Xử phạt tài xế chưa có bằng FC: Doanh nghiệp vận tải lúng túng

Xử phạt tài xế chưa có bằng FC: Doanh nghiệp vận tải lúng túng

Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ hôm nay 1-7, sẽ áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) các hạng C, D, E để điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc (giấy phép FC).

Trong khi đó, Công văn số 3463/BGTVT-TCCB của Bộ GTVT tiếp tục gia hạn đăng ký học, sát hạch cho các đối tượng chuyển đổi giấy phép lái xe các hạng C, D, E sang loại FC chậm nhất tới ngày 31-12-2010. Do sự “vênh” nhau đó, hiện nay các lái xe và doanh nghiệp (DN) vận tải tỏ ra khá lúng túng.

Không biết xử lý ra sao?

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng hóa (HHVTHH) TPHCM, hiện có gần 70% tài xế đầu kéo trong hiệp hội chưa được chuyển đổi GPLX sang hạng FC. Cụ thể, với 4.000 tài xế điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc trong hiệp hội nhưng chỉ có hơn 1.000 người được chuyển đổi GPLX sang hạng FC. Do đó, để tránh bị xử phạt không còn cách nào khác là các DN đành cho xe nằm bãi.

Ông Lưu Quang Phong, Giám đốc Công ty Vận tải Mỹ Hà, lo lắng: “Thời điểm xử phạt đã đến nhưng hiện nay số lượng tài xế có bằng lái hạng FC chỉ chiếm khoảng 20% (DN có 10 đầu xe nhưng chỉ có 2 tài xế có bằng lái FC), 8 tài xế còn lại là bằng C, D, E đang chờ học và thi sát hạch. Chưa hết, hiện nay theo quy định của Nghị định 34, bắt đầu áp dụng xử phạt đối với tài xế điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc từ ngày 1-7, trong khi đó tại Công văn số 3463/BGTVT-TCCB của Bộ GTVT tiếp tục cho gia hạn học và thi sát hạch đến hết ngày 31-12.

Xử phạt tài xế chưa có bằng FC: Doanh nghiệp vận tải lúng túng ảnh 1

Theo quy định của Nghị định 34, kể từ ngày 1-7, các tài xế điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc không có bằng FC sẽ bị xử phạt nặng. Ảnh: Đình Lý

Như vậy, với số tài xế của DN chúng tôi đã đăng ký học và đang chờ sát hạch để cấp đổi GPLX sang hạng FC theo công văn của Bộ GTVT trong khoảng thời gian từ 1-7 đến 31-12 không biết có bị xử phạt theo Nghị định 34 hay không?”.
 
Còn bà Phạm Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Âu Châu, than vãn: “Năm 2009, khi Bộ GTVT có thông báo về việc bắt buộc các tài xế chưa có bằng FC phải đăng ký học và thi sát hạch để được chuyển đổi bằng, DN chúng tôi đã lập danh sách cho anh em đi học và thi sát hạch. Tuy nhiên, do số lượng học viên đăng ký học chuyển đổi bằng FC ở các trung tâm sát hạch quá đông nên đến nay trong số 45 tài xế của DN chúng tôi đã đăng ký chỉ mới có một nửa được cấp bằng, số còn lại đang chờ thi sát hạch. Với các trường hợp này liệu có bị xử phạt hay không?”.
 
Trước những vướng mắc trên, ngày 14-6, HHVTHH TPHCM đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào từ Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ.
 
Thiệt hại hàng tỷ đồng

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký HHVTHH TPHCM, việc thiếu thống nhất về thời điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc giữa Nghị định 34 và Công văn số 3463/BGTVT-TCCB của Bộ GTVT sẽ khiến hoạt động của một số doanh nghiệp vận tải có nhiều xáo trộn, khả năng cung cấp dịch vụ của các DN bị ảnh hưởng.

“Nếu Bộ GTVT không có hướng giải quyết sớm sẽ kéo theo những ảnh hưởng dây chuyền có thể dẫn đến tình hình rất xấu trong chuỗi lưu thông hàng hóa” - ông Chung nhấn mạnh.
 
Ông H.T. Sơn, một DN vận tải ở Bình Dương cho biết, đơn vị ông có 23 đầu xe, trong đó có 20 xe hoạt động thường xuyên (mỗi tháng 1 tài xế vận chuyển 40 container) nên khối lượng hàng hóa vận chuyển của DN là khoảng 800 container/tháng. Nhưng hiện nay, khi áp dụng xử phạt theo Nghị định 34, số lượng tài xế và đầu xe chuyên hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp là 6 xe (công ty có 21 tài xế nhưng chỉ có 6 tài xế có bằng FC).

Tính ra, khối lượng vận chuyển hàng hóa của DN chỉ còn khoảng 240 container/tháng, giảm 560 container so với trước đây (trung bình mỗi container là 2 triệu đồng). Như vậy, mỗi tháng doanh thu của công ty giảm hơn 1 tỷ đồng.
 
Từ sự việc này một lần nữa cho thấy, việc thiếu thống nhất trong việc ban hành văn bản của các cơ quan chức năng đang gây ra những khó khăn cho người dân và DN. Thiết nghĩ, để đảm bảo hoạt động kinh doanh của các DN và người dân, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nêu trên.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục