Giải pháp tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2015 - Bài 1: Góc nhìn doanh nghiệp

Từ năm 2015, thực hiện cam kết của Hiệp định thương mại tự do - FTA, hàng chục ngàn mặt hàng nhập khẩu sẽ đổ vào thị trường trong nước với thuế suất 0%. “Đầu vào” đã thông, cửa đã mở, vấn đề còn lại là phải thoáng “đầu ra” cho doanh nghiệp. Làm cách nào để giúp DN giữ vững thị trường sân nhà, tăng cường xúc tiến để đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài… là những vấn đề “nóng” đặt ra trong thời kỳ mới…
Giải pháp tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2015 - Bài 1: Góc nhìn doanh nghiệp

LTS: Năm 2015 là năm bản lề có ý nghĩa quyết định thắng lợi nhiệm vụ kinh tế 5 năm (2011 - 2015), nhưng TPHCM phải đối diện với nhiều nhiệm vụ khó khăn như: gỡ khó, tạo vốn cho doanh nghiệp sản xuất; vừa thực hiện nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần những doanh nghiệp thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, vừa phải tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn… Với mục tiêu tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2015 đạt 9,5% trở lên, TPHCM sẽ làm gì để thực hiện thành công chỉ tiêu kinh tế đề ra?

Từ năm 2015, thực hiện cam kết của Hiệp định thương mại tự do - FTA, hàng chục ngàn mặt hàng nhập khẩu sẽ đổ vào thị trường trong nước với thuế suất 0%. “Đầu vào” đã thông, cửa đã mở, vấn đề còn lại là phải thoáng “đầu ra” cho doanh nghiệp. Làm cách nào để giúp DN giữ vững thị trường sân nhà, tăng cường xúc tiến để đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài… là những vấn đề “nóng” đặt ra trong thời kỳ mới…

Cuộc chơi “mở” và “rào”

Nhập siêu vẫn là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam (VN). Tính riêng hoạt động xuất - nhập khẩu giữa VN với các nước ASEAN đã có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, năm 2013, VN xuất khẩu vào ASEAN 18,4 tỷ USD nhưng nhập khẩu lên tới 21,35 tỷ USD. Thời điểm mở cửa tự do thương mại, thuế suất hàng hóa nhập khẩu 0% thì hàng từ nước ngoài sẽ ào vào thị trường VN, càng gây mất cân đối giữa xuất - nhập khẩu, tạo ra thách thức to lớn đối với DN Việt.

Nhận định về tình hình này, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội Hóa mỹ phẩm TPHCM cho rằng: “Đây chính là cuộc chơi “mở” và “rào”. Chúng ta mở cửa để hàng hóa từ bên ngoài vào thì phải tận dụng việc xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng hàng vào VN thì dễ nhưng hàng VN xuất qua các nước lại rất khó, do bị vướng hàng rào kỹ thuật”.

Do vậy, “để bảo vệ nền sản xuất trong nước, trước hết phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế hàng dỏm, hàng kém chất lượng đổ vào. Bên cạnh đó là hỗ trợ DN sản xuất và xuất khẩu hàng VN sang nước bạn” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề xuất.

Cụ thể hơn, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, muốn tăng cường xuất khẩu thì phải hỗ trợ vốn và công nghệ cho DN đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với chi phí thấp thì mới cạnh tranh nổi. Còn việc giúp DN đưa hàng hóa ra nước ngoài thì nhà nước phải tăng nguồn vốn xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tham gia nhiều hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm. Bà Thảo nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty Thực phẩm Việt Hương đề xuất, Nhà nước tăng quỹ hỗ trợ DN xúc tiến thương mại. Bởi nhìn từ Thái Lan, chỉ anh bán bánh mì thôi mà năm nào cũng tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu tại Việt Nam - tổ chức tại Trung tâm triển lãm Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. “Điều đó cho thấy, công tác tổ chức xúc tiến thương mại được các quốc gia khác làm rất tốt” - đại diện Công ty Việt Hương nói.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng góp nhiều cho GDP. Ảnh: CAO THĂNG

Chờ bộ tiêu chuẩn sản phẩm

Trong thời kỳ mở cửa, việc bảo vệ nền sản xuất trong nước là vấn đề sống còn. “Nếu chúng ta để các DN tự bơi trong biển lớn là sẽ chết” - đó là khẳng định của nhiều DN. “Nguyên nhân DN sản xuất rơi vào khó khăn là do hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi đầy thị trường. Nếu nhà nước không quyết liệt triệt phá hàng giả thì chính các DN dỏm sẽ giết chết DN thật vì không bán được hàng” - đại diện Hội Doanh nghiệp quận 7 phát biểu. Để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước hàng hóa “vàng thau lẫn lộn” ào ạt vào VN thì giải pháp hữu hiệu nhất là phải xây dựng hàng rào kỹ thuật, mà cụ thể là xây dựng các bộ tiêu chuẩn hàng hóa.

“Nói một cách dễ hiểu, bộ tiêu chuẩn hàng hóa phải quy định rõ tiêu chuẩn, chỉ tiêu cho từng loại sản phẩm. Anh muốn vào thị trường tôi thì hàng anh phải đạt những tiêu chuẩn này, nếu không thì không được vào. Có như vậy mới đảm bảo chỉ có hàng “sạch”, đạt tiêu chuẩn mới vào được thị trường VN” - bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đề xuất. Bởi không đâu xa, chính hàng của các DN VN xuất đi nước ngoài cũng vì vướng hàng rào kỹ thuật của các nước, không đạt chuẩn bị trả về. Do vậy, VN phải nhanh chóng xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tạo hàng rào kỹ thuật, hạn chế hàng kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa bằng chính biện pháp mà các nước đã sử dụng.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ DN về đào tạo nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để né vi phạm luật cạnh tranh. Nếu không, DN sẽ rơi vào bế tắc như ngành hàng hóa mỹ phẩm TP. Cả TP có hơn 200 DN hóa mỹ phẩm nhưng chỉ vài DN sản xuất đạt chuẩn GMP để đủ tiêu chuẩn bán hàng trên thế giới. Trước việc các tập đoàn nước ngoài ào ạt vào VN, nếu không có sự hậu thuẫn từ Nhà nước, nếu DN không liên kết lại với nhau để tạo sức mạnh, thì không những không đưa được hàng ra thế giới mà DN Việt sẽ bị thua trên chính sân nhà.

TPHCM tập trung thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật cao. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty Strongway trong Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Ảnh: Cao Thăng

Giải bài toán “xương chiên bơ”!

Đó là ví von của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TPHCM Huỳnh Văn Minh. Ông cho rằng, gói kích cầu 30.000 tỷ đồng của Chính phủ trong thời gian qua nghe rất “thơm”, nhưng “ăn” không được, giống như… xương chiên bơ! DN khó khăn về vốn nhưng xây dựng nhà xong không bán được; người dân cần nhà thu nhập thấp muốn vay nhưng vay không được, vì không đủ điều kiện được vay, người có thu nhập đủ theo điều kiện vay thì không có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp… Cứ như vậy, các bên nhìn nhau “thèm thuồng” mà nguồn vốn 30.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được… vài phần trăm! Các DN kiến nghị rằng, muốn “khơi thông” nguồn vốn, kích thị trường bất động sản phát triển thì Chính phủ nên khoán cho từng địa phương để các địa phương tự xem xét cân đối cho vay.

Trước thời điểm khó khăn hiện nay, nhiều dự án bất động sản bị “mắc kẹt” vì thiếu vốn. Các DN sản xuất lo lắng vì thị trường ảm đạm, sức mua không tăng. Hơn nữa, việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn nước ngoài buộc DN phải đổi mới công nghệ, nhưng việc vay vốn không hề dễ. “Chẳng DN nào không cần vốn, nhưng do lãi suất ngân hàng thiếu ổn định nên DN không dám vay”- Đại diện Hội Doanh nghiệp quận 7 khẳng định.

Những DN “mắc kẹt” là những DN vay vốn những năm trước đây với lãi suất cao hơn 20%, nay không trả lãi nổi. Nhưng một bất hợp lý là hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm mà DN vẫn không vay. Nguyên nhân, lãi suất vay không ổn định, sợ sau này lãi suất tăng, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi tăng lên thì DN không trả nổi. Chính lãi suất không ổn định, DN không dự toán được hoạt động đầu tư kinh doanh của mình.

“Đến thời điểm này DN kiệt quệ rồi, phải tháo gỡ nợ xấu giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng”- ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên (chuyên về chế biến thủy hải sản) than thở. Nhiều DN khác cũng kêu gọi Chính phủ nên có chính sách khoanh nợ xấu đối với những khoản vay cũ rồi cho vay mới để DN tiếp tục hoạt động.

Theo ông Tuấn, nên có một Quỹ bảo lãnh cho DN vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh để có tiền trả nợ cũ và mới. Tuy nhiên, đại diện Hội Doanh nghiệp quận 7 cho rằng, cần xây dựng một nguồn quỹ riêng cho DN sản xuất hàng tiêu dùng vay vốn với điều kiện phải sản xuất sạch đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân - bởi vấn đề an toàn thực phẩm đang bị báo động.

Nếu TP giải nhanh các “bài toán” trên thì chỉ tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP 9% - 10% sẽ đạt được không mấy khó khăn - các chuyên gia nhận định.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục