Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM

Nỗi lo hậu quả của “giấc mơ đẹp”

Đồng ý chủ trương nhưng băn khoăn, lo lắng về cách làm và vốn đầu tư, đó là tâm trạng chung của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua (21-5) về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
Nỗi lo hậu quả của “giấc mơ đẹp”

Đồng ý chủ trương nhưng băn khoăn, lo lắng về cách làm và vốn đầu tư, đó là tâm trạng chung của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua (21-5) về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) phát biểu ủng hộ dự án tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) phát biểu ủng hộ dự án tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu TPHCM ủng hộ dự án

Đại biểu TPHCM thể hiện sự ủng hộ cao đối với dự án.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng mong muốn “dự án nối thông toàn tuyến sớm hơn thì tốt hơn nữa” (theo dự kiến, toàn bộ hệ thống ĐSCT Hà Nội – TPHCM sẽ hoàn thành vào năm 2035), song cũng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị cần phải tiến hành thật tốt, thật chu đáo.

ĐB Trần Du Lịch cho rằng: “Đây là dự án dành cho thế hệ sau, vì thế chúng ta phải dự báo được nhu cầu tốc độ của 25 - 30 năm nữa”. Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch: “Khoản vốn 55 - 56 tỷ USD thực sự là rất lớn, nhưng được “rải” ra trong vài chục năm và được huy động từ nhiều nguồn, kể cả áp dụng hình thức hợp tác đầu tư công – tư (PPP) nên không phải là không khả thi”.

Có cùng quan điểm ủng hộ xây dựng dự án, các ĐB Đặng Ngọc Tùng, Huỳnh Thành Đạt mong muốn đẩy nhanh tiến độ và khai thác từng phần dự án theo kiểu “cuốn chiếu”. “Tiếp xúc với cử tri TPHCM, tôi thấy bà con rất mong sớm đưa được dự án vào khai thác. Tôi chắc người dân TPHCM sẽ rất hào hứng đi du lịch các vùng trên cả nước khi có ĐSCT”, ĐB Đặng Ngọc Tùng nói vui.

Nhiều ĐBQH cho rằng, đường sắt cao tốc (ĐSCT) là một “giấc mơ đẹp”, thể hiện mơ ước của tất cả người Việt Nam. Đồng ý chủ trương làm, nhưng nguồn vốn ra sao?

ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói: “Nguồn vốn dự án ĐSCT quá lớn, tới 56 tỷ USD khiến nhiều người bất an”. Ông Thuận nói thêm, GDP năm 2009 mới đạt 90 tỷ USD, chứ không phải 110 tỷ USD như báo cáo thẩm tra, trong khi đó nguồn vốn dự án này chiếm tới 2/3. Và 30 năm nữa con số sẽ không dừng lại ở 56 tỷ USD để làm tuyến đường này.

Không chỉ ĐB Nguyễn Văn Thuận, nhiều đại biểu đều có chung câu hỏi tiền đâu để đầu tư dự án khổng lồ này, trong khi nợ nước ngoài đã rất lớn, nếu gánh thêm dự án ĐSCT nữa, rủi ro rất cao.

“Ta không thể quyết dự án này được để rồi con cháu nai lưng ra trả nợ” - ĐB Nguyễn Văn Thuận nói.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) ví von, dự án này giống như việc hai vợ chồng công chức nghèo, có con nhỏ, tiền ăn còn khó khăn nhưng thấy hàng xóm có ô tô cũng đi vay tiền mua ô tô. Ông cho rằng: “Đây là một tính toán lãng mạn. Chúng ta hy vọng có ĐSCT thì ăn sáng ở TPHCM, ăn trưa ở Đà Nẵng và ăn tối ở Hà Nội. Người ở TPHCM có thể đi làm ở Hà Nội và về trong ngày. Nhưng thử hỏi người dân và cán bộ công chức có mấy ai đủ tiền để đi kiểu đó, trong khi giá vé tàu cao tốc bằng 50% - 70% giá vé máy bay”.

Vì vậy, ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dự án này chỉ nên định hướng tương lai, bây giờ cần cải tạo đường sắt hiện tại.

ĐB Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) nói rằng, việc vừa làm ĐSCT vừa cải thiện đường sắt hiện tại liệu có quá sức không?

Còn ĐB Phạm Minh Toản (Quảng Ngãi) lại cho rằng, không hiểu sao Chính phủ lại trình ra QH dự án này, trong khi lẽ ra phải trình dự án đầu tư đường bộ cao tốc vì cấp bách hơn và có hiệu quả hơn rất nhiều so với ĐSCT.

“Chủ trương tôi đồng tình, nhưng lộ trình cần ưu tiên đường bộ cao tốc trước. ĐSCT nếu làm nên làm sau và phải rút ngắn thời gian làm, không thể kéo dài mấy chục năm”, ĐB Phạm Minh Toản đề nghị.

Nhóm PV


Làm thế nào phải tính kỹ

Chiều 21-5, ngày làm việc thứ hai, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án ĐSCT Hà Nội - TPHCM. Trước một siêu dự án, với những hiệu quả được không ít người cho là lãng mạn, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về dự án này.

  • ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Giá vé cao, liệu sẽ có bao nhiêu người đi đường sắt cao tốc?

Chúng tôi thật sự băn khoăn vì dự án đã trình ra Quốc hội trong khi không nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, các chuyên gia và chính nhiều người trong nội bộ ngành GTVT. Vốn quá lớn, vay thì phải trả, trong khi dư nợ quốc gia hiện nay đã ở mức cao, vay thêm 50 - 60 tỷ USD nữa liệu có an toàn không, hay làm tăng gánh nặng nợ quốc gia?

Về hiệu quả dự án, đành rằng chúng ta coi trọng hiệu quả xã hội, nhưng cũng phải tính toán hiệu quả kinh tế. Ngay cả báo cáo của Chính phủ về hiệu quả xã hội của dự án này cũng chưa rõ. Ví dụ: việc hình thành tuyến đô thị dọc ĐSCT, liệu có khả quan không?

ĐSCT sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ - chưa chắc, vì giá cao như thế, sẽ không có nhiều người đi. Tôi là cán bộ, nhưng chỉ khi đi công tác, được thanh toán tiền mới đi máy bay, còn lại phải đi đường bộ. Với giá cao như thế, liệu có bao nhiêu người sẽ đi?

  • ĐB Võ Hồng Phúc (Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT): Phải nhìn vào tương lai đất nước

Nếu lấy điều kiện và hoàn cảnh hiện nay để áp đặt và tính toán là không hợp lý. Khi tính toán dự án này phải nhìn vào sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Nhật Bản mở đầu làm Shinkasen sau thế chiến thứ hai, thu nhập quốc dân lúc đó kém và vay tiền của WB, đến năm 1995, họ nói mới trả hết nợ của ĐSCT. Họ làm từ năm 1955 đến nay, bây giờ họ vẫn đang làm tiếp, cũng chia từng đoạn để làm, đoạn đầu tiên từ Tokyo sang Osaka, từ đó phát triển dần ra phía Tây, phía Đông Bắc và giờ vẫn đang làm.

Chính phủ trình báo cáo đầu tiên trình Quốc hội để quyết định chủ trương, sau đó mới tính từng dự án một, Chính phủ cũng tính toán làm kỹ, chứ không phải Quốc hội thông qua là ào ạt đồng khởi làm toàn bộ. 56 tỷ USD không hoàn toàn dựa vào nguồn vốn vay nước ngoài để dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.

  • ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng): Cần làm cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc

Phải hiện đại cả đường sắt, đường bộ, hàng không, điều tất yếu phải làm. Nhiều ý kiến lo rằng phá vỡ quy hoạch của địa phương. Tôi cho rằng vì lợi ích quốc gia, các địa phương phải hy sinh. Việc di dời khoảng 9.000 hộ dân là không khó. Cái tôi lo nhất là phương án làm. Chúng ta định làm toàn tuyến hơn 1.500km, nhưng chỉ 300km đi trên mặt đất, còn lại đi hầm và cầu cạn, trong khi địa chất phức tạp, có sự cố thì khắc phục sẽ rất khó, rất lâu.

Theo tôi, cần phải đổi hệ thống đường sắt lạc hậu hiện nay, nhưng làm thế nào phải tính kỹ, không thì con cháu chúng ta sẽ khổ. Tôi đề nghị, đã làm ĐSCT phải làm luôn đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nếu không làm sau này con cháu lại phải dỡ ra làm lại. Cho nên cần cùng lúc giải tỏa để làm cả 2 hệ thống đường cao tốc này. Không thể chỉ làm ĐSCT trước rồi mới làm đường bộ cao tốc sau đó là một sai lầm.

Ph.Thảo ghi

Thông tin liên quan:
55,853 tỷ USD xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM

Tin cùng chuyên mục