(SGGP).- Từ năm 2007 đến nay, diện tích trồng mì trên toàn tỉnh Kon Tum liên tục tăng, từ 35.000ha, đến năm 2014 đã lên đến gần 55.000ha.
Bước vào mùa mưa, hiện tại một số huyện biên giới như Đăk Glei, Sa Thầy, người dân đang chuẩn bị cày xới để trồng mì. Đáng chú ý nhất, tại khu vực ngoại vi Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), diện tích cây mì ngày càng được mở rộng. Chỉ tính riêng thôn Bar Gok, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), trong 153 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, hầu như hộ nào cũng trồng từ 1ha mì trở lên. Chính điều này đã tạo lên một áp lực khá lớn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Tỉnh Kon Tum có địa hình nhiều đồi dốc, một thực trạng đáng báo động là đồng bào dân tộc thiểu số thường phát rẫy trồng mì ở cả những diện tích đất dốc hơn 15o, đất dễ bị trôi, bạc màu, nên bà con chỉ trồng 2-3 vụ lại đi tìm rẫy khác và đất rừng thường được nhắm đến để mở mang diện tích mì.
ĐỨC TRUNG