Sớm tính toán bài toán kinh tế - xã hội cho sân bay Tân Sơn Nhất

Sớm tính toán bài toán kinh tế - xã hội cho sân bay Tân Sơn Nhất

Trước thềm phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 1-6, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV SGGP về vấn đề này. Ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh) đặc biệt lưu ý đến sự thay đổi khá căn bản của bài toán kinh tế - xã hội đối với sân bay Tân Sơn Nhất một khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng, đi vào hoạt động.

- Thưa ông, dự án mà Chính phủ trình Quốc hội lần này về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành  đã có nhiều điểm điều chỉnh so với dự án trình tại kỳ họp thứ 8, trong đó đáng lưu ý là khoản vốn đầu tư cho giai đoạn 1 đã giảm mạnh. Là người đã từng quan tâm đến dự án từ kỳ họp trước, ông có bình luận gì về những thay đổi này?

>> Điều cần bàn hiện nay là có phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành  do yêu cầu khách quan của thị trường hàng không và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay không; từ đó lựa chọn địa điểm và quy mô như thế đã phù hợp chưa. Kế đến mới nói đến chuyện tổng mức đầu tư.

- Vâng, vậy việc lựa chọn Long Thành – theo ông – đã là tối ưu chưa?

Theo báo cáo của Chính phủ thì ở khu vực này không có vị trí nào thích hợp hơn để làm sân bay; cả về vị trí, cấu tạo địa chất và quy hoạch phát triển.

- Nhưng rõ ràng trong điều kiện ngân sách eo hẹp thì nợ công cao cũng là một lo ngại có cơ sở?

Phải xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh. Các dự án thực hiện từ ngân sách, nghĩa là tiền thuế của dân, thì phải chấp nhận trao đi đổi lại và xem xét tất cả các phương án để tìm phương án tốt nhất. Có một thực tế khách quan là nếu hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì có thể đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm, còn nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ đạt tối đa 30-35 triệu lượt hành khách/năm. Chúng ta quyết định xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên cơ sở niềm tin là Việt Nam sẽ phát triển, sẽ đứng vào tốp 4 nước ASEAN phát triển. Muốn thế, Việt Nam phải trở thành điểm đến đáp ứng được mọi nhu cầu phát triển trong tương lai gần, tương lai xa của ngành công nghiệp hàng không. Nói cách khác là hiệu quả kinh tế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải được tính theo nhịp độ phát triển của đất nước và nhịp độ phát triển ấy có đạt được hay không lại phụ thuộc vào việc Cảng hàng không quốc tế Long Thành có hoạt động hiệu quả như mong muốn hay không. Ở đây có một sự liên quan hữu cơ với nhau; cái này là điều kiện cần của cái kia như vậy.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh là chuyện giảm được bao nhiêu tiền chưa phải quan trọng nhất. Điều mà chúng ta thực sự cần trao đổi ở thời điểm này là giao cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành những nhiệm vụ gì; sân bay Tân Sơn Nhất còn đảm đương những nhiệm vụ gì. Đội tàu bay nào sẽ sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cảng hàng không quốc tế Long Thành có trở thành nơi đóng “đại bản doanh” cho các hãng hàng không hay không; muốn thế hạ tầng phải chuẩn bị thế nào, định hướng phát triển công nghiệp hàng đáp ứng máy bay lớn, hiện đại nhất như thế nào; công tác đào tạo cán bộ cho 10 – 20 năm nữa sẽ thế nào?

Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất từ chỗ đảm đương nhiệm vụ sân bay chủ lực của cả nước trong bao năm qua sẽ trở thành sân bay chủ yếu phục vụ nội địa và một số đường bay quốc tế ngắn, nghĩa là thay đổi hoàn toàn công năng…

- Ông hình dung sân bay Tân Sơn Nhất lúc ấy sẽ ra sao và cuộc sống của người dân TPHCM sẽ có thay đổi gì khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng?

Đây chính là việc mà TPHCM cần đầu tư nghiên cứu bài bản. Dường như chưa có nghiên cứu, đánh giá toàn diện những tác động của việc vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến kinh tế - xã hội TPHCM trong 20 năm tới, trong khi đây là việc thực sự cần làm để giải đúng bài toán phân tải hành khách, quy hoạch giao thông; từ đó xác định đường hướng phát triển hạ tầng, phát triển KCN. Bởi vì khi chuyển sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản thành sân bay nội địa, cơ cấu hành khách, chất lượng dòng hàng qua cảng hàng không này sẽ thay đổi hoàn toàn; dẫn đến rất nhiều thay đổi khác nữa. Trong đó không thể thiếu việc đánh giá tình hình khi hạ công năng của sân bay Tân Sơn Nhất với tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực để có luận giải khoa học; có như vậy mới đảm bảo hiệu quả kinh tế của các khoản đầu tư, đảm bảo nguồn thu và nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân.

- Xin cảm ơn ông.

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục