Kon Tum: Lập chuyên án bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy

(SGGPO).-
Kon Tum: Lập chuyên án bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy

(SGGPO).- UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vừa có công văn số 2212 chỉ đạo Công an tỉnh cùng Công an huyện Đăk Hà lập ngay chuyên án để đấu tranh, làm rõ các vụ khai thác gỗ trắc trái phép tại rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà), phải kiên quyết đưa ra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, UBND huyện Đăk Hà, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy phải khẩn trương thành lập tổ công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với các hoạt động chặt phá, khai thác gỗ trái phép.

Gỗ trắc chặt hạ ở rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: Đức Trung

Gỗ trắc chặt hạ ở rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: Đức Trung

Được biết, trong thời gian qua, tại rừng đặc dụng Đăk Uy đã xảy ra 75 vụ phá rừng, với gần 35m³ gỗ trắc bị chặt hạ, đưa rừng gỗ trắc duy nhất của Tây nguyên đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Gỗ trắc thuộc gỗ nhóm I, giá hiện nay được bán trên thị trường 20.000 đồng/kg, 170 triệu đồng/m³ nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của lâm tặc.

  • Gia Lai: Năm 2010, xảy ra gần 1.700 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng

(SGGPO).- Ngày 2-12, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 1.641 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tăng gần 20% so với năm 2009. Trong đó, phá rừng trái phép 22 vụ, vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác 60 vụ, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản 1.393 vụ… Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 1.562 vụ, khởi tố hình sự 12 vụ, tịch thu gần 500 phương tiện các loại, tổng số tiền phạt, bán lâm sản, phương tiện, nộp ngân sách gần 24 tỷ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai thừa nhận chính quyền cấp xã chưa phối hợp hiệu quả với lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn, nhiều nơi chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng trách nhiệm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Một số cán bộ Kiểm lâm địa bàn còn buông lỏng trách nhiệm, thiếu nhiệt tình, chưa thật sự an tâm công tác.

Bên cạnh đó, hoạt động của các Đội Kiểm lâm cơ động, Đoàn kiểm tra liên ngành; việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả chưa cao; chưa có giải pháp hữu hiệu để đấu tranh loại trừ các đối tượng đầu nậu và ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển lâm sản trái phép và các đầu mối tiêu thụ trái phép lâm sản.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục