Báo động bùng phát gas giả - Bài 2: Cần chế tài nặng

Nhiều thủ đoạn tinh vi
Báo động bùng phát gas giả - Bài 2: Cần chế tài nặng

Lợi nhuận thu về rất lớn và khá dễ dàng nên các đối tượng làm gas dỏm  tìm đủ mọi cách qua mặt cơ quan chức năng. Trong khi đó, việc xử lý còn lúng túng, các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh đã khiến gas dỏm mặc sức lộng hành.

Chất lượng bình gas cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Cao Thăng

Chất lượng bình gas cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo Bộ KH-CN, quá trình thanh tra, kiểm tra thời gian gần đây cho thấy có tới 65% cơ sở bán gas không đúng trọng lượng. Điều đáng nói, với những hành vi gian lận có thể đem lại lợi nhuận lên tới 200.000 đồng/bình cho kẻ gian.

Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, từ thống kê của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gas có thương hiệu cho thấy, 30%-35% vỏ bình “một đi không trở lại”. Các doanh nghiệp kinh doanh gas đã phát hiện các vỏ bình gas mang thương hiệu của mình nhưng bên trong dập chữ nổi của thương hiệu khác. Điều này chứng tỏ vỏ bình bị hoán cải, cưa cắt để chiếm dụng, làm thay đổi kết cấu vỏ bình.

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Chính Nghĩa, chuyên chiết nạp gas tại Đức Hòa, Long An cho biết, thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó, vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Trong khi đó, với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của hãng gas chính hãng sẽ được dập mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác. Các đơn vị chiết nạp trái phép thường thu gom vỏ bình gas chính hãng ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng và bán theo giá gas chính hãng.

Ngoài ra, các đối tượng sản xuất kinh doanh gas dỏm thường dùng thủ đoạn tinh vi như xây nhà xưởng tường cao, cử bảo vệ túc trực 24/24 giờ đề phòng cơ quan chức năng kiểm tra. Ngoài ra, có đối tượng thành lập doanh nghiệp hẳn hoi, nhưng sử dụng xe bồn, xe tải vận chuyển đến những khu đất vắng và cử người túc trực chặn các phía để thực hiện hành vi sang chiết lậu.

Theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, những bình gas bị cắt, mài và thay quai xách… hoặc bình gas thép bọc nhựa được hoán cải bằng cách cắt quai xách, chân đế, thay đổi kết cấu, trong lượng rồi bọc nhựa lại đều vi phạm Nghị định 107-2009 của Chính phủ về kinh doanh khí hóa lỏng, có biểu hiện của hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty khác và gây hậu quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài cho người tiêu dùng và xã hội.

Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ về mặt pháp lý đối với việc sản xuất, cải hóa bình gas bọc thép bằng nhựa để người tiêu dùng, cơ quan chức năng có căn cứ xem xét, lựa chọn.

“Ở một số tỉnh, trạm chiết nạp vẫn được mở mới, trong đó có trạm chỉ chiết nạp thuê nhưng không có hợp đồng nên chiết nạp lậu. Trạm chiết nạp kín cổng cao tường, che chắn bít bùng nên bên trong họ chiết nạp lậu hay làm gì cũng khó biết được”, bà Mẫn cho biết.

Cơ quan chức năng bó tay?

Trên thực tế, những bình gas dỏm luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và rất khó phân biệt với bình gas thương hiệu do công nghệ làm giả tinh vi. Theo Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn, kỹ thuật cắt quai, mài vỏ, dập nổi thương hiệu được giới độ bình làm tốt, thường người hoán cải bình gas sẽ mài mòn vỏ bình ở phần thương hiệu được dập nổi, sau đó đắp lên nhãn hiệu mới và sơn lại, đồng thời cắt quai bình gas và thay bằng quai mới. Do đó, ngay cả đơn vị kiểm định cũng không thể phát hiện.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG), đơn vị phát hành tem điện tử chống hàng giả cho biết, trong tình hình hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan và ngày càng tinh vi, các doanh nghiệp nên tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, việc xử lý các doanh nghiệp thu gom, hoán cải vỏ bình gas không nghiêm, tiêu biểu như vụ doanh nghiệp Thành Tài chiếm đoạt hơn 4.500 vỏ bình của các doanh nghiệp gas khác nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Điều này khiến các đối tượng lờn luật.

Trong khi đó, theo Điều 30 Nghị định 105/2011/NĐ-CP, ngoài việc phạt tiền các hành vi hoán cải vỏ bình gas còn có quy định xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tiêu hủy các bình đã bị hoán cải. Các bình gas bị hoán cải sẽ không có hồ sơ và không đủ điều kiện lưu thông nên phải tịch thu tiêu hủy. “Có vụ làm giả gas ở tận Bình Phước, đơn vị chúng tôi theo đuổi gần 2 năm, sau đó cơ quan chức năng chỉ buộc đối tượng vi phạm bồi thường 100 triệu đồng. ]

Chưa kể, với mức phạt và bồi thường quá nhẹ sẽ khiến đối tượng sẽ cố tình vi phạm”, Phó trưởng Phòng Kinh doanh gas Sài Gòn Petro Đỗ Trung Thành cho biết. Một cán bộ Công ty cổ phần Petrolimex cũng cho rằng, các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh gas còn một số bất cập đối với các trạm chiết nạp. Cụ thể, việc không quy định số lượng vỏ bình sở hữu của trạm chiết trở thành kẽ hở để các trạm này tha hồ tung hoành.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Gas Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp thành viên phải liên kết với nhau cải tiến công nghệ, nâng cao dịch vụ… để cạnh tranh lành mạnh. Hiệp hội đang xem xét chuẩn hóa một loại tem không thể làm giả, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt gas giả, gas thật.

Theo Cục Quản lý thị trường tại TPHCM, trong 9 tháng đầu năm, 19 tỉnh, TP phía Nam thu giữ hơn 25.000 bình gas các loại do vi phạm sang chiết gas trái phép và vi phạm điều kiện an toàn. Trong đó, đứng đầu là Long An với 10.564 bình, kế đến TPHCM với khoảng 8.000 bình và Bình Dương hơn 2.000 bình.

LẠC PHONG - THẢO TIÊN

- Bài 1: Gas giả tràn lan

Tin cùng chuyên mục