Nước chảy chỗ trũng

Chuyển biến khó lường
Nước chảy chỗ trũng

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội hay thách thức?

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động khá toàn diện đến ý thức, hoạt động sản xuất và kinh doanh tại thị trường nội địa những năm gần đây. Nhưng có một thực tế là nhiều ngành hàng của Việt Nam đang phải đối mặt với các sản phẩm đến từ các nước trong khu vực. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Sản xuất bóng đèn xuất khẩu sang Myanmar tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG

Chuyển biến khó lường

Gần 10 năm qua, nhiều DN tại TPHCM xem Campuchia là thị trường trọng điểm xuất khẩu hàng hóa. Cũng từng ấy năm, lãnh đạo TP cùng DN kiên trì, tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, thông qua nhiều hình thức khác nhau để mở đường cho hàng Việt tại Campuchia. Nhờ vậy, độ phủ của hàng hóa Việt Nam tại Campuchia đã không ngừng mở rộng, từ thành thị đến nông thôn. Nhiều nhóm hàng như nhựa gia dụng, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp… đã được người dân Campuchia ưu tiên lựa chọn vì chất lượng và giá cả phù hợp. Đây là thị trường duy nhất trong ASEAN, Việt Nam liên tục duy trì được tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời xuất siêu vào thị trường này. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,87 tỷ USD và nhập khẩu 496 triệu USD.

Tuy vậy, trong lần trở lại Campuchia vào tháng 5-2014, chúng tôi ghi nhận, thị trường đã có nhiều chuyển biến rất khó lường. Hàng Việt đang tỏ ra yếu thế trước nhiều đối thủ, đặc biệt là hàng Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia. Nguyên nhân chính là hàng Việt buộc phải vào Campuchia bằng đường chính ngạch nên thuế và phí có phần cao hơn so với các nước vẫn có thể xuất khẩu tiểu ngạch. Đến thời điểm này, các DN Việt Nam vẫn chưa có sự hiện diện chính thức, thông qua việc đầu tư xây dựng các siêu thị, cửa hàng bán lẻ như các đối tác khác. Điều này có thể lý giải tại sao các siêu thị tại Campuchia chỉ có hàng Thái mà lại không có hàng Việt. Ngoài ra, do chất lượng không ổn định, mẫu mã và bao bì hàng hóa chậm thay đổi nên kém hấp dẫn người tiêu dùng. Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Văn phòng đại diện tại TPHCM Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, cho biết, công ty hiện đã tìm được đối tác phân phối 13 mặt hàng tại Campuchia trong tổng số hơn 130 mặt hàng công ty đang sản xuất. So với năm ngoái, năm nay sức mua tại thị trường này rất yếu nên doanh số bán hàng bị giảm nhẹ vì nhiều nguyên nhân.

Từ khi Myanmar mở cửa, Việt Nam cũng đã xem đây là một trong các thị trường trọng điểm đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu. Nhưng hơn 3 năm qua, hàng Việt mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay như bóng đèn Điện Quang, phân bón Bình Điền… Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, nhìn nhận, mặc dù Myanmar đầy ắp các cơ hội, song thực tế, DN Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lưu thông phân phối thì hầu hết hoạt động thương mại chỉ dành cho DN trong nước. Nếu muốn tiếp thị hàng hóa vào Myanmar, các DN chỉ có thể thực hiện thông qua hình thức hợp đồng đại lý, hoặc hợp tác với các nhà phân phối địa phương. Mặt khác, việc thanh toán hàng hóa nhập khẩu vào Myanmar còn nhiều khó khăn, do các ngân hàng Việt Nam chưa có chi nhánh chính thức tại Myanmar nên DN hiện phải mở thư tín dụng tại ngân hàng nước thứ ba là Singapore. Chi phí vận chuyển hàng hóa vào Myanmar khá cao, thủ tục hải quan chưa thông thoáng, hàng nhập khẩu vào Myanmar chịu nhiều quy định phức tạp, như phải để ngoài bãi khoảng hai tuần thay vì đưa về kho để làm thủ tục, là rào cản rất lớn cho DN Việt Nam kinh doanh tại Myanmar.

Riêng tại Singapore, thị trường tuy có ít dân nhưng mức sống và thu nhập rất cao, trong đó hơn 90% hàng hóa cho tiêu dùng phải nhập khẩu từ các nước. Năm 2014 hàng hóa Việt Nam mới chỉ “rón rén” bước vào các siêu thị, cửa hàng, thông qua hội chợ Hàng Việt do Tập đoàn NTUC FairPrice - tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Singapore, là đối tác liên doanh với Saigon Co.op tổ chức. Đến nay, gạo Việt Nam hiện chiếm hơn 20% tổng lượng gạo mua từ nước ngoài để bán trong hệ thống FairPrice. Riêng với hàng nông sản, Việt Nam đang có rất nhiều thế mạnh nhưng do quy trình thu mua sản phẩm chưa tốt, cụ thể là công nghệ sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức nên sản phẩm mau bị hư hỏng.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Trước thực trạng hàng Việt xuất hiện còn rất khiêm tốn tại nhiều thị trường, một chuyên gia thẳng thắn, người Việt Nam có chút coi thường ASEAN vì suy nghĩ là “ra biển lớn” là phải hướng tới những thị trường cao cấp còn đối tác xung quanh là nhỏ, vừa không quan tâm. Có thời DN chỉ chăm chăm xuất khẩu, thậm chí bỏ ngỏ thị trường nội địa để DN nước ngoài vào. Trong khi, ASEAN lại là một thị trường tiềm năng với tổng số dân thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, chiếm tới 30% thương mại toàn cầu và là thị trường không quá rủi ro, quá khó tiếp cận như EU, Mỹ, Nhật Bản. Cũng chính từ thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu các nước lân cận, không “chăm sóc” kỹ thị trường trong nước nên hàng hóa của Việt Nam đang bị các nước trong khu vực lấn sân. Điển hình như hàng mỹ phẩm, lâu nay thị trường Việt Nam đang được “phân chia” bởi các tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như P&G, Unilever… Năm 2014, khi thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang đến gần, cũng là những sản phẩm của các tập đoàn này nhưng được sản xuất tại các quốc gia khác trong khu vực, đã đổ về Việt Nam khá nhiều. Trường hợp như các sản phẩm sữa tắm, dầu gội của Unilever sản xuất tại Singapore là một ví dụ. Rồi đến các loại hóa mỹ phẩm đến từ Malaysia đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ siêu thị.

Tuy vậy, điều khiến các DN lo lắng nhất, đã và đang xuất hiện tình trạng “nước chảy chỗ trũng” đối với hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam, đặc biệt sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam cùng hàng loạt các nghi vấn liên quan đến chất lượng, an toàn sức khỏe. Theo khảo sát, tại các siêu thị điện máy, hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan hút hàng hơn so với hàng hóa cùng thương hiệu nhưng được sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhờ giá cả cạnh tranh. Ở nhóm hàng quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… hàng Thái Lan đã phủ sóng khá toàn diện từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến các chợ. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch nhập khẩu chính ngạch các loại rau quả của Việt Nam trong 7 tháng năm 2014 đạt 309,5 triệu USD, trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 106 triệu USD (chiếm 34,2%), tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lực cạnh tranh và sự thành công của một quốc gia sẽ thể hiện qua sức cạnh tranh của các DN và sự chiếm lĩnh, chi phối hàng hóa trên thị trường. Nếu chúng ta không thay đổi cách nghĩ, cách làm, trong thời gian không xa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hóa của các nước.

THÚY HẢI

- Bài 1: Năng lực cạnh tranh yếu

Tin cùng chuyên mục