Giải pháp ổn định thị trường phát huy tác dụng: CPI TPHCM giảm

Giải pháp ổn định thị trường phát huy tác dụng: CPI TPHCM giảm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7-2010 tại TPHCM giảm 0,09% so với tháng trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các giải pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng. TPHCM sẽ làm gì để giữ chỉ tiêu năm 2010 ở mức 7% như kỳ vọng? PV Báo SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng (ảnh) để làm rõ những nội dung này.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

- PV: Tháng 6 qua, CPI tại TP dẫn đầu cả nước với mức tăng 0,35%. Sang tháng 7, CPI giảm 0,09% (thấp hơn khá nhiều so với TP Hà Nội). Là người trực tiếp theo dõi, điều hành về cung ứng hàng hóa - giá cả, mức giảm này có hợp lý không, thưa bà?

Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: Theo tôi, dù CPI tháng 6 tăng 0,35% nhưng vẫn thấp hơn tháng trước đó (0,48%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009 (0,60%). Cần lưu ý, tháng 6 là tháng cao điểm của mùa thi. Việc các sĩ tử và thân nhân từ khắp nơi đổ về TP đã tạo áp lực nhất định đối với cán cân cung - cầu thị trường về điện, nước, thực phẩm, giao thông vận tải, nhà cho thuê… Sang tháng 7, mùa thi khép lại, cùng lúc TP ráo riết triển khai hàng loạt biện pháp kiềm chế giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nên mức giảm CPI 0,09% là hợp lý, không có gì bất ngờ.

- Bà có nghĩ rằng CPI giảm là do TP công bố việc chốt giá đối với 8 nhóm hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn năm 2010, hay do sức mua trên thị trường đang rơi vào giai đoạn thấp điểm?

Ngày 18-6-2010, TP đã công bố và chốt giá bán đối với 8 nhóm hàng (gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả), ổn định giá bán đến hết năm 2010. Với chương trình bình ổn giá hàng Tết Tân Mão, giá 8 nhóm hàng trên cũng sẽ ổn định đến hết tháng 3-2011. Theo tính toán, tùy từng thời điểm, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm 20%-35% thị phần. Giá bán sẽ thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Làm được việc này, TP sẽ chủ động cung ứng cho thị trường một lượng hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp. Qua đó, TP sẽ loại trừ dần yếu tố đầu cơ hàng hóa để làm giá.

Về sức mua, theo Cục Thống kê TP, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng 7 ước đạt 30.123 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 28,6% so với tháng 7-2009. Nói như vậy để thấy, việc CPI tháng 7 giảm nhẹ là yếu tố tích cực, là dấu hiệu cung cầu thị trường tương đối ổn định, chứ không phải do sức mua trên thị trường giảm. CPI giảm nhờ công cụ điều tiết thị trường đã phát huy tác dụng.

Nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm giá tại Co.opMart trong chương trình bình ổn giá. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm giá tại Co.opMart trong chương trình bình ổn giá. Ảnh: ĐỨC TRÍ

- Từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 4,78%, nếu so tháng 7-2009 mức tăng đã lên tới 8,71%. Đến cuối năm, liệu TPHCM có giữ được CPI ở mức 1 con số như kỳ vọng?

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực - thực phẩm, nhà ở và vật liệu giảm, chính những nỗ lực của TP trong việc kiềm chế giá đã góp phần làm CPI tại TP giảm. Ở tầm vĩ mô, tôi cho rằng các chính sách tăng cường điều tiết và kiểm soát giá cả thị trường đã phát huy tác dụng.

Theo dõi CPI tại TP qua các tháng, tôi nhận thấy các chỉ số này đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, chúng ta chưa vội mừng vì kinh tế thế giới hậu khủng hoảng vẫn diễn biến khá phức tạp. Trong bối cảnh sản xuất trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nên chúng ta rất khó dự báo. Mặt khác, vào giữa năm, CPI cũng ít khi nào rơi vào tình trạng tăng nóng mà thường “để dành” đến cuối năm. Do vậy, để kiềm giữ CPI, song song với những chương trình nêu trên, TP cũng đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khác.

- Đó là những biện pháp nào, thưa bà?

Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trong tình hình hiện nay, Nhà nước phải là “người dẫn đường” để cùng DN thực hiện bình ổn giá. Để làm được, TP vừa dùng biện pháp giám sát, vừa làm việc trực tiếp với các DN, thông qua các công cụ nhằm đảm bảo, chia sẻ quyền lợi giữa 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Việc TP hỗ trợ gần 400 tỷ đồng, thông qua chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cũng là một biện pháp thiết thực.

Bên cạnh đó là việc xây dựng và triển khai hàng loạt đề án khác như Đề án Chiến lược phát triển chăn nuôi TPHCM tạo nguồn hàng bình ổn giá giai đoạn 2008 - 2010, định hướng 2015; Đề án Phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ nhằm xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp trên địa bàn; chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” giúp các DN sản xuất có cơ hội phát triển, tiếp cận người tiêu dùng; triển khai chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa; phát triển chương trình thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa các loại hình kinh doanh cho DN… Việc triển khai các đề án trên không chỉ góp phần vào việc tạo ra nguồn hàng mà còn hỗ trợ các DN có điều kiện lớn mạnh.

Nếu lãnh đạo TPHCM quyết tâm và kiên trì thực hiện với sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các DN, tôi tin rằng CPI cả năm sẽ dừng ở mức 7%, góp phần đảm bảo chỉ tiêu GDP đạt 11% trong năm 2010.

Thúy Hải thực hiện

Tin cùng chuyên mục