Nghề nuôi và xuất khẩu tôm gặp khó - con tôm… điêu đứng

Mặt hàng tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm đóng góp hơn 3 tỷ USD; năm 2014, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục khi đóng góp tới 4,1 tỷ USD, trong giá trị xuất khẩu chung 7,9 tỷ USD của ngành thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 trở đi xuất khẩu tôm gặp khó khăn, hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu; lo ngại nhất là hàng loạt lô hàng tôm bị nhiều nước cảnh báo, trả về do nhiễm kháng sinh. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ nặng do dịch bệnh và giá thấp. Con tôm đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng…
Nghề nuôi và xuất khẩu tôm gặp khó - con tôm… điêu đứng

Mặt hàng tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm đóng góp hơn 3 tỷ USD; năm 2014, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục khi đóng góp tới 4,1 tỷ USD, trong giá trị xuất khẩu chung 7,9 tỷ USD của ngành thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 trở đi xuất khẩu tôm gặp khó khăn, hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu; lo ngại nhất là hàng loạt lô hàng tôm bị nhiều nước cảnh báo, trả về do nhiễm kháng sinh. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ nặng do dịch bệnh và giá thấp. Con tôm đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu mặt hàng tôm của nước ta năm nay giảm bình quân khoảng 30%, cộng với thị trường sụt giảm nên dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2014. Đáng lo ngại là các vùng nuôi tôm trọng điểm như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu… số hộ thua lỗ tăng “áp đảo” hộ nuôi có lời.

Xuất khẩu tôm năm 2015 gặp khó khăn do giá thấp và thị trường giảm nhập khẩu

Doanh nghiệp và nông dân khốn đốn

Những ngày cuối năm, trong lúc nhiều vùng quê đang tất bật chuẩn bị đón Tết Bính Thân thì những cánh đồng tôm ở khu vực ĐBSCL vắng vẻ lạ thường. Ông Phạm Văn Quắn, hộ nuôi tôm lâu năm ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), chua chát nói: “Mọi năm vào thời điểm này nhà nào cũng thả tôm hết rồi để còn thời gian chuẩn bị tết. Năm nay, đến lúc này chưa ai dám thả giống bởi thời tiết thay đổi thất thường, cộng với năm 2015 dịch bệnh bùng phát trở lại khiến nhiều hộ lo lắng”.

Ông Quắn kể, năm 2015 gia đình ông thả nuôi tôm hai đợt trên diện tích rộng hơn 2.000m² mặt nước. Đợt đầu nuôi tôm sú, nhờ thời tiết ổn định, không bị bệnh nên thu lời hơn 40 triệu đồng; riêng vụ thứ hai thì ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, được 50 ngày tôm bị bệnh và chết hàng loạt - lỗ đứt 40 triệu đồng. Cả năm nuôi tôm nhưng không mang về được đồng nào mà còn lỗ công chăm sóc, tiền thuê lao động, nợ ngân hàng phải gối đầu không trả được… Tình cảnh như ông Quắn được cho là “may mắn”, chứ thực tế ở xã Mỹ Long Nam nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung, rất nhiều hộ lỗ trắng vì con tôm. Theo thống kê mới nhất của Phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang, năm 2015, toàn huyện có 6.142 lượt hộ nuôi tôm; trong đó 41% số hộ thua lỗ, gần 11% số hộ hòa vốn, số còn lại lợi nhuận chẳng bao nhiêu.

Dọc theo các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre như Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri, nơi con tôm đóng vai trò chính về kinh tế, năm nay cả người nuôi và chính quyền đều than. Ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại băn khoăn: “Toàn xã có khoảng 4.000ha tôm nuôi, hầu hết người dân đều trông cậy vào tôm bởi đây là nguồn thu chủ lực. Thế mà vụ tôm 2015, không hiểu sao càng nuôi càng chết khiến dân thiệt hại quá nhiều; cộng với giá tôm giảm mạnh (tôm thẻ loại 100 con/kg giá chỉ có 80.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá chỉ 140.000 đồng/kg…) khiến nông dân “thua kép”. Ước tính có khoảng 80% - 90% hộ nuôi từ hòa đến lỗ”.

Thu hoạch tôm thẻ ở Sóc Trăng

Nếu như người nuôi tôm trải qua một năm bết bát thì hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng chẳng khá hơn. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản thương mại Thuận Phước, cho rằng: “Năm 2015, xuất khẩu tôm gặp khó khăn khi nhiều thị trường nhập khẩu giảm, giá xuất tôm trên thế giới cũng giảm khoảng 30% làm cho giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm mạnh. Bên cạnh đó, những biến động về tỷ giá khiến việc cạnh tranh tôm của nước ta bị ảnh hưởng”.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), hầu hết các chi phí đầu vào của chế biến tôm đều tăng, trong khi đầu ra giảm mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Xuất khẩu không đạt chỉ tiêu

Là địa phương có nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước, tuy nhiên năm nay tỉnh Cà Mau không hoàn thành kế hoạch bởi hàng loạt khó khăn bao vây ngành tôm. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, dự kiến cả năm 2015, xuất khẩu tôm của tỉnh cố lắm chỉ về đích ở mức gần 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 18% so năm 2014.

Tại Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh này nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của tỉnh trong năm 2015 dự báo giảm hơn 18,37% bởi những khó khăn chung. Còn Sở Công thương tỉnh Trà Vinh tiết lộ, xuất khẩu mặt hàng tôm của tỉnh cũng bị giảm do thị trường biến động và giá xuất thấp…

Nhiều địa phương có thế mạnh về con tôm nhưng gặp trở ngại không hoàn thành chỉ tiêu, đã khiến kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước sụt giảm. Theo VASEP, khả năng xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam năm 2015 chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so năm 2014, mức sụt giảm khá lớn. Ngoài những khó khăn trên thì năm nay ở Indonesia, Ấn Độ… tích cực phục hồi nuôi tôm thẻ chân trắng, từ đó tăng sức cạnh tranh về xuất khẩu đối với tôm Việt Nam. Hiện tại giá thành tôm của Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác từ 1- 3 USD/kg, vì vậy các doanh nghiệp thường “thất thế” khi phải cạnh tranh.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Minh Phú

Chia sẻ về bức tranh xuất khẩu tôm năm 2015, ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hải, nhận định: “Tình hình chung trên thị trường thế giới là giá con tôm giảm sâu. Trong khi giá thành con tôm của chúng ta quá cao, tôm lại bị một số vấn đề về kháng sinh, nuôi tôm còn manh mún nên các doanh nghiệp khó khăn trong thu mua, chất lượng cũng khó đảm bảo. Một số nước trước đây bán tôm nguyên liệu cho ta thì hiện nay họ tập trung vào chế biến nên đã giành thị phần. Vì vậy, mức độ cạnh tranh ngày càng dữ dội hơn. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp nỗ lực giữ thị trường để chờ cơ hội trong thời gian tới”.

Theo ông Hải, đã đến lúc chúng ta nghiêm túc nhìn lại “mình làm được cái gì, chưa được cái gì”, nhằm khắc phục nhanh những điểm yếu. Hiện nay, khách hàng trên thế giới chuyển qua nhu cầu mặt hàng giá trị gia tăng. “Vì vây, các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến đa dạng các sản phẩm tôm giá trị gia tăng. Nếu doanh nghiệp nào làm bài bản, tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng, đáp ứng được thị trường, đạt tiêu chuẩn… thì sẽ phát triển tốt. Đáng mừng là các doanh nghiệp đã thấy được vấn đề và từng doanh nghiệp có cách làm, cách tiếp cận khác nhau…”- ông Hải nói.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, thách thức của ngành tôm hiện nay không nằm ở khâu chế biến bởi thời gian qua các nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại, tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân… không ngừng nâng lên; vì thế trình độ chế biến tôm của Việt Nam ở mức cao của thế giới. Vấn đề trở ngại lúc này là ở khâu nuôi trồng. Cụ thể, mấy năm qua dịch bệnh bùng phát làm tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Để đề phòng bệnh thì nhiều hộ nuôi đã sử dụng kháng sinh nên chi phí giá thành tôm nguyên liệu tăng và khiến con tôm bị nhiễm kháng sinh.

Năm 2015, các tỉnh ĐBSCL thả nuôi hơn 555.954ha tôm sú, sản lượng 204.086 tấn, giảm 3,3% so cùng kỳ; đối với tôm thẻ các tỉnh trong vùng thả nuôi gần 59.000ha, sản lượng đạt 169.433 tấn, giảm 11,7% so cùng kỳ. Về cơ bản việc nuôi tôm nước lợ năm 2015, người nuôi lãi rất ít do dịch bệnh phức tạp và giá thấp…

HUỲNH LỢI - NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục