Đối thoại với ngành thuế: Mỗi chi cục “hành” một kiểu

Sáng 28-7, tại hội nghị đối thoại giữa Cục Thuế TPHCM với người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều người đã “tố” với lãnh đạo Cục Thuế về việc các phòng ban, chi cục “hành” mình. Mỗi chi cục yêu cầu nộp hồ sơ một kiểu, có nơi tự “sáng tác” thủ tục mới khiến DN phải “đấu tranh” mãi mới “đòi” được cơ quan thuế thực hiện đúng!
Đối thoại với ngành thuế: Mỗi chi cục “hành” một kiểu

Sáng 28-7, tại hội nghị đối thoại giữa Cục Thuế TPHCM với người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều người đã “tố” với lãnh đạo Cục Thuế về việc các phòng ban, chi cục “hành” mình. Mỗi chi cục yêu cầu nộp hồ sơ một kiểu, có nơi tự “sáng tác” thủ tục mới khiến DN phải “đấu tranh” mãi mới “đòi” được cơ quan thuế thực hiện đúng!

“Sao không đọc văn bản cho dân đỡ khổ!”

 “Chúng tôi nộp hồ sơ quyết toán thuế nhưng cán bộ Phòng Kiểm tra 1 cứ kỳ kèo, không chịu quyết toán phần tiền ăn gồm bột ngọt, đường, dầu ăn… mà DN đã hỗ trợ bữa cơm cho công nhân. Chúng tôi phải đấu tranh mãi, cuối cùng cán bộ đồng ý phần tiền chi mua dầu ăn, đường, nhưng phần tiền mua bột ngọt không được quyết toán và buộc phải sử dụng tại chỗ mới quyết toán…” - phản ánh của một DN khiến cả hội trường ngỡ ngàng.

“Xin chị vui lòng cho biết tên đơn vị để chúng tôi kiểm tra” - ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đề nghị. Nhưng DN này đã xin giấu tên vì lý do “tế nhị” là… hồ sơ hoàn thuế còn nằm ở Phòng Kiểm tra 1 (!). Ông Dương nói luôn, trả lời của Phòng Kiểm tra 1 như thế là không đúng, chúng tôi sẽ kiểm tra lại.

Người nộp thuế đang đặt câu hỏi với nhân viên Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Người nộp thuế đang đặt câu hỏi với nhân viên Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một nữ đại diện DN khác kể: Tôi chuyển chỗ làm từ quận 10 sang huyện Bình Chánh nên cuối năm phải làm hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại Chi cục Thuế Bình Chánh. Cán bộ nơi đây yêu cầu tôi nộp lại hồ sơ giảm trừ gia cảnh và tôi xuất trình bản photocopy (vì trước đây đã nộp bản gốc ở quận 10) nhưng cán bộ thuế không chịu, hướng dẫn tôi về quê ở Quảng Ngãi để làm lại hồ sơ.

Tôi gặp Phó Chi cục trưởng để phản ánh việc bất hợp lý này, tưởng sao, nói lòng vòng, cuối cùng vị lãnh đạo này cũng yêu cầu tôi về quê làm lại hồ sơ. Tôi phản ứng thì vị lãnh đạo này buông một câu “Tôi mệt mỏi khi phải gặp những người như cô!”, trong khi đó lúc vào vị cán bộ này chỉ ngồi… đọc báo! Buổi chiều mà cán bộ còn ngồi đọc báo, sao không đọc văn bản cho dân đỡ khổ?!” - chị này bức xúc nói.

Ông Lê Xuân Dương nhận lỗi thay cán bộ dưới quyền và cho biết: Đúng ra cán bộ thuế chỉ cần yêu cầu người dân về Chi cục Thuế quận 10 xác nhận đã nhận bản chính vào bản photocopy là xong, chứ đâu cần phải phiền phức như vậy. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu để các chi cục có thể kiểm tra trên mạng chứ không buộc người dân nộp lại hồ sơ như hiện nay.

Một DN mô tả cụ thể những kiểu “hành” dân: Chi cục Thuế quận 11 “sáng chế” thêm một tờ cam kết buộc người dân phải xác nhận là chỉ có thu nhập tại một nơi. Khi người dân phản ứng rằng chẳng có quy định nào về loại giấy tờ này thì được cán bộ mở văn bản ra và nói “tờ cam kết này nằm trong dấu ba chấm (…) của quy định!”.

Câu chuyện thật như đùa này khiến cả hội trường thêm bức xúc. Trong khi đó, quận 3, quận 5 buộc người dân phải nộp thêm nhiều loại giấy tờ khác ngoài quy định và mỗi nơi đòi một kiểu. Ở Chi cục Thuế quận 1, quận Bình Tân, khi người dân chứng minh nơi cư trú (tức là nơi sinh sống) bằng bản xác nhận của công an thì cán bộ thuế từ chối và buộc phải nộp hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú (KT3) và phải sao y chứng thực những giấy tờ này.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, thừa nhận, việc hiểu “nơi cư trú” hiện nay chưa thống nhất, do vậy Cục Thuế TP sẽ gởi ngay văn bản hướng dẫn thống nhất đến các chi cục là những giấy tờ hộ khẩu, KT3 và giấy xác nhận nơi cư trú có dấu của công an đều được chấp nhận. Những giấy tờ này không cần phải nộp bản sao có chứng thực, mà chỉ cần mang bản chính để cán bộ thuế tự đối chiếu. Cục Thuế TP cũng sẽ gởi văn bản yêu cầu các đơn vị không được buộc dân phải nộp bất cứ giấy tờ gì ngoài quy định.

Khổ vì... cái hóa đơn!

Một DN phản ánh, khi bán hóa đơn, Chi cục Thuế quận Bình Tân buộc DN phải cầm cuốn hóa đơn cũ đến kiểm tra, trong khi chẳng có văn bản nào quy định như vậy. Bà Trần Thị Lệ Nga thừa nhận, việc làm này là sai nên Cục Thuế TP sẽ chấn chỉnh ngay. 

Làm hồ sơ thuế tại một chi cục thuế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Làm hồ sơ thuế tại một chi cục thuế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một DN khác phản ánh, hiện nay các đơn vị thu phí nhà thầu đều không xuất hóa đơn, nếu cơ quan thuế buộc phải có hóa đơn để chứng minh khoản chi này thì không thể làm được. Lãnh đạo Cục Thuế TP trả lời, nếu đơn vị nào thu phí nhà thầu mà không xuất hóa đơn thì đó là hành vi trốn thuế, chỉ cần báo với cơ quan thuế là cơ quan thuế sẽ xử lý.

Một DN khác phản ánh, hiện rất nhiều nhà hàng không xuất hóa đơn, khi người dân yêu cầu xuất hóa đơn thì bị yêu cầu trả thêm 10% thuế giá trị gia tăng. Điều này có nghĩa là DN bán hàng trốn thuế, như vậy là không công bằng. Ông Lê Xuân Dương cho biết, Cục Thuế TP đang trình UBND TP chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế cùng đi kiểm tra xử lý triệt để các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn ở các nhà hàng, khách sạn, trung tâm điện máy…

HÀN NI

Nghị định số 51/2009/NĐ-CP quy định từ đầu năm 2011, các DN có trách nhiệm tự in hóa đơn (chứ không được mua như trước đây). Điều này khiến nhiều DN nhỏ lo lắng, khi mỗi năm chỉ xài vài cuốn hóa đơn, giờ phải tự in sẽ phát sinh nhiều chuyện phiền phức. Các DN lo ngại, nếu bị đơn vị khác làm giả hóa đơn, ai sẽ bảo vệ họ? Nếu trên hóa đơn có mật mã mà buộc DN phải tự quản lý mật mã, lại càng khó. Lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết, khi DN xuất hóa đơn thì phải đóng con dấu đỏ lên hóa đơn, con dấu sẽ chứng minh hóa đơn đó là của DN phát hành. Dù được giải thích, nhưng rất nhiều DN vẫn còn băn khoăn về việc thực thi quy định này.

Tin cùng chuyên mục