Hàng không Việt Nam - “Cánh chim không mỏi”- Bài 1: Hơn nửa thế kỷ nhìn lại

Hàng không Việt Nam - “Cánh chim không mỏi”- Bài 1: Hơn nửa thế kỷ nhìn lại

Những ngày gần đây, thông tin về nỗ lực cứu hộ an toàn chuyến bay VN453 chở theo 164 hành khách từ Nha Trang về TPHCM ngày 7-8 của Vietnam Airlines - con chim đầu đàn, biểu tượng của thương hiệu hàng không quốc gia VN đã và đang còn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nhiều tờ báo, nhiều bài báo đã  bày tỏ sự ngưỡng mộ khả năng ứng phó, tài chuyên môn, lòng dũng cảm và cả tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm hết lòng vì hành khách của cơ trưởng, cơ phó, tiếp viên trưởng và tất  cả các thành viên trong đoàn bay hôm đó.

Báo Thanh Niên gọi đó là “Cú tiếp đất ngoạn mục của những phi công tài năng”, còn bác sĩ Phan Trung Hòa (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM), một hành khách của chuyến bay, trong bài viết “Chuyến bay kỳ diệu trong một ngày đẹp nhất năm” gửi đăng trên VnExpress cũng đã dành những ngôn từ trìu mến, thân thương nhất cho các nữ tiếp viên hàng không, đặc biệt là cô tiếp viên trưởng thông minh, nhanh nhẹn, quả cảm và can trường khi giúp hàng trăm hành khách nhanh chóng thoát hiểm trong gang tất.

“Hình ảnh những chiếc áo dài đỏ thẫm lần lượt trượt khỏi máy bay sau cuối thực sự gây ấn tượng cho tôi, trong đó ấn tượng nhất là đôi chân trần của cô tiếp viên trưởng. Cô vẫn đi chân đất vào vùng an toàn trong sân bay. Tất cả họ, những cô gái tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đó thật dễ thương và thật đẹp trong mắt mọi người. Tôi thật lòng cảm ơn thái độ đúng mực, xử lý bài bản và chính xác của các cô và tổ lái khi xảy ra biến cố” - Bác sĩ Hòa viết.

Cũng như bác sĩ Phan Trung  Hòa, rất nhiều hành khách trên chuyến bay hôm đó đều cho rằng, mặc dù việc huy động lực lượng ứng cứu chưa thật nhanh, nhưng “Chúng tôi ai cũng thông cảm với sự nỗ lực hết mình của các anh chị nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Mọi người đều hết sức nhiệt tình, chu đáo và sớm đưa công việc xử lý sự cố đạt hiệu quả cao nhất” (báo Tuổi Trẻ).

Có thể nói, để có được sự cảm thông và những lời động viên khen ngợi nêu trên của hành khách ngay trong bối cảnh máy bay gặp sự cố, là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của hàng vạn cán bộ công nhân viên ngành hàng không. Và đó cũng chính là phần thưởng lớn lao, là mục tiêu  mà ngành hàng không đã và đang ngày đêm phấn đấu…

Nhân dịp này, thể theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc và để giúp cho bạn đọc có được những cái nhìn tổng quan, cụ thể hơn, rõ nét hơn về hoạt động của ngành hàng không Việt Nam, kể từ số báo hôm nay, trên trang chuyên đề  “Kinh tế - đời sống”, chúng tôi khởi đăng loạt bài viết: Hàng không Việt Nam - “Cánh chim không mỏi”,  kính mời quý bạn đọc cùng quan tâm theo dõi…

Một chuyến bay của Vietnam Airlines xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Việt Dũng

Một chuyến bay của Vietnam Airlines xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ảnh: Việt Dũng

Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh…

Thành lập vào những ngày đầu năm 1956, thời điểm mà cả nước nỗ lực chuẩn bị để chống lại sự công khai xâm lược của đế quốc Mỹ, ngành hàng không Việt Nam (HKVN) bấy giờ được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và như thế trong suốt hơn ½ thế kỷ qua, ngành HKVN đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách, nhưng cũng rất hào hùng và oanh liệt.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, HKVN là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã trực tiếp tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công hiển hách. Mà tiêu biểu nhất là trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, HKVN đã dũng cảm, táo bạo vượt qua vĩ tuyến 17 chở vũ khí, lương thực chi viện cho quân và dân ta tại mặt trận Trị - Thiên (Huế). Và trong chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, ngành HK VN tiếp tục đáp ứng các yêu cầu thần tốc của mặt trận về vận tải tiếp viện cho  chiến đấu, góp phần tích cực làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.  Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vào những năm sau giải phóng cũng vậy, ngành  HKVN đã tham gia có hiệu quả trong việc cơ động vận chuyển, tiếp tế vũ khí, lương thực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu và thả dù tiếp tế lương thực cho nhân dân…

Ghi nhận những thành tựu và sự nỗ lực phấn đấu của ngành HKVN, trong hơn 50 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều huân, huy chương các loại cho tập thể và nhiều cá nhân của ngành HKVN. Trong đó có 1 Huân chương Hồ Chí Minh cho Đoàn bay 919, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, ngành HK VN cũng đã nhận được nhiều huân chương Độc lập, huân chương Quân công, huân chương Chiến công và huân chương Lao động hạng I, II, III cho nhiều tập thể và cá nhân khác.

Ấn tượng từ những con số…

Có thể nói, từ sau năm 2000 đến nay, bằng sự  nỗ lực phấn đấu hết sức mình, ngành HKVN đã đang thực hiện rất thành công và có hiệu quả các chương trình, các kế hoạch nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước thanh bình, và với một nền kinh tế đổi mới, không ngừng phát triển cùng với các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng… Đó cũng chính là lý do vì sao mà mặc dù gặp không ít những khó khăn do suy thoái kinh tế, do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh và các biến cố xảy ra từ các vùng chiến sự (như sự kiện 11-9-2001, chiến tranh Irắc năm 2002; dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, dịch cúm gà năm 2004 và hiện nay là dịch cúm H5N1, H1N1)…. đã có những tác động nặng nề tới vận tải hàng không toàn cầu nói chung và vận tải hàng không Việt Nam nói riêng, nhưng HKVN vẫn đạt được những thành tích rất đáng phấn khởi.

Cho đến nay, lĩnh vực vận tải hàng không đã tạo được môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhờ vậy, các DN vận tải HK của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn về năng lực, vốn, công nghệ để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Hệ thống sân bay phân bố đều khắp các vùng, tiềm năng du lịch đa dạng, mạng đường bay nội địa của HKVN đã được phát triển đều khắp, giải quyết được 2 mục tiêu cơ bản: đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường HK trong nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và đảm bảo hỗ trợ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cho các hãng HKVN. Hiện nay, ngành hàng không đã thiết lập được 29 đường bay nội địa đến 20 thành phố, thị xã trên toàn quốc. Các mạng đường bay quốc tế của các hãng vận tải HKVN cũng không ngừng được tăng cường và mở rộng với 35 đường bay từ 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đến 24 điểm thuộc 14 quốc gia trên thế giới, trong đó có 12 điểm ở Đông Bắc Á, 7 điểm ở Đông Nam Á, 2 điểm ở Úc và 3 điểm ở châu Âu.

Về năng lực vận tải hàng không, tính đến nay, tổng số máy bay của các DN vận chuyển trong ngành là 59 chiếc; tỷ lệ sở hữu trên đầu máy bay đạt hơn 49%; tỷ lệ sở hữu trên tổng số ghế cung ứng đạt xấp xỉ 30%. Đặc biệt, trong những năm qua công tác quản lý và khai thác cảng hàng không đã được tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới theo hướng hiện đại, góp phần giảm đáng kể tình trạng quá tải, chất lượng phục vụ hành khách ngày càng được nâng cao, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua các cảng hàng không không ngừng tăng và đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tăng cường an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hiện nay, ngành HK đang khai thác 20 Cảng hàng không (CHK) trong đó có 5 CHK quốc tế và 15 CHK nội địa với tổng công suất gần 30 triệu hành khách/năm.

Đối với công tác quản lý, điều hành bay, hiện nay, ngành HK Việt Nam đang quản lý và điều hành các hoạt động bay trong vùng trời có diện tích khoảng 1.200.000 km2 thuộc 2 vùng thông báo bay (FIR) là FIR Hà Nội và FIR TPHồ Chí Minh. Với nhiệm vụ này, ngành quản lý điều hành bay không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ không lưu, đạt được trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực...

Tổng sản lượng vận chuyển năm 2008 đạt 16,13 triệu hành khách, 340 nghìn tấn hàng hóa, tăng trưởng trung bình 19,5%/năm về hành khách và 13%/năm về hàng hóa giai đoạn 2003-2008. Năm 2008, các hãng hàng không đã vận chuyển được 16,16 triệu khách, 341,6 nghìn tấn hàng hóa, tăng trưởng tương ứng 12,6% và 11% so với năm 2007. Tổng lượng khách và hàng hóa thông qua cảng hàng không VN tăng trung bình tương ứng 20%/năm và 13% giai đoạn 2003-2008. Năm 2008, có 23,2 triệu khách và 431 nghìn tấn hàng hóa thông qua các cảng HKVN, tăng lần lượt là 15% và 10% so với năm 2007. Tổng doanh thu toàn ngành tăng 16,3%, nộp ngân sách tăng trưởng 9,5%.

S.Nâu

* Mời đọc tiếp bài 2 số ra thứ ba ngày 18-8-2009

Tin cùng chuyên mục