Tái cấu trúc kinh tế TPHCM

Phát triển đúng hướng
Tái cấu trúc kinh tế TPHCM

Bài 1: Định hướng đúng, kiên trì cách làm

Tái cấu trúc kinh tế là đòi hỏi cấp bách của TPHCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây là việc phải làm để TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và thực sự là thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không hề đơn giản.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất kỹ thuật cao là ưu tiên của TPHCM. Ảnh: Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso. Ảnh: CAO THĂNG

Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất kỹ thuật cao là ưu tiên của TPHCM. Ảnh: Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso. Ảnh: CAO THĂNG

Phát triển đúng hướng

Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng nâng cao tỷ trọng những nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong cơ cấu sản phẩm đã được TPHCM triển khai thực hiện từ 10 năm qua (2001 - 2010). Trong giai đoạn 2006 - 2010, TPHCM tiếp tục định hướng 4 nhóm ngành công nghiệp (gồm cơ khí; điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và 9 nhóm ngành dịch vụï (gồm tài chính - ngân hàng - tín dụng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, dịch vụ cảng - kho bãi; bưu chính - viễn thông; công nghệ thông tin; kinh doanh tài sản, bất động sản; tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo)ï để thúc đẩy tốc độ phát triển tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân của các nhóm hàng hóa khác.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, những năm qua, cơ cấu kinh tế trên địa bàn TPHCM đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng. Cơ cấu kinh tế chia theo thành phần kinh tế cũng chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng thành phần kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài; giảm dần tỷ trọng thành phần kinh tế nhà nước. Bình quân giai đoạn 2001 - 2009, GDP trên địa bàn TPHCM có tốc độ tăng khá cao (11,01%/năm), cao hơn so với cả nước (7,31%/năm, tính theo giá so sánh 1994). Chương trình đã thực hiện di dời, tái bố trí 1.261 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (đạt 89,94% kế hoạch) ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận, đồng thời hoàn thành quy hoạch tổng thể tài nguyên nước TP đến năm 2015.

Trong 4 nhóm ngành công nghiệp, tỷ trọng đã nâng lên từ 45% lên gần 60% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp toàn TP. Bất chấp suy giảm kinh tế giai đoạn 2008 - 2009, dịch vụ thương mại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của TPHCM với 54,8% năm 2009, năm 2010 tiếp tục tăng lên 55,2%. Điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp tiếp tục theo đúng định hướng gồm dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Cần tạo bước đột phá

Vinamilk đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại tạo sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: CAO THĂNG

Vinamilk đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại tạo sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh những mặt tích cực, sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế diễn ra chậm, tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao còn thấp, hiệu quả đầu tư thấp biểu hiện qua chỉ số ICOR cao. Mặt khác, các thành phần kinh tế phát triển chưa đồng bộ, khả năng cạnh tranh của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn yếu. Điều này chứng tỏ nền kinh tế TP vẫn phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát triển mạnh theo chiều sâu, chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Biểu hiện rõ nhất là GDP của các ngành dịch vụ cao cấp trong những năm qua vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trừ ngành tài chính và tín dụng đã tăng nhanh tỷ trọng (từ 3,18% năm 2000 lên 12,01% năm 2009), những ngành khác đều tăng chậm, thậm chí giảm tỷ trọng. Điển hình là ngành khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm từ 0,31% năm 2000 xuống còn 0,23% năm 2009; ngành kinh doanh tài sản và tư vấn giảm từ 8,66% năm 2000 còn 5,95% năm 2009.

Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (may mặc, da giày) chiếm tỷ trọng cao; sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Điển hình là ngành may mặc mới chỉ chiếm tỷ trọng 7,13% (năm 2009) tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao (điện tử, công nghệ thông tin) chiếm tỷ trọng thấp, như ngành sản xuất radio, tivi, thiết bị truyền thông chỉ chiếm 4,07% (năm 2009).

Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các DN. Một hạn chế khác là trình độ công nghệ của hầu hết các DN trong nước đạt mức trung bình, công tác đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao còn chậm, dẫn đến năng suất lao động của các ngành công nghiệp thấp.

Nói như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 10 năm qua TPHCM đã thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu để tạo giá trị gia tăng cao, nhưng thực chất các ngành công nghiệp vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Công nghiệp điện tử, viễn thông chưa thực sự phát triển. Tỷ trọng các DN sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, các máy công cụ chuyên dùng, các loại trang thiết bị điện tử sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các DN chưa thực sự được đầu tư đúng mức. Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may đã có chuyển dịch dần ra các tỉnh nhưng vẫn chưa phát triển theo chiều sâu, như khâu thiết kế tạo mẫu, xây dựng thương hiệu thời trang.

Theo TS Trần Du Lịch, có 3 lý do khiến chương trình chuyển dịch kinh tế của TPHCM bị chậm.

Thứ nhất,
để kinh tế chuyển dịch phải tùy thuộc rất lớn vào sách kinh tế vĩ mô như thuế, tín dụng, ngoại hối. Chính sách điều chỉnh sẽ tác động và thúc đẩy đến DN. Nói cách khác, nhà nước tác động thông qua chính sách; chính sách tác động đến thị trường và thị trường tác động đến DN. Doanh nghiệp luôn đi theo hướng là mang lại lợi nhuận cao nhất. Trên thực tế chính sách kinh tế vĩ mô chưa hiệu quả.

Hai, về chủ quan chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, nó tùy thuộc vào quy hoạch phát triển đô thị. Nếu làm tốt hạ tầng, kết cấu giao thông tốt thì hệ thống cảng sẽ phát triển nhanh, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế. Chúng ta định hướng đầu tư triển khai khu nông nghiệp kỹ thuật cao, khu công nghệ cao nhưng tiến độ thực hiện chậm, chủ yếu là do hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ.

Ba, nguồn nhân lực, TP đang hướng đến các ngành kỹ thuật cao nhưng nguồn nhân lực kỹ thuật cao lại bị thiếu và yếu. Sự kết hợp giữa TP với các đơn vị đào tạo để tạo nguồn lao động phù hợp chưa tốt. Cả 3 nguyên nhân này đã kéo lùi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP trong giai đoạn qua.

Thúy Hải


Bài 2: Chính sách đòn bẩy và tự thân vận động

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định 6 chương trình đột phá để kinh tế thành phố tăng trưởng theo chiều sâu. Một trong 6 chương trình đó là hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong chương trình mang tính tổng hợp, do vậy để thực hiện hiệu quả phải có lực đẩy từ chính sách vĩ mô.

Sản xuất các sản phẩm điện tử chất lượng cao đang được ưu tiên tại TPHCM. Ảnh: Sản xuất tivi LCD nhãn hiệu VTB. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất các sản phẩm điện tử chất lượng cao đang được ưu tiên tại TPHCM. Ảnh: Sản xuất tivi LCD nhãn hiệu VTB. Ảnh: CAO THĂNG

Hướng đến trung tâm dịch vụ của cả nước

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011-2015, TPHCM xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng làm động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học và công nghệ có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhân lực chất lượng cao và hướng tới phát triển kinh tế tri thức. Cơ cấu kinh tế phải hướng vào các điều kiện tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển sau này khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa theo hướng hiện đại để xây dựng TPHCM trở thành TP xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại về kết cấu hạ tầng, công nghệ, nhân lực, tri thức.

Đối với cơ cấu ngành, tiếp tục thực hiện chuyển dịch theo hướng ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ để TPHCM trở thành trung tâm về dịch vụ - thương mại - tài chính lớn của cả nước và của khu vực. Tiếp tục tập trung vào 9 ngành dịch vụ đã được xác định từ Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII (gồm tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo).
 
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp (gồm điện tử và công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; hóa, dược, nhựa cao su; chế biến tinh lương thực và thực phẩm) có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, đồng thời lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, hiện đại, bền vững gắn với du lịch sinh thái.
 
Với chương trình này, TPHCM kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 12%/năm. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng bình quân 13%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 11%/năm; nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015, dịch vụ chiếm 57%; công nghiệp và xây dựng 42%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 1%.

Cần lực đẩy từ chính sách

Có thể thấy, mục đích cuối cùng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là TPHCM sẽ hướng đến một trung tâm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao của cả nước và khu vực trong tương lai. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu TPHCM thực hiện thành công cơ cấu kinh tế chuyển sang khu vực dịch vụ thì ngoài vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước trong những năm bình thường, kinh tế TP còn đóng vai trò là vùng đệm cho tăng trưởng trong giai đoạn bất ổn, khủng hoảng. Vì các ngành dịch vụ là những ngành trụ vững trước tác động của bất ổn vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế thế giới.

Vấn đề đặt ra là bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chuyển đổi mô hình kinh tế hay tái cấu trúc phải đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nền kinh tế. Đối với Trung ương, đó là nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp (DN) nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đối với TP, đó là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị và môi trường.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng cho rằng: “Để đột phá thể chế mà lấy địa phương ra để đổi mới như thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước là không thể. Muốn đổi mới phải có những chính sách từ bên trên, dưới làm. Với các chính sách vĩ mô ban hành, nếu địa phương nào có điều kiện phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển. Nói cách khác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình tổng hợp nên rất cần lực đẩy từ chính sách vĩ mô, tự thân mỗi địa phương không thể làm được. TPHCM không thể cải cách được, nếu không thể thay đổi từ Trung ương”.
 
Liên quan đến 9 lĩnh vực dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong chương trình chuyển đổi, Th.S Cao Minh Nghĩa, Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng bên cạnh việc chọn ngành theo thứ tự ưu tiên đã có, TPHCM cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư đồng thời mở rộng quyền cho các DN, hướng tới rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực DN để tạo sân chơi bình đẳng hơn. Phải tập trung và đầu tư quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ mới có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận TPHCM hoàn toàn có thể là một trung tâm logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối…) kết nối các vùng xung quanh. Muốn vậy, phải giải cho được các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Theo TS Trần Du Lịch, trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM có 2 vấn đề cần phải làm, đó là nâng cao chất lượng tăng trưởng và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Chỉ khi nào TP hoàn chỉnh được kết cấu hạ tầng mới có thể tạo đường băng để kinh tế TP cất cánh. Để thực hiện được, TPHCM một mặt phải triển khai mạnh phần việc trong thẩm quyền của mình và phải tiếp tục kiến nghị với trung ương về các chính sách tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ phát triển.

THÚY HẢI


 Bài 3: Phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ mũi nhọn

Với hạ tầng cơ sở tốt, TPHCM có đủ tiềm năng trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực cũng như ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Cầu nối phát triển kinh tế

Tính đến nay, hệ thống ngân hàng nước ta có 6 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, 39 ngân hàng thương mại cổ phần, 50 ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 17 công ty tài chính và 13 công ty cho thuê tài chính… Có thể thấy, hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Được ví như huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM trong những năm qua luôn góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Năm 2010, dù nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, nhưng hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển theo kế hoạch.

Giải quyết được bài toán lãi suất mới có thể giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Ảnh: Cao Thăng

Giải quyết được bài toán lãi suất mới có thể giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Ảnh: Cao Thăng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, năm 2010 huy động vốn của các NHTM trên địa bàn tăng 27%, dư nợ tín dụng tăng 25% so với năm 2009. Những năm qua, hệ thống NHTM tại TPHCM vẫn đảm bảo thực hiện tốt vai trò của định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế cũng như định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp và đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, doanh nghiệp - trong đó, cho vay sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng. Các NHTM ở TPHCM cũng đi đầu trong việc phát triển dịch vụ thanh toán đa dạng thay thế thanh toán không dùng tiền mặt. TPHCM đã hoàn thành cơ bản việc thực hiện chi trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn (Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ). Các NHTM ở TPHCM ngày càng đẩy mạnh đầu tư công nghệ có điều kiện tiếp cận sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, do áp lực lợi nhuận từ cổ đông và cạnh tranh khốc liệt, các NHTM chưa phát triển mạnh về tăng thu từ giá trị dịch vụ. Với mục tiêu đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính ngân hàng của cả nước và hướng tới khu vực, hệ thống NHTM ở TPHCM vẫn còn gặp thách thức về nhân lực - còn thiếu và chưa đạt chuẩn.

Có thể thấy trong suốt quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước, hệ thống NHTM luôn đóng vai trò quan trọng. Mọi sự tác động từ kinh tế thế giới, mọi dấu hiệu của khủng hoảng, lạm phát… đều có thể nhìn thấy qua hệ thống NHTM. Dĩ nhiên, thông qua hệ thống NHTM này, chúng ta có thể có những tác động tích cực ngược trở lại nhằm điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, để tiếp tục duy trì sự phát triển lành mạnh trong thời gian tới, hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò chỉ đạo và điều tiết sát sao và hợp lý hơn của NHNN đối với hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM.

Đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza), cho biết, TPHCM đang đẩy mạnh thu hút đầu tư thông qua việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng tốt các công trình công cộng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2011, Hepza quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các KCN-KCX, bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Tính đến nay, Hepza có hơn 1.200 dự án đầu tư, trong đó 725 dự án có vốn đầu tư trong nước và 480 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dù số doanh nghiệp FDI ít, nhưng lại sử dụng đến 70% lượng lao động trong tổng số hơn 255.000 người đang làm việc tại Hepza. Có tín hiệu đáng mừng trong việc tuyển dụng lao động năm 2010 khi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng, đạt gần 70% ở các ngành điện - điện tử, 26% ở ngành cơ khí… Khi việc thu hút đầu tư tại một số KCN-KCX được hoàn thành, bài toán mang lại hiệu quả kinh tế trên từng mét vuông đất được đặt ra. Những dự án “xí đất” nhưng không đầu tư đúng hạn, sẽ bị thu hồi. Trong năm qua, Hepza đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hơn 30 dự án, thu hồi 83.000m² đất để chuyển giao cho dự án khác nhằm sử dụng triệt để nguồn quỹ đất.

Ngoài việc xem xét ưu tiên ngành nghề sản xuất sạch - công nghệ cao, Ban Quản lý Hepza còn tính toán cả kim ngạch xuất khẩu, cân - đo - đong - đếm lợi nhuận của từng doanh nghiệp để quyết định ưu tiên cho đơn vị nào mở rộng quy mô.

Đầu năm 2011 đến nay, đã có 2 dự án lớn, công nghệ cao đầu tư vào Hepza. Trong đó, dự án pin quang điện công nghệ màng mỏng (pin năng lượng mặt trời) của Tập đoàn Công nghệ năng lượng mặt trời First Solar (Mỹ), đặt nhà máy tại KCN Đông Nam, có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Dự án thứ 2 là cảng nông sản hỗn hợp tại Hiệp Phước với vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án này hơn 1,7 tỷ USD, vượt chỉ tiêu mà Hepza đề ra cho năm 2011 là 1,4 tỷ USD.

Như vậy, hiệu quả ban đầu của việc chuyển dịch đầu tư ở các KCN-KCX cho thấy bước đi đúng đắn của TPHCM trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hàn Ni - Trần Khanh

Tin cùng chuyên mục