Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), xã Kon Pne được ví như một “ốc đảo” nằm vắt vẻo giữa đại ngàn Trường Sơn. Những năm trước, để vào được “ốc đảo” này, cách duy nhất là... lội bộ với quãng đường gần 80km. Nay đường vào Kon Pne đã thông tuyến, điện thắp sáng từng nóc nhà, cuộc sống của người dân đang thay đổi từng ngày.
Ký ức miền quá khứ
Trong cơn mưa rừng tầm tã của mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi làm cuộc hành trình về xã Kon Pne, một căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi từng được nhắc đến với nhiều cái nhất: nghèo nhất, lạc hậu nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất... của tỉnh Gia Lai. Sau khoảng 2 giờ len lỏi giữa các tán rừng, chúng tôi đặt chân đến trung tâm xã. Thật lạ, được mệnh danh vùng “ốc đảo” của khu vực Tây Nguyên nhưng đập vào mắt chúng tôi, Kon Pne lại có rất nhiều nhà bê tông mái đỏ, đường vào xã được tráng bê tông phẳng lì, xe cộ tấp nập. Dưới chân những ngôi nhà sàn, những đứa trẻ tóc cháy nắng đang vô tư vui đùa. Nhìn thấy khách lạ, chúng nấp rụt rè sau những cột nhà đưa ánh mắt trong veo, len lén nhìn. Trên sân bóng của các thôn, làng, từng tốp thanh niên chơi bóng chuyền. Tiếng bóng, tiếng người hòa quyện vào nhau tạo thành những thanh âm đặc trưng của cuộc sống miền sơn cước.
Đổi thay nơi miền ngược
Sự thay đổi bắt đầu hiện diện ở vùng đất này từ năm 2004, đó là ngày con đường vào xã được khai thông. Công trình do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư. Kon Pne chính thức được hòa nhập với thế giới ngoài bìa rừng. Tiếp đó, năm 2005 ánh điện về đến các buôn làng như thổi luồng sinh khí mới để tiếp sức cho xã nghèo này. Cuộc sống của người dân Kon Pne từ đó khác xưa nhiều, không còn cảnh tự cung tự cấp, cũng không còn cảnh phải lặn lội vất vả cả ngày trời để mua từng hạt muối, tấm chăn. Việc giao lưu buôn bán, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… bắt đầu trở thành thói quen trong nếp nghĩ của họ. Đường sá đi lại thuận lợi, kinh tế dần phát triển, nhà mới mọc lên càng nhiều, các cháu đến tuổi được đi học, chăm sóc sức khỏe người dân khi ốm đau cũng tốt hơn.
Ông Đinh Tơng, một người dân ở xã Kon Pne, cho biết: “Trước đây cái đói luôn thường trực trong gia đình chúng tôi. Mỗi năm, có đến vài ba tháng vợ con tôi không có cái gì bỏ vào bụng. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, bây giờ gia đình tôi đã biết làm lúa nước, biết chăn nuôi nên cuộc sống thay đổi nhiều, không còn đói cái bụng nữa. Nhà tôi cũng có 2 cháu đi học. Tôi sẽ cho con học để biết chữ, biết làm kinh tế giỏi, để sau này không còn vất vả như cha mẹ của chúng nữa…”.
Chia tay miền sơn cước khi cơn mưa chiều bắt đầu nặng hạt, lòng chúng tôi rạng rỡ một niềm vui khôn tả. Miền xa xăm nhất của tỉnh Gia Lai, là vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến, nay đã “vươn vai” hòa nhập với các vùng miền trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
| |
ĐỨC TRUNG