Báo động bùng phát gas giả - Bài 1: Gas giả tràn lan

Làm giả quy mô lớn
Báo động bùng phát gas giả - Bài 1: Gas giả tràn lan

Gas giả đang bùng phát tại các địa bàn lân cận TPHCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… với quy mô lớn. Sau đó, một số lượng gas giả được vận chuyển về TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác để tiêu thụ. Những loại gas giả này không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Chất lượng bình gas ảnh hưởng tới sự an toàn của người tiêu dùng. Ảnh: CAO MINH

Chất lượng bình gas ảnh hưởng tới sự an toàn của người tiêu dùng. Ảnh: CAO MINH

Làm giả quy mô lớn

Vụ nổ bình gas vừa xảy ra tại đại lý gas, bếp gas Anh Khôi (998 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) khiến 3 người bị thương và căn nhà 3 tầng rạn nứt đã dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng gas cũng như công tác kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng.

Trên thực tế, sau thời gian đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát gắt gao và siết chặt các điều kiện đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sang chiết và đại lý bán lẻ gas, đã có lúc tại TPHCM, nạn gas dỏm có phần trầm xuống. Tuy vậy, cơn sóng ngầm của gas dỏm vẫn âm thầm khi các đầu nậu dạt về những địa phương gần TPHCM, sau đó vận chuyển trở lại tiêu thụ. Gần đây, hầu hết các vụ sản xuất, kinh doanh hoặc vận chuyển gas dỏm với quy mô lớn và tinh vi đều bị lực lượng chức năng các địa phương phát hiện.

Mới đây Tổ kiểm tra liên ngành xăng dầu và khí hóa lỏng thuộc Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương ập vào khu tập kết gas giả quy mô lớn tại số 6/6 đường ĐT 743, KP. Đông Tân, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bắt giữ 2 chiếc xe tải chứa khoảng 100 bình gas. Đồng thời phát hiện một kho chứa bình gas đã được sang chiết đang chuẩn bị dán nhãn mác của các thương hiệu gas nổi tiếng. Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương đã tạm giữ trên 600 bình gas giả loại 12kg, 45kg và thu giữ hơn 4kg nhãn mác gas các loại, tem chống giả để điều tra làm rõ vụ việc.

Bình gas bày bán tại TPHCM đa dạng thương hiệu, chất lượng. Ảnh: CAO MINH

Bình gas bày bán tại TPHCM đa dạng thương hiệu, chất lượng. Ảnh: CAO MINH

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra DNTN Văn Bồng, phát hiện 17 trụ bơm gas, 5 bồn chứa gas, một xưởng sửa chữa vỏ bình gas. Cơ quan chức năng còn phát hiện các công nhân đang sang chiết 2 loại gas nguyên liệu vào bình loại 12kg, 45kg và chụp niêm màng co của nhiều hãng gas nổi tiếng; thu giữ 28 loại niêm màng co, tem chống giả của các hãng gas; tạm giữ 300 bình gas loại 12kg đã được chụp niêm màng co của nhiều hãng gas, gần 10.000 vỏ bình gas của 28 hãng gas, 4 bao tải niêm màng co, tem chống giả các hãng gas.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường cơ động và Đoàn kiểm tra liên ngành 127 tỉnh Long An cũng phát hiện số lượng lớn với trên 4.500 vỏ bình LPG loại 12kg của các công ty kinh doanh gas khác trong kho Công ty cổ phần SX-DV-TM-XD Thành Tài - Long An. Đáng chú ý, công ty này đang sản xuất vỏ bình LPG mang nhãn hiệu TTAGAS nhưng số vỏ bình bị thu giữ lại của công ty khác và không xuất trình được giấy tờ, hợp đồng cung cấp vỏ bình.

Trong hầu hết các vụ việc, khi bị bắt, các đầu nậu đều khai nhận đã mua gas của nhiều công ty, sau đó mang về chứa vào bồn lớn rồi đi thu mua vỏ bình gas của các hãng mang về xưởng sơn sửa, in nhãn mác, nạp gas, chụp niêm màng co của nhiều hãng, đem đi tiêu thụ.

Những chiếc bình gas của các hãng uy tín được Công ty Điện Quang thu gom “chế” lại thành của mình. Ảnh: PHÚC HẬU

Những chiếc bình gas của các hãng uy tín được Công ty Điện Quang thu gom “chế” lại thành của mình. Ảnh: PHÚC HẬU

Lợi nhuận béo bở

Theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công thương TPHCM, các đối tượng sản xuất gas dỏm hiện tập trung về các địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Bởi các địa phương này chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất kinh doanh gas. Đáng lưu ý, đầu tư tại các địa phương này, ngoài chi phí mặt bằng thuê nhà xưởng với giá thấp, lại ít bị kiểm soát nên các đối tượng dễ dàng sản xuất gas dỏm thu lời lớn. Trong khi đó, theo tính toán của giới sản xuất kinh doanh gas, đối với mỗi bình gas sang chiết dỏm loại 12kg, các đối tượng làm gas dỏm sẽ hưởng không dưới 50.000 đồng nhờ ăn bớt trọng lượng cũng như sử dụng gas không bảo đảm chất lượng. Cách phổ biến nhất là giảm lượng gas bơm vào bình 1kg - 2kg, thậm chí đến 3kg. Nhằm đối phó với việc người tiêu dùng cân lại, những người sang chiết gas dỏm thường bơm thêm vài lít nước vào bình trước khi nạp gas hoặc không súc bình trước khi nạp lại gas. Ngoài ra, những đối tượng này còn sửa trọng lượng in trên vỏ bình từ 13,5kg thành 12kg để gian lận 1,5kg gas, tương đương hơn 20.000 đồng.

Chiêu làm gas dỏm và thu về lợi nhuận béo bở nhất nằm ở khâu đánh cắp vỏ bình gas. Bởi theo quy định hiện nay, các đại lý gas chỉ buộc người tiêu dùng thế chân bình gas khoảng 250.000 đồng. Trong khi đó, giá trị một bình gas mới trên thị trường khoảng 500.000 đồng. Như vậy, chỉ cần chiếm đoạt bình gas của các hãng, các đối tượng đã có thể bỏ túi trên dưới 200.000 đồng/vỏ bình.

Tuy nhiên, việc chiếm đoạt, sau đó hoán cải vỏ bình, buộc các đối tượng làm gas dỏm phải tốn công “gia công” lại như: sơn, mài, cắt thay quai, chân đế hoặc đắp chữ nổi… để biến thành một thương hiệu gas mới. Và cũng chính điều này dẫn đến việc bình gas bị mài mòn, mất hạn sử dụng, khó kiểm soát chất lượng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.

Ngày 30-10, Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, hiện có tới 30% số vỏ bình gas đang lưu hành trên thị trường là giả. Ước tính hiện có trên 15 triệu bình gas đang được đưa vào sử dụng. Điều đó có nghĩa xấp xỉ 5 triệu vỏ bình gas giả đang trôi nổi trên thị trường gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ đe dọa sự an toàn về tài sản và tính mạng của hàng triệu gia đình.

LẠC PHONG - THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục