Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A báo cáo sai lệch thực tế

Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A báo cáo sai lệch thực tế

2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai đã âm ỉ từ lâu bởi tính hiệu quả và tác động môi trường khôn lường. Để làm rõ số liệu về sự tác động nhiều mặt khi triển khai 2 dự án này - mà Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị xin lập dự án đầu tư báo cáo, PV Báo SGGP đã đi thực tế khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).

Bảng xác định vùng lõi VQG Cát Tiên.

Bảng xác định vùng lõi VQG Cát Tiên.

Báo cáo một đường, thực tế một nẻo

Mặc dù đến lần thứ 3 Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long) lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt nhưng vẫn có những sai biệt không thể chấp nhận được. Cụ thể, báo cáo nêu: “Vị trí hai bậc thang thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi VQG Cát Tiên, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai…”. Trên thực tế lại hoàn toàn khác.

Từ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) men theo những triền dốc trơn trượt, rồi băng qua những vạt rẫy, chúng tôi đến một cánh rừng tiếp giáp với vùng lõi của VQG Cát Tiên. Xe địa hình (xe gắn máy bọc xích 2 bánh) không thể đi tiếp vì đường dốc đứng, lầy lội, nhiều cây rừng rậm rạp chắn lối. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa, VQG Cát Tiên Nguyễn Trọng Hiếu quyết định: “Bỏ xe lại, cắt rừng”. Theo anh Hiếu, để đến được vị trí dự kiến xây dựng đập và nhà máy của thủy điện Đồng Nai 6 phải mất 1 giờ băng rừng, trượt dốc.

Rừng âm u, ướt sũng, dốc thẳng đứng phủ lá cây rừng không phân biệt được đâu là lối mòn, đâu là hố sâu trước mặt. Dò từng bước chân, nắm chặt nhánh cây rừng, chúng tôi bám theo con dốc thẳng đứng 2 bên là những thân cây cổ thụ 2 - 3 người ôm. Vừa đến khúc quanh thứ 3, chúng tôi bắt gặp tấm bảng màu xanh ghi dòng chữ: “VQG Cát Tiên, cấm xâm nhập vào rừng trái phép…”. Trưởng trạm Nguyễn Trọng Hiếu nói: “Từ vị trí này là vùng lõi của VQG Cát Tiên, thuộc tiểu khu 506. Theo quy định, không ai được phép vào đây, ngoài lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng, thời gian qua các đoàn khảo sát do Công ty Đức Long tổ chức nhiều lần thâm nhập vào đều không xin phép”. Đi thêm một đoạn dốc đứng nữa, chúng tôi gặp một đường mòn thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Khung cảnh thật hùng vĩ, những tán rừng che khuất tầm nhìn, chỉ thấy lờ mờ dòng nước đục ngầu của sông Đồng Nai hiện ra phía trước. “Đây chính là vị trí dự kiến xây đập và nhà máy” - anh Hiếu khẳng định.

Như vậy, vị trí xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi của VQG Cát Tiên với hệ sinh thái rừng đa tầng, trái ngược với báo cáo của Công ty Đức Long khi cho rằng: “Diện tích rừng phạm vi dự án đã được các Sở NN-PTNT thông tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước phúc tra, thẩm định. Trong số 372,23ha diện tích sử dụng của các dự án này, hiện trạng 4,32ha (1,16%) là rừng giàu, còn lại trên 98% (một báo cáo khác nói 95% - PV) là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao và đất trống, bãi đá…”. Báo cáo còn khẳng định: “UBND tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước đã chấp thuận cho Công ty Đức Long xây dựng các nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A, cho phép chuyển đổi các phần diện tích sử dụng đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng các công trình thủy điện…”.

Một chi tiết khác trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi: “Có hơn 2.000 người dân sống trong vùng lõi, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng…”. Thực tế, không người dân nào sống trong vùng lõi nơi dự kiến xây dựng 2 nhà máy vì địa hình rừng núi hiểm trở không có đường đi. Theo báo cáo của UBND xã Đồng Nai Thượng, thôn Bù Gia Rá chỉ có hơn 40 nóc nhà với gần 60 hộ dân. Thôn nằm ngoài vùng đệm và cách xa vùng lõi dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6.

Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học

khẳng định của Công ty Đức Long từ kết quả khảo sát của đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, viết: “Kết quả cho thấy hệ động thực vật khu vực dự án là các loài phổ biến, có vùng phân bổ rộng, dễ thấy ở nhiều nơi, chúng thường phân bổ ở các sinh cảnh có phổ biến ở VQG Cát Tiên. Tác động của dự án chỉ làm giảm số lượng cá thể động thực vật, nhưng không làm mất đi hoàn toàn gen, không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên hay suy giảm tính đa dạng sinh học…”. Báo cáo còn khẳng định, 2 dự án thủy điện không ảnh hưởng đến Bàu Sấu vì khu vực này nằm ngoài vùng tác động hơn 50km…

Trong khi đó, 13 báo cáo tham luận và 12 ý kiến của các nhà khoa học tại 3 hội thảo nói về tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nói đến 6 tác động tiêu cực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống của hơn 10 triệu dân phía hạ du, trong đó có TPHCM. Các nhà khoa học khẳng định cái mất lớn nhất là môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên mất đi sẽ không thể phục hồi được. Chưa kể, 2 dự án thủy điện này còn tác động đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai; gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô cho hạ du và ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu…

HOÀI NAM


Lâm Đồng: Loại bỏ 28 địa điểm xây dựng thủy điện

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của tỉnh 28 địa điểm nghiên cứu dự án thủy điện. Trong đó nhiều nhất trên sông Đồng Nai (8 công trình), còn lại thuộc các sông Đa Dâng, Đa Nhim, Krông Nô, Đạ Huoai, La Ngà, sông Lũy và sông Quao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến cũng vừa chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ, vừa và cực nhỏ, những dự án không khả thi, không hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng không tốt về xã hội và môi trường thì kiên quyết loại khỏi quy hoạch.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục