Ứng phó thách thức, khai thác lợi thế TPP

Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất?
Ứng phó thách thức, khai thác lợi thế TPP

Hôm nay 4-2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết tại thành phố Auckland (New Zealand). Trước khi lên đường tới New Zealand để ký kết hiệp định, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc Việt Nam hưởng lợi từ TPP phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào.

Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam và các nước đối tác thực thi Hiệp định TPP

Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất?

Theo tính toán của các chuyên gia độc lập, việc TPP được ký kết và đi vào thực thi sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong 3 tháng vừa qua (tính từ khi kết thúc đàm phán TPP), bên cạnh các cam kết chung đạt được trong TPP, Việt Nam đã đạt được thêm một số thỏa thuận song phương với một số nước thành viên TPP. ​Cụ thể, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận song phương về dệt may với Hoa Kỳ, đạt được cam kết của một số nước để tiến tới xem xét công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam, thỏa thuận của Việt Nam với Australia về việc tăng thêm thời gian lao động cho các thể nhân có điều kiện làm việc tại Australia.

“Các thỏa thuận thêm này có tác động tích cực giúp cho việc thực thi TPP của phía Việt Nam” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. Về ý kiến cho rằng trong số 12 nước thành viên, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, ​Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, các nước TPP thống nhất với nhau rằng TPP là hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và mục đích là cân bằng lợi ích giữa các nước tham gia trên cơ sở có tính đến sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước. Nếu so sánh với các nước thành viên TPP, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp. ​Vì vậy khi đàm phán, ký kết và thực thi TPP, rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.

“Theo tôi các ý kiến này không sai. ​Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào. Chỉ khi Việt Nam có được các giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Còn nhiều thách thức

Khi TPP có hiệu lực, một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may. Đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ, bởi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện chịu thuế suất khoảng 17%-18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tính toán cho ra nhiều kết quả khác nhau và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi hiệp định, nhưng bước đầu cho thấy dệt may có thể tăng trưởng ít nhất 20% sau khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này cũng không phải dễ dàng.

Một vấn đề cần được quan tâm là quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giày.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương lưu ý, để được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ, làm được một số khâu ở Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi của TPP. “Chính vì vậy, quá trình chuẩn bị để phê chuẩn hiệp định thì cũng chính là giai đoạn để chúng ta chuẩn bị nhằm tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại” - ông Lương Hoàng Thái nói.

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người lo ngại là việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, nông sản, thủy sản có thể tăng trưởng thấp hơn vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường TPP, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã khá lớn. Nếu muốn tăng trưởng với tốc độ cao hơn thì doanh nghiệp sản xuất nông sản, thủy sản phải đáp ứng được các yếu tố như mở rộng diện tích nuôi trồng, quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, nhất là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch. ​Nếu các yếu tố này không được đáp ứng tốt thì kim ngạch xuất khẩu không những khó cải thiện mà còn bị chính các rào cản thương mại này kìm hãm.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Khi tham gia TPP thì rào cản lớn nhất của Việt Nam là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Để nâng lên ngang tầm với những yêu cầu kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải có thời gian để hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức…

TPP đang là “thỏi nam châm”

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam đang đứng trước thời cơ lịch sử để đổi mới. Việc hoàn thành hàng loạt các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo động lực lớn cho kinh tế đất nước phát triển đột phá. TPP không chỉ xóa bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn trao cho nhà đầu tư quyền tự do kinh doanh. TPP đang là “thỏi nam châm” lớn thu hút nhiều quốc gia ASEAN. Tiêu biểu, Thái Lan và Indonesia đều đã tỏ ý muốn nhập cuộc vào “sân chơi” này.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục