Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức - Bài 2: Lợi thế “người trong nhà”

Mua lại đối thủ
Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức - Bài 2: Lợi thế “người trong nhà”

Trong cuộc chạy đua để giành thị phần, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp (DN) trong nước đang bị đuối sức trước các đối thủ nước ngoài “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”! Thực tế không hẳn như vậy.

Mua rau củ quả tại siêu thị. Ảnh: Cao Thăng

Mua rau củ quả tại siêu thị. Ảnh: Cao Thăng

Mua lại đối thủ

Tại thời điểm này nhu cầu mua bán, sáp nhập DN đang diễn ra ở nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực, trong đó tình trạng các DN nước ngoài mua lại các thương hiệu nổi tiếng trong nước khá phổ biến. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bán lẻ đã và đang xuất hiện xu hướng ngược lại. Điển hình là trường hợp Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi siêu thị Citimart đã mua đứt một thương hiệu nổi tiếng nước ngoài tại TPHCM.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, cho biết: “Năm 2007, chúng tôi cho Giant South Asia Việt Nam thuê một phần mặt bằng khu tự chọn tại 3 siêu thị Citimart ở TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang để họ kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện họ loan tin trên báo chí rằng đã mua thương hiệu của chúng tôi. Biết rằng đây là cách để tập đoàn bán lẻ Dairy Farm bước chân vào thị trường Việt Nam nhưng thời điểm đó, chúng tôi muốn cho thuê để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành… của tập đoàn nước ngoài nên hợp tác với họ. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng tôi chẳng học được gì cả. Cách làm việc, điều hành khác nhau, không phải cái gì của nước ngoài cũng hay, cũng giỏi, cũng thành công. Họ cũng như mình, cũng phải làm quen với mọi thứ và cũng phải chấp nhận những thách thức trong kinh doanh. Do vậy, khi hết hạn hợp đồng chúng tôi lấy lại mặt bằng, đồng thời mua luôn các cửa hàng của Dairy Farm, cốt để lấy mặt bằng kinh doanh ở một nơi tốt như Parkson. Hiện tại, những siêu thị chúng tôi lấy lại từ Wellcome có lượng khách tốt hơn nhiều so với lúc họ đang kinh doanh”.

Gần đây nhất, một tên tuổi trong ngành bán lẻ của Nhật Bản là Family Mart cũng đã bán toàn bộ cổ phần liên doanh siêu thị với Tập đoàn Phú Thái (Hà Nội) trong bối cảnh bị lỗ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, đến thời điểm này vẫn chưa có DN bán lẻ trong nước nào chịu đầu hàng trước khó khăn thách thức.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định: “Tôi không sợ bị các DN nước ngoài cạnh tranh vì sự xuất hiện của họ chính là động lực để mình phát triển và hoàn thiện hơn. Tôi cũng không ngại phải đối đầu với họ vì tôi biết rõ hướng đi của họ như thế nào và họ cần cái gì. Tôi chỉ ngán tiềm lực tài chính của họ. Đây cũng là điểm yếu, khó khắc phục của các DN trong nước”.

Tận dụng lợi thế

Mặc dù các DN bán lẻ nước ngoài có mặt tại VN đang dàn hàng ngang để mở điểm bán nhưng trên thực tế, các DN trong nước vẫn hoạt động và phát triển rất tốt trong mô hình nhà nước và tư nhân. Họ vừa đẩy nhanh quy mô siêu thị, vừa liên kết với nước ngoài để mở trung tâm thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa, cho dù các DN không “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng hiện tại họ nắm giữ nhiều lợi thế, thậm chí làm chủ “cuộc chơi” trên sân nhà bằng những nỗ lực của chính mình.

Chứng minh nhận định này, một chuyên gia hàng đầu về thị trường phân tích, thứ nhất, các DN trong nước có sự am hiểu về người tiêu dùng nội địa, có kinh nghiệm trong việc lăn lộn với thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống đường sá, logistic chưa hoàn chỉnh thì mức độ khắc phục điểm yếu để thích nghi của DN sẽ tốt hơn. Thứ hai, DN trong nước có lợi thế về mạng lưới, đặc biệt là một lượng khách hàng đông đảo. Thứ ba, các nhà phân phối trong nước có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết lâu năm và có sự am hiểu, chia sẻ với các nhà cung cấp. Để thành công trong bán lẻ thì 3 yếu tố trên đóng vai trò cực kỳ quan trọng, còn với các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam họ sẽ phải làm lại từ đầu.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, so với các đối thủ nước ngoài, Co.opmart hiện có nhiều lợi thế về mạng lưới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặc biệt là mối quan hệ với gần 3 triệu khách hàng thân thiết, dựa trên tiêu chí “đôi bên cùng có lợi”. Đó là, khi khách hàng đến với Co.opmart sẽ được mua sắm các mặt hàng chất lượng, với giá cả tiết kiệm nhất, đồng thời được tham gia chương trình chăm sóc khách hàng, được hưởng chiết khấu cao, được thăm hỏi và tặng quà sinh nhật và dịp tết,…

Ngược lại, Co.opmart phải luôn tìm kiếm để đa dạng hóa mặt hàng, thay đổi không gian mua sắm và tăng tiện ích cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao quy trình phục vụ khách hàng, nâng cao tay nghề,… để thể hiện cho được mục tiêu “là người phục vụ tận tâm nhất đối với khách hàng”.

Một nhà báo theo dõi mảng thị trường lâu năm nhìn nhận, các hệ thống siêu thị, cửa hàng trong nước như Co.opmart, Vissan, Citimart, Maximark, Nguyễn Kim, Thiên Hòa… đã và đang làm chủ thị trường bán lẻ từ độ phủ siêu thị đến sự đa dạng hóa mặt hàng. Không chỉ thành công trong kinh doanh với mức độ làm hài lòng khách hàng, nhiều siêu thị còn góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân. Co.opmart đã rất thành công trong việc đầu tư, tham gia trực tiếp vào sản xuất để có được nguồn hàng sạch và xanh. Đến nay, 90% các loại rau củ quả của Co.opmart đã đạt chuẩn VietGAP. Điều quan trọng hơn cả, chính Co.opmart đã xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp, thông qua sự am hiểu và tận tuỵ của từng nhân viên đang làm việc trong các Co.opmart. Đây là thế mạnh mà ngay cả các hệ thống bán lẻ nước ngoài có nhiều tiềm lực cũng khó có thể làm được.

Hầu hết các chủ siêu thị đều tự tin, với lợi thế người trong nhà nên họ luôn hiểu khách hàng cần gì, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Nếu nhà nước có những quyết sách đúng đắn, tạo điều kiện tốt hơn cho DN và khắc phục được nhược điểm về tài chính, chắc chắn các DN trong nước sẽ thắng thế trong cuộc đua thị trường bán lẻ.

Theo Bộ Công thương, sau 5 năm gia nhập WTO, ngành bán lẻ VN phát triển với tốc độ khá nhanh, bước đầu tạo được vị thế trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Số lượng siêu thị thành lập mới trong thời gian này tăng hơn 20%, số trung tâm thương mại tăng hơn 72%. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại phân bố rộng khắp cả nước.

THÚY HẢI

- Bài 1: Tăng tốc, khốc liệt

Tin cùng chuyên mục