Phản hồi loạt bài về 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX

Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM - Phát triển mối liên kết chặt chẽ các ngành, các tỉnh

LTS:
Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM - Phát triển mối liên kết chặt chẽ các ngành, các tỉnh

LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 (gồm cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; giảm ùn tắc giao thông). Từ nội dung này, Báo SGGP đã đăng loạt bài về 6 chương trình trên của thành phố (từ ngày 30-5 đến 4-6-2011), sau đó nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các sở, ban ngành, chuyên viên và người dân. Số báo hôm nay xin giới thiệu bài viết của ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, về chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM.

Trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố chọn 4 ngành công nghiệp trọng điểm là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa - dược - cao su và chế biến lương thực, thực phẩm.

Nhiều năm qua, một số đơn vị, trong đó có Vissan, đã thành công trong việc khép kín mô hình giữa nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, nói cụ thể hơn đó là khép kín từ đầu vào với gia súc, gia cầm, rau quả của bà con nông dân ở ngoại thành, các tỉnh với chế biến tinh sâu của nhà máy và nỗ lực xây dựng nhiều siêu thị mini, cửa hàng, đại lý bán thực phẩm của Vissan trên thị trường TPHCM và cả nước.

Các doanh nghiệp tại TPHCM đang đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Các doanh nghiệp tại TPHCM đang đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Như vậy, muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có thể tùy từng ngành, từng lĩnh vực hay từng doanh nghiệp cụ thể nhưng tốt nhất phải có liên kết và khép kín từ đầu vào tới đầu ra. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không đơn thuần chỉ đầu tư máy móc thiết bị kỹ thuật cao, hoặc chỉ chú ý tới sản xuất mà chưa chú trọng tới đầu vào của nguyên vật liệu, đầu ra của thị trường tiêu thụ và uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Thế mạnh của thành phố không phải sản xuất nông nghiệp. Do vậy, các vùng nông nghiệp ở ngoại thành TPHCM nên đi theo hướng nông nghiệp đô thị, như hình thành đầu tàu, trung tâm về cây con giống, nông nghiệp kỹ thuật cao để từ đó hỗ trợ cho nông nghiệp các tỉnh. Sau đó tới lượt mình, các tỉnh cung cấp nguyên liệu trở lại cho thành phố.

TPHCM nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có mối liên kết hợp tác, đầu tư ở các tỉnh, chẳng hạn trong công nghiệp chế biến thực phẩm, có thể chính quyền thành phố hợp tác với chính quyền các tỉnh thông qua cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật, cơ quan thú y để đảm bảo gia súc gia cầm ở tỉnh đưa về thành phố giết mổ, chế biến không mang mầm mống dịch bệnh. Sự hợp tác này chính là “phòng vệ” từ xa cho thị trường TPHCM. Mối liên kết này càng phát huy hiệu quả khi xảy ra các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm.

Bản thân từng doanh nghiệp, dù mạnh về tài chính tới đâu cũng khó tự mình xây dựng hoàn toàn riêng biệt một hệ thống phân phối mà phải hợp tác, liên kết các doanh nghiệp khác. Vissan có siêu thị mini, có cửa hàng, có đại lý của riêng mình nhưng muốn sản phẩm tới được số đông người tiêu dùng thực phẩm trong nước phải liên kết với các doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay thường chú trọng nhiều tới đầu tư, tới sản xuất nhưng chưa chú ý tới xây dựng thương hiệu. Do vậy, thành phố nên quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Một Satra mạnh, một Vissan mạnh và nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác cùng mạnh thì lúc đó mới thực sự chiếm lĩnh thị trường nội địa, có điều kiện xuất khẩu, vươn ra biển lớn bằng sản phẩm chế biến tinh sâu, có thương hiệu chứ không phải xuất thô.

Các vấn đề nói trên của ngành công nghiệp thực phẩm có liên quan mật thiết với nhau mà nếu thiếu một mối liên kết nào đó thì sự phát triển của doanh nghiệp không bền vững. Do vậy, chính quyền thành phố khi ban hành các chính sách, biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên quan tâm, xem xét nhiều hơn tới từng mối liên kết.

TPHCM đề ra 6 chương trình đột phá, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn năm 2011 – 2015. Riêng phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có thể thành phố nên đề ra mục tiêu cho chương trình này kéo dài 10 năm hoặc hơn nữa, bởi để doanh nghiệp xây dựng được các mối liên kết, đầu tư cho sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững trên thương trường cần phải có thời gian đủ dài.

Văn Đức Mười

Tin cùng chuyên mục