Hàng không Việt Nam - “Cánh chim không mỏi” - Bài 3: Mở cửa thị trường và hội nhập

Hàng không Việt Nam - “Cánh chim không mỏi” - Bài 3: Mở cửa thị trường và hội nhập

Tính đến nay, cả nước đã có 4 hãng hàng không đã đi vào hoạt động, và 47 hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay đi và đến Việt Nam.

Như báo chí đã đưa tin, cuối tháng 7-2009 vừa qua, thị trường hàng không trong nước và khu vực đã chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là sự ra đời của Hãng Hàng không Quốc gia Cămpuchia - Angkor Air (CAA). Theo đó, CAA là hãng hàng không được thành lập bởi sự hợp tác, liên doanh giữa ngành hàng không 2 quốc gia Cămpuchia và Việt Nam (do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines làm đại diện).

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, trong khuôn khổ hợp tác liên doanh, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ toàn diện cho CAA trong các lĩnh vực khai thác, kỹ thuật, thương mại và đào tạo nguồn nhân lực. Đây cũng được xem là một trong số rất nhiều sự kiện, hoạt động nhằm mở cửa thị trường và hội nhập của ngành hàng không Việt Nam trong những năm qua.

Có thể nói, thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới kinh tế, mở cửa thị trường và hội nhập của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, ngành HK VN đã có nhiều đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh khai thác hàng không.

Chuyến bay ngày khai trương của Hãng Hàng không Quốc gia Cămpuchia do Vietnam Airlines hợp tác đầu tư.

Chuyến bay ngày khai trương của Hãng Hàng không Quốc gia Cămpuchia do Vietnam Airlines hợp tác đầu tư.

Bên cạnh việc cho phép nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Việt Nam, thì  việc cho phép các thành phần kinh tế trong nước tham gia thành lập hãng HK là một điểm mới mang tính đột phá được quy định rõ trong Luật Hàng không. Tuy nhiên, do lĩnh vực kinh doanh vận tải HK là một lĩnh vực đặc thù, có liên quan chặt chẽ tới an ninh quốc phòng và đòi hỏi các yêu cầu về vốn, kỹ thuật, tổ chức, con người rất cao, nên trong bất cứ trường hợp nào, việc thành lập thêm các hãng hàng không đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và khi Thủ tướng  Chính phủ có cho phép về chủ trương thì tổ chức, cá nhân mới được tiến hành các thủ tục xin phép thành lập theo luật định. Với chủ trương này, tính đến nay, ngoài Vietnam Airlines đóng vai trò chủ đạo, cả nước còn có 3 hãng hàng không nữa đã đi vào hoạt động là Jetstar Pacific, Indochina và Vasco.

Cùng với chủ trương cho phép thành lập các hãng HK trong nước, trong những năm qua, ngành HKVN còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các hãng HK nước ngoài mở các đường bay đến VN. Theo tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hè năm nay có thêm 3 hãng hàng không mở đường bay mới tới các điểm đến tại Việt Nam. Theo đó, hãng hàng không Mỹ Delta Airlines vừa mở đường bay nối các điểm đến Bắc Mỹ tới Tokyo và Việt Nam. Hãng hàng không Trung Quốc Shanghai Airlines thì mở đường bay tới Nội Bài sau khi đã làm ăn khá ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Hãng vận tải Qantas Airways cũng mở thêm đường bay tới Tân Sơn Nhất. Như vậy, tính đến thời điểm này, có 47 hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay đi và đến Việt Nam.

Thực tế cho thấy, kể từ khi ban hành Luật Hàng không sửa đổi và Nghị định 76 về kinh doanh vận chuyển hàng không, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang nhờ tư vấn để nộp hồ sơ xin thành lập hãng. Các hãng hàng không nước ngoài gần đây cũng đã tăng tần suất bay tới Việt Nam. Nhiều chuyên gia hàng không đánh giá, việc cho phép thành lập thêm nhiều hãng HK nội địa và việc các hãng hàng không nước ngoài tăng tần suất bay tới Việt Nam cũng sẽ giống việc cạnh tranh giảm giá cước của các mạng điện thoại di động hiện nay. Lúc đó, hành khách sẽ có nhiều sự lựa chọn và việc này đồng nghĩa là giá vé sẽ có tính cạnh tranh hơn.  Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc cho ra đời nhiều hãng HK cũng cần phải hết sức cẩn trọng.

Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh vận tải HK không phải là đơn giản. Cho đến nay các hãng HK trong nước đều báo cáo lỗ, một số hãng khác thì đã có giấy phép thành lập nhưng chưa dám bay…  Đó cũng chính là lý do vì sao mà vừa qua Cục Hàng không Việt Nam đã có  văn bản đề xuất với Chính phủ giới hạn tới năm 2011 tạm dừng việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Nghị định 76 quy định các hãng hàng không khai thác từ 1 đến 10 máy bay phải có vốn pháp định 500 tỷ đồng (nếu khai thác vận chuyển quốc tế); 200 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 máy bay, vốn pháp định 800 tỷ đồng khi khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 400 tỷ đồng nếu chỉ bay nội địa.

Các DN khai thác trên 30 máy bay, vốn pháp định phải là 1.000 tỷ đồng (nếu khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) và 500 tỷ đồng nếu chỉ khai thác nội địa. 50 tỷ đồng là mức vốn pháp định bắt buộc cho DN kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi đối với các loại hình khác của ngành hàng không (vận chuyển, tiếp thị, quảng cáo, bán sản phẩm vận chuyển...).

Theo nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

 S.NÂU


* Mời đọc tiếp bài 4, số ra ngày 25-8-2009

Thông tin liên quan:

>> Bài 2: Nỗ lực vì những đường hàng không tốt nhất

>> Bài 1: Hơn nửa thế kỷ nhìn lại

Tin cùng chuyên mục