Bài 1: Tạo sản phẩm khác biệt

Thay đổi diện mạo
Bài 1: Tạo sản phẩm khác biệt

Doanh nghiệp vượt khó thời khủng hoảng

Bất chấp khó khăn, thời gian qua một số DN đã chịu khó tìm tòi, sáng tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, làm mới bộ nhận diện thương hiệu... Nhờ đó, họ đã vươn lên giành chỗ đứng xứng đáng trên thương trường.

Sản xuất máy nổ tại Công ty Máy nông nghiệp miền Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất máy nổ tại Công ty Máy nông nghiệp miền Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Thay đổi diện mạo

Trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tại TPHCM người ta đã chứng kiến hàng loạt DN triển khai việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới. Mở đầu trào lưu này, có thể kể đến là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), rồi đến Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)… Cùng với đó là chương trình làm mới “bộ mặt” của chính mình như thiết kế lại logo, nhãn mác; nâng cấp, đầu tư và làm mới các cửa hàng, siêu thị,… với tổng vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.

Với những DN sản xuất có quy mô nhỏ hơn, dù không đủ sức để làm thương hiệu trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng họ đã chọn cho mình cách làm an toàn và thực tế hơn, đó là mạnh dạn đầu tư để đưa ra thị trường những sản phẩm riêng biệt, có tính cạnh tranh cao. Điển hình như Công ty Liên Thành, bên cạnh các dòng sản phẩm nước mắm truyền thống và nổi tiếng đã thành công ngay sau khi tung ra thị trường sản phẩm nước mắm chay. Với thành phần chính là nước cốt trái thơm và muối, nước mắm chay Liên Thành được sản xuất theo quy trình lên men tự nhiên và kiểm soát theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP, được đánh giá là bước đột phá trong công nghệ gia vị. Liên Thành cũng là thương hiệu nước mắm duy nhất kiên trì theo đuổi đưa ra dòng sản phẩm nước mắm sắt dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng Hà Nội phát động, dưới sự tài trợ của Tổ chức dinh dưỡng toàn cầu. Là DN có bề dày 107 năm chuyên sản xuất và chế biến nước mắm, nhờ sự kiên trì trong nghiên cứu, chăm chút cho từng sản phẩm, đã giúp Liên Thành từ một thương hiệu tưởng chừng đã bị “đè bẹp” bởi những đối thủ kinh doanh “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” xuất hiện ngày càng nhiều, đã vững vàng vươn lên với tốc độ tăng thu đạt tới 80% trong thời điểm kinh tế khó khăn nhất.

Tại Hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ Hồ Chí Minh - Campuchia diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh vào tháng 3 vừa qua, để tiếp thị những sản phẩm mới như cá cơm kho tiêu, thịt kho tiêu, gà xào sả ớt… Vissan đã quyết định nấu cơm cho mọi người dùng thử với các loại thức ăn nêu trên. Đây là cách tiếp thị hoàn toàn mới. Để giúp người tiêu dùng nhận diện được những thay đổi là điều cần thiết, nhưng để gặt hái thành công, các DN phải có những bước đi khác biệt, quyết liệt và cụ thể.

Chủ động nắm bắt thị trường

Theo ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hương Mi (Hami), hai năm gần đây, hầu hết các DN đều gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng với Hami, do được tham gia chương trình bình ổn giá, với tiêu chí sản xuất các mặt hàng chất lượng, nhưng giá luôn phải thấp hơn giá thị trường nên doanh số bán ra ngày càng tăng. Tại một số đại lý ở tỉnh, thành như TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, doanh thu đối với mặt hàng cặp học sinh năm 2012 tăng khoảng 400% so với năm 2011. Riêng tại TPHCM, năm 2012, mặt hàng cặp xách học sinh do các DN tham gia bình ổn giá của TP sản xuất gần như phủ kín thị trường, chiếm khoảng 90% thị phần, mức giá rẻ hơn từ 20% - 30% so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc… Để làm được việc này, Hami đã kêu gọi đối tác, các kênh phân phối cùng đồng lòng, mỗi bên chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để ổn định sức mua thị trường.

Mặt khác, Hami luôn chủ động tìm các nguồn vốn khác để dự trữ đủ nguyên vật liệu sản xuất cho cả năm. Hami cũng liên tục cải tiến, thay đổi thiết bị công nghệ có công suất cao để tiết giảm tối đa lao động phổ thông; cơ cấu lại bộ máy sản xuất theo hướng chia nhỏ các tổ sản xuất để quản lý tốt hơn; nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường để đưa ra các sản phẩm có kiểu dáng và hình ảnh đẹp, giá thành cạnh tranh nhất. Ông Dũng cho rằng, kinh tế càng khó khăn, DN càng phải chủ động về mọi mặt. Chỉ như vậy mới giúp DN vượt khó khăn, khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng.

Là một DN dẫn đầu ngành sữa, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo về nguyên liệu thì DN không thể chủ động được giá bán của sản phẩm. Nếu DN không có sự đầu tư về chuyên môn để đưa ra những mặt hàng phù hợp với thể chất của người tiêu dùng từng vùng miền, từng quốc gia thì sản phẩm Vinamilk sẽ không thể cạnh tranh được với sữa ngoại.

Còn rất nhiều câu chuyện, cách làm của DN để vượt thoát khủng hoảng bằng nội lực của chính họ. Đây là một tín hiệu vui, vì càng nhiều DN có cách nghĩ, cách làm như vậy, chắc chắn trong thời gian không xa, VN sẽ có một đội ngũ DN đủ mạnh để vươn ra thế giới. Trong rủi, có may là vậy!

  • Ông Đỗ Duy Thái Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina)

"Muốn vươn ra thế giới thì không nên cạnh tranh dựa trên yếu tố giá cả mà phải bằng con đường đổi mới công nghệ, đầu tư sản xuất"

THÚY HẢI - LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục