Xung quanh việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang: Bán vốn nhà nước sai luật

Từ những thông tin báo chí phản ánh, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang mới đây đã một lần nữa khẳng định: Việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang đã lộ rõ nhiều sai phạm.

Từ những thông tin báo chí phản ánh, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang mới đây đã một lần nữa khẳng định: Việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang đã lộ rõ nhiều sai phạm.

  • Nhiều sai phạm từ cổ phần hóa

Trong các số báo trước, chúng tôi đã thông tin rõ lộ trình của đại gia Hoàng Kiều trong việc sở hữu Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG). Cụ thể, đến ngày 30-10-2009, Hoàng Kiều đã sở hữu 32,53% cổ phần, Hoàng Sammy Hùng (con ruột Hoàng Kiều) có 30% cổ phần và Đào Thị Lan Phương (con dâu Hoàng Kiều) có 34% cổ phần. Các cổ đông khác (do ông Trần Thanh Tiến làm đại diện) có 3,4% cổ phần.

Tuy nhiên, đến ngày 25-11-2009, ông Tiến đề nghị và được Hoàng Kiều đồng ý mua hết số cổ phần còn lại của các cổ đông khác. Như vậy, đến thời điểm 25-11-2009, gia đình Hoàng Kiều đã sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCPDLTG. Chi tiết bán đấu giá lần 2 đối với 147.000 cổ phần (giá khởi điểm 45.100 đồng/cổ phần) vào ngày 3-8-2006 nhưng chỉ có 2 người tham gia đấu giá và kết quả Hoàng Kiều trúng thầu (giá 45.200 đồng, chênh lệch 100 đồng/cổ phần) đã được cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang nhận định là “bất thường, không được khách quan”.

Việc CTCPDLTG tổ chức bán đấu giá công khai 210.000 cổ phần (30% vốn Nhà nước cuối cùng tại CTCPDLTG) vào ngày 10-3-2009 và ông Hoàng Sammy Hùng trúng thầu toàn bộ được cơ quan chức năng tỉnh nhận định: “Việc bán 30% cổ phần cuối cùng của CTCPDLTG (do Công ty SCIC quản lý) cho Hoàng Sammy Hùng là vượt quá 30% vốn điều lệ do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu theo quy định vì trước đó Hoàng Kiều cũng là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 21% vốn điều lệ là vi phạm Thông tư số 73/2003/TT-BTC và Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ”.

Xung quanh việc định giá khi cổ phần hóa và sử dụng đất công,  cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang cũng kết luận rõ có dấu hiệu sai phạm: “Lẽ ra việc định giá khách sạn Sông Tiền phải thực hiện 2 lần nhưng tài sản của khách sạn Sông Tiền vẫn không đưa vào định giá hết, bỏ sót 2 loại tài sản có giá trị. Mặt khác, việc định giá trị tài sản để cổ phần hóa vào thời điểm 31-12-2003 nhưng đến tháng 2-2005 mới bán đấu giá cổ phần lần đầu mà không điều chỉnh giá trị tài sản là thiếu sót.

Sau cổ phần hóa đến nay, CTCPDLTG vẫn tiếp tục được ưu ái sử dụng đất thuê của 15 hợp đồng với tổng diện tích hơn 207.376m² đất và vẫn sử dụng hợp đồng thuê đất với pháp nhân của Công ty Du lịch Tiền Giang ký với Sở Địa chính Tiền Giang”.

  • Lộ diện “trùm” đất

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, hiện gia đình ông tổng giám đốc CTCPDLTG đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị rất lớn ngay tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, căn nhà số 360A Đinh Bộ Lĩnh phường 2 TP Mỹ Tho được xây kiên cố 3 tầng lầu và đến tháng 3-2010, ông Tiến đã làm thủ tục sang tên cho con ruột là Trần Thanh Cường. Thửa đất có diện tích hơn 3.360m² tại khu phố 6, phường 9, TP Mỹ Tho được ông Tiến cất trên 100 căn nhà trọ cho thuê. Thửa đất có diện tích hơn 542m² tại khu phố 9 phường 5, TP Mỹ Tho cũng được ông Tiến sử dụng cất nhà trọ cho thuê.

Riêng con trai ông Tiến là Trần Thanh Phong, hiện đang là sinh viên nhưng đã sở hữu khối bất động sản “khổng lồ”. Cụ thể: Thửa đất có diện tích trên 526m² tại khu phố 10 phường 6; thửa đất hơn 319m² tại số 24 đường Yersin phường 4; thửa đất hơn 2.879m² tại khu phố 9 phường 5; thửa đất gần 624m² tại khu phố 9 phường 5; thửa đất hơn 2.728m² tại khu phố 9 phường 5 đều thuộc TP Mỹ Tho… Dù tài sản do các con trai đứng tên sở hữu nhưng người giao dịch chuyển nhượng với người bán bất động sản qua ngân hàng đều là ông bố - Trần Thanh Tiến!

Những câu hỏi xung quanh khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Tiến cũng được nêu rõ trong báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh: “Ông Tiến và các con đứng tên đăng ký quyền sử dụng đối với 9 loại tài sản nhà, đất trên địa bàn TP Mỹ Tho. Trong đó, có một căn nhà kiên cố và hơn 10.760m² đất, tổng giá trị tài sản trên 20 tỷ đồng. Trong khi gia đình ông Tiến không có hoạt động kinh doanh, các con ông Tiến như Trần Thanh Phong hiện đang là sinh viên. Xét về hoàn cảnh thì khó có khả năng để mua khối tài sản nêu trên bằng nguồn thu nhập chính của gia đình”.

Ngoài 9 hồ sơ nhà đất nêu trên, Công an tỉnh còn phát hiện ông Tiến sở hữu khoản 3 loại nhà, đất khác trên đường Lê Lợi, phường 1 và đường Rạch Gầm phường 1 TP Mỹ Tho.

Phải chăng sự sai phạm và thất thoát từ việc cổ phần hóa CTCPDLTG đã tạo “điều kiện” làm giàu cho ông tổng giám đốc CTCPDLTG và điều đó đã khẳng định: Công sản đang bị rút ruột?

LƯƠNG THIỆN – HỒNG HIỆP

Thông tin liên quan

- Viết tiếp vụ tiêu cực tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang: Phiên đấu giá cổ phần sai luật?

- Đằng sau cuộc thi hoa hậu bất thành ở Tiền Giang: Công ty CPDL Tiền Giang giá bao nhiêu?

- Đằng sau cuộc thi hoa hậu bất thành ở Tiền Giang: Chuyện chưa kể về “ông chủ” mới

- Lộ chuyện rút ruột tài sản công?

Tin cùng chuyên mục