 
Tại sao không cho người dân khấu trừ thuế VAT? chủ động tạo chính sách thuế cho dân một cách hiệu quả? Nếu không tuyên truyền, người dân không ý thức được. Còn DN cũng phải nhận thức rằng bán hàng có hóa đơn sẽ đảm bảo chỗ đứng và uy tín trên thương trường cho DN. Nhiều cán bộ quản lý thuế còn thiếu tận tâm, thiếu trách nhiệm trong công việc. Lọat bài về thất thu thuế của báo SGGP cho thấy, hầu như các DN đều gian lận thuế nhưng tại sao không có hành xử gì? 

Phải kết hợp 3 yếu tố trên để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện và quản lý thuế. Nên thống nhất một lọai hóa đơn và để DN tự in hóa đơn.
- Ông Đỗ Hướng Dương: Phó TGĐ Cty CP DV Phú Nhuận:
Đối với DN chúng tôi, sợ nhất là hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu... Vấn đề trốn thuế cũng là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Tôi kiến nghị: Cơ quan thuế cần tăng cường kiểm tra vấn đề này. Cơ quan thuế đưa ra lý do thiếu cán bộ là không hợp lý. Vấn đề chế tài hiện nay còn kém hiệu quả, Nhà nước nên đưa ra các biện pháp nặng hơn.
Ở nước ngoài, trốn thuế có thể quy vào phạm tội hình sự. Hình sự hóa sẽ mạnh hơn  mức phạt. Hiện nay việc chế tài 1 tỷ đồng cũng chỉ là "gãi ngứa" đối với những DN cố tình trốn thuế. Biện pháp rút giấy phép không đáng kể. Nên để DN tự in hóa đơn. Cơ quan thuế nên có kênh tố cáo, tố giác những trường hợp vi phạm. Nên có cơ chế công khai các báo cáo thuế, báo cáo tài chính. 
Ông Lê Xuân Đài, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM:
Trước đây, chúng tôi đã cùng Cục Thuế TPHCM tiến hành kiểm tra việc bán hàng xuất hóa đơn VAT. Tuy nhiên, sau khi loạt bài của báo SGGP đăng, việc phối hợp kiểm tra thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn.
Theo thống kê của chúng tôi, đối với HH lưu thông trên thị trường: số lượng HH phát hiện không xuất hóa đơn 100 vụ/năm 2008. Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát chống gian lận TM, hàng gian, hàng giả trong năm 2009 là 150 vụ, chuyển cho cơ quan thuế xử lý gần 2 tỷ. Việc xử lý vi phạm rất khó khăn, không đơn giản.
Về hàng lậu, hàng giả: năm 2009 phát hiện nhiều nhất từ trước đến nay, đa số từ TQ. Hàng giả, hàng kém chất lượng trong năm 2009 đã tiêu hủy gần 20 tỷ đồng.
Phương hướng sắp tới: trên cơ sở kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường phát hiện và xử lý các mặt hàng quá đát, hàng kém chất lượng...
 
- TS Lê Vũ Nam:
Tôi cũng đồng ý rằng đây là vấn đề cấp bách bởi hành vi vi phạm pháp luật về thuế làm thất thoát nguồn thu của đất nước, làm xói mòn và hủy hoại môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cân bằng xã hội và cuối cùng làm làm suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ở đây tôi xin có ý kiến về 3 phương diện:

1. Về pháp luật: nên có những phản ánh kịp thời về việc sửa đổi các văn bản không còn phù hợp. Nghị định

mang tính linh hoạt rất cao, nhưng tôi cũng ngạc nhiên khi Tổng cục Thuế là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực này lại chậm tham mưu để ban hành những văn bản sử đổi cho phù hợp.


2. Về vấn đề xử phạt: tôi cũng đồng tình với ý kiến nâng mức xử phạt, nhưng phải có khảo sát để mức phạt hợp lý. Phải có phạt bổ sung nhằm răn đe, giáo dục. Nên chăng, áp dụng việc đình chỉ, rút giấy chứng nhận ĐKKD.

3. Xử lý hình sự: tội bán hàng giả, trốn thuế, buôn lậu, bán hàng giả.

Cuối cùng là sự kết hợp giữa các cơ quan Hải quan, quản lý  thị trường, thuế, các Chi cục thuế không chỉ được thực

hiện ở ranh giới hành chính. Ngoài ra, cần phải khởi động lại đường dây nóng, phải làm việc hiệu quả hơn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong dân, nên có cơ chế khuyến khích người dân biết và thực hiện việc sử dụng hóa đơn.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM

Về thực trạng và hậu quả việc chống thất thu thuế chúng ta đã thấy. Tôi thống nhất với các ý kiến, trước hết phải

đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là chuẩn mực đạo đức. Ngoài ra các cơ quan chức năng phải xét đến lợi ích của người sử dụng hóa đơn.


Tôi có 2 đề nghị:

Thứ nhất: Không thể tách Luật thuế ra khỏi các luật khác vì Luật thuế có sự liên quan tới hơn 40 luật khác. Việc sử dụng hóa

đơn không chỉ đặt ra trong luật thuế mà còn phải đặt ra trong Luật DN. Chẳng hạn: Luật DN nên có quy định là: khi hoạt động kinh doanh phải đăng ký sử dụng hóa đơn tự in và phải sử dụng máy tính tiền thống nhất do Nhà nước phát hành. Việc kiểm soát chương trình và nối kết với cơ quan quản lý về thuế như thế nào cũng được quy định thành luật.


Thứ hai, trong quy định về tội trốn thuế tôi thấy người thiết kế luật chưa làm kỹ. Ví dụ: tôi làm cơ quan nhà nước

nhưng nếu đi dạy thêm mà không khai thu nhập từ việc dạy thêm sẽ bị coi là trốn thuế nhưng với hành vi của 1 DN thu thuế của khách hàng nhưng không nộp lại cơ quan thuế thì phải được xem là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt.

Nếu DN dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền thuế của dân, không đóng thuế thì không phải do lỗi của cơ quan thuế. Đây là lỗi trốn thuế của DN. Nói chung phải tách bạch giữa trực thu và gián thu.

Bà Vũ Thu Mười, Giám đốc Tài chính Công ty CP Nguyễn Kim: Lần đầu tiên tham gia buổi tọa đàm có ý nghĩa như thế này, là DN, tôi cũng hiểu được trách nhiệm của DN là phải đóng thuế và có trách nhiệm đối với người tiêu dùng. DN không chỉ có trách nhiệm đóng thuế mà còn có nhiều trách nhiệm khác nữa. DN cũng có nhiều khó khăn nhưng cũng chưa có dịp để trao đổi, chia sẻ.  Trong quá trình làm, DN cũng khó tránh sai sót vì một tháng DN phải xuất từ 60.000- 120.000 hóa đơn. 


DN ý thức được trách nhiệm của mình. DN đã nộp thuế đầy đủ, hàng năm đóng vài chục tỷ đồng và cứ năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2009 suy thóai kinh tế, DN phải tính tóan để duy trì việc kinh doanh nhưng vẫn đóng thuế đầy đủ. Mục tiêu của DN chúng tôi là dần dần cổ phần hóa, cần một bộ máy hòan thiện. Để DN ý thức được, chúng tôi mong có nhiều buổi tọa đàm để DN có cơ hội chia sẻ, tiếp thu những ý kiến của các DN, luật sư và báo chí... để có thể điều chỉnh và hòan thiện dần quy trình quản lý thuế. 

Để tạo điều kiện cho DN in hóa đơn thì cơ quan Thuế cần giám sát chặt chẽ hơn. Nội dung trên hóa đơn nên để DN tự làm vì tùy từng trường hợp mà DN có những hóa đơn có nội dung khác nhau (có hóa đơn xuất liền, có hóa đơn xuất sau nên phải ghi địa chỉ người mua hàng...).

Đại diện Trung tâm điện máy Thiên Hòa:

Theo tôi, việc trốn thuế xuất phát từ cách tính thuế như thế nào? Ý kiến đề nghị việc phân khúc quản lý như luật sư Trương Thị Hòa đề xuất tôi rất ủng hộ. Tôi cho rằng việc xác định phân khúc các cơ quan nên nhắm đến DN nào mà đầu vào không có như: dịch vụ, các cơ sở sản xuất trong nước (áp dụng thuế khoán), bởi họ xuất hóa đơn càng ít càng tốt.

Bạn đọc Thiên Tường Hoàng [thientuong29@gmail.com] hỏi:

Theo như tôi được biết, khi mua hàng với hóa đơn trên 100 nghìn đồng, khách hàng sẽ được xuất hóa đơn VAT. Tuy nhiên nhiều nơi, khách mua hàng với hóa đơn trên chục triệu đồng vẫn không được xuất hóa đơn này. Có 2 lý do: nơi bán không xuất hoặc người mua không cần. Bản thân tôi khi mua hàng kim khí điện máy hàng chục triệu đồng, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm đến hóa đơn VAT. Vì khi có tôi cũng chẳng để làm gì. Nếu bên cục thuế có một sự hỗ trợ, hoặc ưu ái gì đó cho những người mua hàng có lấy hóa đơn VAT thì hay biết chừng nào. Còn nếu không, hóa đơn VAT chưa thực sự làm người mua hàng quan tâm, tự giác nhận.
Ông Lê Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục thuế TP trả lời:
Theo quy định, nơi bán hàng phải xuất hóa đơn khi người mua hàng trên 100.000đ. Nếu người mua hàng dưới 100.000 đồng đề nghị xuất hóa đơn thì người bán cũng phải xuất hóa đơn. Hiện nay, trong các quy định chưa có quy định về quyền lợi của người mua khi nhận hóa đơn. Đối với kiến nghị của bạn, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Tài Chính, vì vấn đề bạn hỏi không thuộc thẩm quyền của cục thuế. 
Luật Sư Trương Thị Hòa bổ sung:
Thông qua ý kiến của bạn đọc Hoàng Thiên Tường, tôi cho rằng đây thật sự là mong muốn của người dân.
Có một sự không bình đẳng trong việc sử dụng tờ hóa đơn, đó là khi DN lấy hóa đơn thì được trừ tiền thuế nhưng người dân lấy hóa đơn thì lại không được trừ đồng nào. Tôi kiến nghị cơ quan Nhà nước sớm để người dân cũng được trừ một phần hoặc toàn bộ thuế GTGT khi có hóa đơn bởi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Nếu sớm có quy định này, người dân sẽ rất thích, khi đó người mua hàng sẽ buộc nơi bán phải xuất hóa đơn vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Ông Phạm Đức Hiến - Phó Tổng Biên tập báo SGGP
Theo tôi, có 3 vấn đề.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách. Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chịu. DN chỉ là người được ủy quyền thu hộ tiền thuế này của Nhà nước mà thôi. Chính vì vậy, tôi đề xuất, về cơ chế chính sách thuế nên theo nguyên tắc:Thu thuế để nuôi dưỡng nguồn thu. Có thể hạ thấp mức thuế suất từ 10% xuống 7% hoặc 5% chẳng hạn.
Thứ hai, người dân - doanh nghiệp - cơ quan thuế phải tự tôn trọng và tự giác để cùng thực hiện tốt chính sách thuế.
Thứ ba, về vấn đề hóa đơn hay không hóa đơn, theo tôi, trong điều kiện nước ta hiện nay phải song hành cả 3 loại hóa đơn: Nhà nước in, DN in theo mẫu của Nhà nước, DN tự in. Đối với mẫu DN tự in trong một số trường hợp phải coi là hợp pháp, nếu không sẽ dẫn đến việc mua hóa đơn ngoài thị trường chợ đen. 
Phó Tổng biên tập báo SGGP Phạm Đức Hiến

Phó Tổng biên tập báo SGGP Phạm Đức Hiến

Ông Sử Ngọc Anh- Phó Chủ tịch UBND quận 5:
Tôi cho rằng, hệ thống luật về thuế của chúng ta vẫn chưa tiếp cận được những chuẩn mực quốc tế. Luật thuế trao tòan bộ việc kê khai thuế cho DN tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Cán bộ thuế chỉ kiểm tra. Như vậy, tự trao cho DN làm thì bộ máy quản lý thuế phải như thế nào?
Hiện chúng ta vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, chưa giao dịch qua một hệ thống quản lý chung nên khó kiểm sóat. Nguyên nhân là có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quản lý thuế hiện nay vì chúng ta vừa áp dụng NĐ 89 (ra đời năm 2002) lại vừa áp dụng luật quản lý thuế.
Tôi cũng chia sẻ với Công ty Nguyễn Kim vì họ phải xuất 130.000 hóa đơn/ngày. Nếu in bằng máy thì cũng phải cần có thời gian chứ đừng nói phải đi mua hóa đơn của Nhà nước.
Theo tôi, không chỉ dừng lại ở việc có xuất hóa đơn hay không mà còn phải nói đến chất lượng hóa đơn (kê khai đúng giá thành, chủng lọai hay không?)
Tôi kiến nghị cần đánh giá lại việc triển khai Luật quản lý thuế sau 2 năm có ai tự giác không? Nên công khai DN làm tốt, DN trốn thuế lên mạng... Cần phải làm sao để DN thấy quyền lợi và nghĩa vụ của việc xuất hóa đơn gắn với nhau. Cục thuế cần tổ chức chuyên đề riêng để các DN nói rõ lý do...
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Chi cục trưởng CCT quận 10:
Khó khăn của việc quản lý xuất HĐ:
- Theo tôi, khối lượng công việc nhiều, công chức ít. Năm 1999 có 12.000 DN, 4000 công chức thuế; năm 2010 có 114.000 DN, 3700 công chức thuế. Trước đây 1 cán bộ được giao quản lý 100 DN, hiện nay cố gắng hết sức cũng kiểm tra được 15% DN.
- Ngành thuế hiện nay đang hoạt động theo cơ chế  chức năng, không còn cơ chế chuyên quản, do đó chỉ không thể kiểm tra hết DN. Hiện nay, khi đến kiểm tra DN, DN có nhiều lý do thoái thác không hợp tác, ví dụ như: đây chỉ là chi nhánh không trực tiếp bán hàng, HĐ để ở Cty chính hoặc HĐ đã được chủ DN cất trong két sắt và đi vắng, không thể xuất trình.  
Ông Bùi Xuân Luyện, đại diện người dân P4 Q5 có ý kiến thêm:
Lý do mà DN nêu ra là xuất HĐ không kịp, theo tôi không hợp lý. Thật ra là DN muốn gian lận. Các DN lớn dư sức xuất HĐ ngay nếu họ thật sự muốn xuất HĐ vì công nghệ in, vi tính hiện nay rất hiện đại.
Ông Lê Xuân Dương - Phó Cục Trưởng Cục Thuế TPHCM:
Qua những ý kiến trong buổi tọa đàm này cũng đã nói lên được những bức xúc của người dân trong tình hình sử dụng hóa đơn hiện nay. Mong rằng sau cuộc tọa đàm này, những bức xúc trên sẽ được các DN tiếp thu để làm tốt hơn.
Luật Quản lý thuế được ban hành năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ năm 2007. Việc kê khai thuế qua mạng, theo chỉ tiêu đặt ra là 200 - 300 DN nhưng hiện nay thì chỉ có hơn 100 DN đăng ký kê khai qua mạng, vì các thông tin về DN đều được cơ quan thuế theo dõi nên các DN không mặn mà về chuyện này. Lộ trình tin học hóa cũng còn nhiều điều cần phải cũng cố, bổ sung bởi chúng ta không viết được phần mềm nên sắp tới phải mua phần mềm để quản lý thuế.
Xung quanh việc sửa đổi NĐ 89/2002, mong mọi người cùng phối hợp kiến nghị để sửa đổi. Việc người sử dụng hóa đơn được hưởng gì khi thực hiện thì chúng tôi đang kiến nghị, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Về đề xuất người dân nhận hóa đơn được hưởng gì, chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nước thì họ có áp dụng hình thức xổ số. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhưng chưa làm được.
Một hướng khác là cộng lại giá trị hóa đơn của người dân sử dụng đến một mức nào đó sẽ được trừ vào thuế TNCN nhưng tất nhiên với tỷ lệ là bao nhiêu thì phải tính toán, nếu hóa đơn cũng như tờ giấy thì người ta cũng không cần hóa đơn. Ý kiến về việc đưa vấn đề giáo dục thuế cho người dân, không phải trong trường học và từ địa phương, ngay cả tổ dân phố là một ý kiến hay, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất với UBNDTP.
Về phía cơ quan thuế chúng tôi cũng xin nhận thiếu sót về công tác kiểm tra và xử lý chưa thật nghiêm minh, chưa cương quyết.  DN, qua bức xúc của người dân, mong các DN và cơ quan thuế phải cùng nhau thực thi pháp luật một cách tốt nhất. Mong DN đồng hành với CQ thuế để thực hiện đúng các chủ trương của Nhà nước.
Ông Hòang Văn Kháng - Phó Tổng Biên tập báo SGGP:
Về khía cạnh báo chí, qua lọat bài về thuế VAT, đó là một trong những lọat bài dài kỳ và báo nhận được phản hồi nhiều nhất. Cách đây vài ngày, báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến đề nghị báo tiếp tục viết tiếp.
Buổi tọa đàm tuy chưa thỏa mãn với mọi người nhưng việc các DN cử đại diện tham gia là rất quý. Sau cuộc tọa đàm này, nhiều vấn đề báo cần phải nêu thêm về các thực trạng trốn thuế; đề cập rõ, sâu hơn về tình trạng không xuất hóa đơn kéo theo bao nhiêu hệ lụy. ..
Chúng ta cũng cần phải kiến nghị để hòan thiện công cụ, chính sách thuế của Nhà nước. Về phương thức, phương pháp quản lý và kiểm tra việc thực hiện chính sách thuế như thế nào cũng là vấn đề; trong đó việc trang bị những thiết bị hiện đại để có thể quản lý tốt hơn.
Phản hồi từ bạn đọc là mong muốn cơ quan thuế hòan thiện hơn nữa trong công tác quản lý thuế để người dân thấy được vai trò của cơ quan quản lý thuế như thế nào. Báo SGGP sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan chức năng và các DN góp phần tạo nên  nhận thức cho DN và người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ về thuế, về việc bán hàng phải xuất hóa đơn...
Mong muốn của chúng tôi là một lúc nào đó chúng ta có môi trường họat động kinh tế lành mạnh, văn minh, phù hợp với điều kiện hiện nay. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Xin cám ơn sự tham gia của các đại biểu, cám ơn sự quan tâm theo dõi buổi tọa đàm của quý bạn đọc qua báo SGGP Online.
Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục